Đường dẫn truy cập

Chính diện hay hậu trường: Vai trò nào cho Hoa Kỳ ở Biển Đông?


Buổi điều trần tại Hạ viện Hoa Kỳ về 'Vai trò an ninh của Mỹ ở Biển Đông' hôm 23/7/2015.
Buổi điều trần tại Hạ viện Hoa Kỳ về 'Vai trò an ninh của Mỹ ở Biển Đông' hôm 23/7/2015.

Với nhiều hoạt động xây dựng, cải tạo đất của Trung Quốc ở Biển Đông trong vòng 18 tháng qua, nhiều người cho rằng Hoa Kỳ nên hỗ trợ cho các đối tác và đồng minh trong khu vực thông qua kinh tế và quân sự, nhưng một số người khác lại cho rằng các nước ASEAN phải tự giải quyết vấn đề tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc. Làm thế nào Hoa Kỳ có thể hỗ trợ cho các đối tác đồng thời giảm thiểu rủi ro xảy ra xung đột? Đó cũng là câu hỏi được đặt ra trong buổi điều trần tại Hạ viện Hoa Kỳ hôm qua (23/7) về “Vai trò an ninh của Mỹ ở Biển Đông”.

Trong buổi điều trần, các chuyên gia nghiên cứu về khu vực châu Á – Thái Bình Dương tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của Biển Đông, đồng thời đưa ra những khuyến nghị về chính sách của Hoa Kỳ đối với khu vực này.

“Hoa Kỳ cần phải đào sâu và mở rộng quan hệ ngoại giao và hỗ trợ thực tế cho ASEAN. Chúng ta cần phải tăng cường quan hệ với ASEAN trên 4 cấp độ, không phải 1 mà là 4 cấp độ: với toàn bộ ASEAN, với các nước ASEAN có tuyên bố chủ quyền (ở Biển Đông), với từng nước ASEAN và với các đối tác đồng minh của chúng ta ở trong và ngoài ASEAN, bao gồm Úc, Ấn Độ, Nhật và Nam Triều Tiên”, đó là đề nghị đầu tiên của TS. Patrick Cronin, Cố vấn cao cấp, Giám đốc chương trình An ninh châu Á – Thái Bình Dương thuộc Trung tâm An ninh Mỹ mới.

TS. Cronin cho rằng Hoa Kỳ cần phải gắn kết nhiều hơn với khu vực, phải bảo đảm đặt vấn đề Biển Đông lên hàng đầu trong quan hệ ngoại giao khu vực.

Hoa Kỳ cần phải đào sâu và mở rộng quan hệ ngoại giao và hỗ trợ thực tế cho ASEAN. Chúng ta cần phải tăng cường quan hệ với ASEAN trên 4 cấp độ, không phải 1 mà là 4 cấp độ: với toàn bộ ASEAN, với các nước ASEAN có tuyên bố chủ quyền, với từng nước ASEAN và với các đối tác đồng minh của chúng ta ở trong và ngoài ASEAN, bao gồm Úc, Ấn Độ, Nhật và Nam Triều Tiên.
TS. Patrick Cronin.

Buổi điều trần tại Hạ viện diễn ra chỉ 2 ngày sau khi Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Russel khẳng định trong bài phát biểu ở Trung tâm Nghiên cứu và Chiến lược Hoa Kỳ (CSIS) rằng “Hoa Kỳ không mập mờ khi đề cập đến việc tuân thủ luật pháp quốc tế”, nhưng “mạnh mẽ ủng hộ bên tuân thủ các nguyên tắc”.

Đối với những diễn tiến gần đây của Trung Quốc, đặc biệt là các hoạt động xây dựng trên các bãi đá ở quần đảo Trường Sa, khiến cho căng thẳng vốn có lâu nay ở Biển Đông lại một lần nữa tăng lên, TS. Mira Rapp-Hooper, giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á của CSIS, cho biết trên thực tế, tất cả các bên tranh chấp đều có những hoạt động xây dựng, bồi đắp đất đai tại vùng biển có tranh chấp. Tuy nhiên mức độ, phạm vi và tốc độ xây dựng của Trung Quốc vượt hẳn các nước láng giềng. Bà Hooper đưa ra so sánh trong đó cho thấy Đài Loan đã cải tạo khoảng 5 ha đất trong vòng 2 năm, Malaysia cải tạo khoảng 60 ha trong 30 năm, Việt Nam khoảng 50 – 60 ha trong vòng 5 năm, trong khi Trung Quốc chỉ trong vòng 1 năm đã cải tạo ít nhất 2.000 ha đất ở 7 địa điểm khác nhau.

“Chính vì những hoạt động cải tạo rộng lớn của Trung Quốc bị lộ ra nên các bên tranh chấp cũng đáp trả bằng các hoạt động xây dựng riêng của mình. Đặc biệt và rõ ràng hơn là các hoạt động ngoại giao và quân sự đã diễn ra trong 18 tháng qua”, TS. Rapp-Hooper nói.

Vai trò của Mỹ

Như vậy với tình hình có xu hướng ngày càng “nóng” lên ở Biển Đông, Hoa Kỳ sẽ phải đóng vai trò thế nào cho phù hợp?

TS. Andrew Erickson, giáo sư của Viện Nghiên cứu Biển Trung Quốc, thuộc Học viện Hải quân Hoa Kỳ, cho rằng Washington cần phải ngăn chặn ý định sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp Biển Đông của Trung Quốc. Ông nói:

“Tôi tin là Hoa Kỳ và Trung Quốc có thể và sẽ tránh để xảy ra chiến tranh. Thay vào đó là duy trì hòa bình và ngăn chận xung đột. Cụ thể, chúng ta phải ngăn chặn Bắc Kinh giải quyết vấn đề biển đảo và tranh chấp chủ quyền lãnh hải bằng vũ lực hay ngay cả đe dọa sử dụng vũ lực”.

TS. Erickson nói bằng cách kết hợp việc triển khai hệ thống vũ khí cùng với chiến lược, Hoa Kỳ có thể ngăn cản ý định của các lãnh đạo Trung Quốc tiến hành mưu đồ của họ trên Biển Đông.

Các chuyên gia cũng nhấn mạnh đến vấn đề minh bạch thông tin liên quan đến vấn đề Biển Đông. Việc minh bạch, chia sẻ thông tin sẽ giúp cho các nước trong khu vực có thể chuẩn bị và đối phó với bất kỳ tình huống nào xảy ra về mọi mặt, kể cả đối với những vấn đề như thiên tai, cứu trợ…

Giảm khác biệt

Trong khi đó, TS. Michael Swaine, thuộc Quỹ Carnegie về Hòa bình Quốc tế, đề nghị Washington nên trở thành trung gian trong việc dàn xếp song phương với các bên có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc.

“Liên quan đến vấn đề đàm phán, Washington nên ngừng phản đối việc đàm phán song phương giữa các bên tranh chấp, bao gồm Trung Quốc – Việt Nam, Trung Quốc – Philippines… mà nên trở thành trung gian việc dàn xếp song phương giữa Việt Nam và Philippines, Việt Nam và Malaysia, nhờ đó giảm thiểu những khác biệt giữa các nước ASEAN có tranh chấp trong đàm phán song phương với Trung Quốc. Điều đó cũng đem lại cho họ thêm lợi thế trong việc đối phó với Trung Quốc”.

TS. Swaine cho rằng Hoa Kỳ nên đóng vai trò “phía sau hậu trường”, không nên khuyến khích Nhật tham gia tuần tra chung ở Biển Đông vì Nhật Bản không phải là bên liên quan và điều này chỉ góp phần tạo thêm bất ổn mà thôi. Ông Swaine cũng cảnh báo về tính “nhạy cảm” trong vấn đề Biển Đông. Ông cho rằng các nước ASEAN có liên quan đến tranh chấp thường có khuynh hướng xem Hoa Kỳ như người đỡ gánh nặng, chống lưng cho họ nên không hoàn toàn dốc sức trong việc tìm cách giải quyết vấn đề tranh chấp. Trong khi đó, Trung Quốc có thái độ bất mãn nhiều hơn vì cho rằng Hoa Kỳ là kẻ giật dây phía sau hậu trường.

Đưa Biển Đông vào cuộc hội kiến sắp tới

Động thái thiết thực mà Hoa Kỳ nên làm ngay lúc này, theo TS. Swaine, là đưa vấn đề Biển Đông lên bàn nghị sự của cuộc hội kiến sắp tới giữa Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

“Tôi cho rằng ông Obama nên ngồi xuống với ông Tập Cận Bình, cùng một nhóm nhỏ nhân viên thôi, và nói chuyện một cách nghiêm túc về vấn đề này. Nói về những gì mà Hoa Kỳ lo ngại, nói về những gì mà Hoa Kỳ xem là không thể chấp nhận được một cách nào đó, nói về phương cách mà hai bên có thể làm để bảo đảm là những điều đó không xảy ra nữa. Và Trung Quốc cũng bày tỏ quan điểm của họ”.

Hôm thứ Ba (21/7), Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã phản ứng với chuyến bay giám sát của tân chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Scott Swift, trên Biển Đông vào cuối tuần trước trong khuôn khổ chuyến thăm Philippines của ông.

Trả lời trên tờ China Daily, một giới chức quân đội Trung Quốc nói rằng việc giám sát Trung Quốc thường xuyên với quy mô lớn của Mỹ đã gây tổn hại nghiêm trọng đến sự tin tưởng lẫn nhau và lợi ích an ninh của Trung Quốc. Giới chức này nói “chính quyền Trung Quốc phản đối mạnh mẽ động thái của Hoa Kỳ”.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói họ hy vọng Mỹ sẽ tuân thủ lời hứa không đứng về phe nào trong vấn đề Biển Đông và rằng Hoa Kỳ nên làm nhiều hơn nữa cho hòa bình và ổn định trong khu vực.

Truyền hình vệ tinh VOA 24/7/2015
please wait

No media source currently available

0:00 0:14:30 0:00

XS
SM
MD
LG