Đường dẫn truy cập

Bàn về trách nhiệm của cha, mẹ trong vụ tai nạn của bé gái Trung Quốc


Bé gái 2 tuổi bị xe tải cán, nhưng người qua đường để mặc em bé này nằm trên đường cho tới khi bé lại bị xe cán một lần nữa.
Bé gái 2 tuổi bị xe tải cán, nhưng người qua đường để mặc em bé này nằm trên đường cho tới khi bé lại bị xe cán một lần nữa.

Trong nhiều ngày qua, dư luận Trung Quốc đã bày tỏ sự bất bình và phẫn nộ trước sự thờ ơ của những người đi qua đường ở thành phố Phật Sơn trước tai nạn thương tâm dẫn đến cái chết của em bé hai tuổi Vương Duyệt Duyệt. Trong khi đó, một số nhà tâm lý học ở Trung Quốc cho rằng cha, mẹ em bé cũng có lỗi vì đã bỏ bê con cái và để cho em bé đi một mình ở khu chợ được cho là có xe qua lại đông đúc.

Vậy còn chuyên gia tâm lý và các bậc phụ huynh người Việt nghĩ sao về trách nhiệm của cha, mẹ bé gái?

Dưới đây là ý kiến của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tâm lý Nguyễn Hồi Loan, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội và chị Hương Liên, một phụ nữ có con nhỏ, xoay quanh trách nhiệm của cha mẹ em bé trong vụ việc này và mối liên hệ với xã hội Việt Nam hiện tại.

VOA: Thưa Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hồi Loan, liên quan đến vụ tai nạn thương tâm của bé Vương Duyệt Duyệt ở Phật Sơn, em bé bị xe tải cán, và sau đó người qua đường để mặc em nằm trên đường cho tới khi bé lại bị xe cán một lần nữa, một số chuyên gia tâm lý của Trung Quốc cho rằng cha mẹ em bé cũng có lỗi trong vụ việc này, còn theo ý kiến của Tiến sĩ thì sao ạ?

Tiến sĩ Nguyễn Hồi Loan: Chúng ta không nên vội vàng qui trách nhiệm cho những người cha, mẹ đó. Bởi vì có rất nhiều lý do có thể dẫn đến việc đứa trẻ bị bỏ rơi, ví dụ đứa trẻ bị lạc, hoặc bố, mẹ đang mải làm một vấn đề gì đó dẫn đến việc đứa trẻ nó xa bố, mẹ.

Cái quan trọng đáng trách, đáng lên án nhất là sự lãnh cảm, lạnh lùng của con người xung quanh trước hiện tượng đó. Mà hiện tượng này ở xã hội chúng ta có rất nhiều. Ví dụ, người ta bàng quang, lạnh lùng, hoặc không quan tâm đến số phận, thân phận của những con người khác nhau, như trường hợp nhiều em nhỏ bị hành hung, nhưng hàng xóm láng giềng rồi chính quyền địa phương cũng không có phản ứng quyết liệt về vấn đề này.

Quan điểm của tôi là nếu trước một công việc ác hay một việc thiện mà anh không làm là anh đồng phạm hay đồng tình với tội ác đó. Cái đáng trách là hiện nay mối quan hệ và đặc biệt là sự quan tâm giữa con người với con người trong xã hội chúng ta nó đã mai một đi.

VOA: Vâng, cha mẹ em bé đã rất đau lòng khi mất con, nhưng cha, mẹ cũng là người phải có trách nhiệm chăm sóc và bảo vệ con cái, chkhông thể bỏ bê con cái phải không ạ?

Tiến sĩ Nguyễn Hồi Loan: Giá như người mẹ chỉn chu hơn, người mẹ quan tâm hơn, người mẹ biết rõ đứa con của mình hơn, chăm sóc rõ ràng hơn thì không xảy ra điều đáng tiếc đối với đứa trẻ.

VOA: Còn chị Hương Liên, trên quan điểm của một người phụ nữ cũng có con nhỏ, chị có cho rằng cha mẹ em bé cũng có lỗi trong vụ việc này không?

Hương Liên: Thực ra, tôi nói rất thật lòng là tôi chưa xem clip đó, tôi có đọc bài báo đó nhưng không đủ dũng cảm để xem clip. Tôi nghĩ rằng không chỉ tôi mà một số bà mẹ khác khi mà có con nhỏ rồi thì tôi rất dễ xúc động trước những cảnh như vậy. Thậm chí mới chỉ đọc bài báo đó thôi tôi đã xúc động và đã khóc rồi, tôi không đủ dũng cảm để xem vì tôi nghĩ tôi sẽ không chịu được và sẽ bị ám ảnh.

Thực ra, tôi thấy ở Việt Nam mọi người phẫn nộ nhiều hơn đối với những người tài xế lái xe tải cũng như những người đi qua đường thờ ơ không giúp đỡ em bé đó. Nhưng đương nhiên tôi cũng thấy là bố, mẹ em bé cũng có một phần trách nhiệm. Bởi vì khi câu chuyện này trở thành câu chuyện rất nóng hổi ở Việt Nam và con gái 5 tuổi của tôi cũng nghe câu chuyện đó. Cháu đã hỏi tôi một câu rất ngây thơ và trong sáng, phản ánh rất thật sự sự kiện đấy. Cháu hỏi tôi là: “Mẹ ơi, thế Bố, Mẹ em bé đâu? Tại sao em bé không đi ra ngoài cùng Bố, Mẹ?” Vì đi đâu tôi cũng dạy con tôi là khi đi ra đường phải đi cùng bố, mẹ. Điều đó nó phản ánh sự thiếu sự sâu sát và quan tâm của bố, mẹ em bé đó đối với em.

Thực ra, cũng không nên lên án cha, mẹ em vì để mất em như vậy là bố, mẹ em rất đau lòng. Tôi nghĩ cái quan trọng ở đây là sự thiếu hiểu biết của bố, mẹ em, vì có thể họ là những người dân buôn bán không có ý thức cao về vấn đề an toàn. Nhưng nói là lên án bố, mẹ em thì cũng hơi quá, nhưng đây là một bài học cảnh tỉnh cho các bậc cha mẹ trong việc chăm sóc và bảo vệ con một cách hợp lý.

VOA: Thưa Tiến sĩ Nguyễn Hồi Loan ông có nói đến sự lạnh lùng, lạnh cảm của những người xung quanh và xã hội Việt Nam cũng có nhiều hiện tượng như vậy, theo ông nguyên nhân nào dẫn đến hiện tượng này?

Tiến sĩ Nguyễn Hồi Loan: Trong lịch sử văn hóa xã hội của chúng ta thì điều này không có. Trong văn hóa làng, xã của chúng ta trước đây thì mọi người đều quan tâm đến nhau. Ví dụ, nhà A có vấn đề gì đó thì cả xóm người ta đến giúp đỡ, một đứa trẻ đi lang thang thì cả làng người ta đều quan tâm, đứa trẻ chơi bẩn thì người ta nhắc đứa trẻ. Đó là tính cố kết trong cộng đồng làng xã, cái văn hóa của người Việt thể hiện rõ. Khi chúng ta bước vào nền kinh tế thị trường mà lại không có một sự chuẩn bị chu đáo về mặt tâm lý, xã hội thì dẫn đến hiện tượng người ta hiểu sai về nền kinh tế thị trường. Người ta nghĩ làm thế nào để vun vén lợi ích cho cá nhân được nhiều nhất và tốt nhất và sẵn sàng lạnh lùng trước khổ đau của người khác. Đấy là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này, nó là sự thay đổi về giá trị và hệ thống giá trị của xã hội ta hiện nay, đặc biệt là ở bộ phận thanh thiếu niên hiện nay.

VOA: Vậy qua vụ tai nạn này, theo tiến sĩ thì xã hội Việt Nam nên nhìn nhận lại những điều gì?

Tiến sĩ Nguyễn Hồi Loan: Cái quan trọng theo tôi là nhìn cảnh như vậy bất kể ai cũng thương xót. Nhưng trong hoàn cảnh cụ thể khi sự kiện xảy ra rồi thì người ta mới nhìn lại chính mình, mới xem xét lại chính mình. Những người đi qua đường hôm ấy, họ chứng nhận điều đó, về họ sẽ trăn trở cái hành vi của mình để nhắc nhở họ. Giá như khi đó có một người lớn níu hay giữ tay nó lại chẳng hạn thì có thể không xảy ra vụ tai nạn đó. Chúng ta thấy là trẻ em rất cần sự giúp đỡ, tương trợ rất nhiều của người lớn trong đời sống xã hội.

Điều thứ hai là những người làm cha, làm mẹ khi đã quyết định sinh con thì phải chịu trách nhiệm đối với sản phẩm do mình tạo ra, đó là những đứa con. Nó như chính cuộc đời của mình, nếu như anh vô tâm hay thiếu trách nhiệm trong việc giúp đỡ những đứa trẻ, thì đó là một tội ác.

VOA: Chị Hương Liên, chị có nói đến sự thiếu kiến thức của cha mẹ em bé, vậy theo kinh nghiệm của chị thì các bậc phụ huynh nên làm gì để tránh những chuyện đau lòng như vậy xảy ra?

Hương Liên: Tôi nghĩ rằng trẻ em 2 đến 3 tuổi, thậm chí đến 5 tuổi thì cũng chưa ý thức được cụ thể các hành động của mình trong việc xử lý các tình huống xung quanh. Do vậy, với những em bé như vậy, bố mẹ phải luôn để ý, quan sát. Nếu Bố mẹ ở khu chợ buôn bán bận rộn như như vậy thì nên có cửa chắn an toàn để có thể giữ bé trong một khu vực nhất định, để bé không thể tự ý đi ra ngoài mà không có sự kiểm soát của bố mẹ. Đồng thời, việc giáo dục con cái ngay từ bé đến lớn về ý thức an toàn để bé có thể bảo vệ bản thân cũng là điều hết sức quan trọng. Ví dụ như từ bé nên tạo cho bé thói quen là khi đi qua đường thì phải biết nhìn bên này, bên kia để tránh xe, hoặc phải đi sát vào lề chứ không được đi xuống lòng đường. Tuy khi cháu 2 tuổi cháu chưa nhận thức được hết, nhưng nếu giáo dục như vậy thì có thể xây dựng ý thức rất tốt cho bé tại vì không ai nói được chữ “ngờ”. Có thể một lúc nào đấy mà ngoài tầm kiểm soát của bố, mẹ, dù bố mẹ rất cẩn thận, nhưng khi một phút nào đó bé không có bố mẹ thì bé vẫn có thể tự bảo vệ mình trong một chừng mực nhất định.

VOA: Xin cảm ơn Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tâm lý Nguyễn Hồi Loan và chị Hương Liên đã dành cho đài VOA cuộc phỏng vấn hôm nay.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG