Năm 1992, nhà cựu lãnh đạo Trung Quốc, ông Đặng Tiểu Bình đã tuyên bố “Trung Đông có dầu thì Trung Quốc có đất hiếm.” Các công ty Trung Quốc đã ráo riết theo đuổi công cuộc khai thác mỏ đất hiếm kể từ khi đó và hiện chiếm khoảng 95% tổng số lượng cung ứng đất hiếm trên thế giới. Tập đoàn Bao Đầu có liên hệ với nhà nước chiếm hơn 60% sản lượng.
Tuần trước, ban quản trị của tập đoàn cho hay sẽ ngưng sản xuất để ổn định thị trường và quân bình mức cung cầu. Quyết định này được đưa ra tiếp theo một sự sụt giảm khoảng 20% trong giá đất hiếm vào mấy tháng vừa qua.
Ông Andrew Bloodworth là người đứng đầu ngành khoa học của cơ quan Thăm dò Địa chất Anh. Toán công tác của ông vừa đúc kết Danh sách Rủi ro quốc tế năm 2011 về các nguyên tố hóa học.
Danh sách này cho thấy mối đe dọa đối với lượng cung ứng các nguyên tố và các nhóm nguyên tố cần thiết để thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Ông Bloodworth nói rằng, mặc dù có thể có đất hiếm được khai thác ở bên ngoài Trung Quốc, vấn đề chủ chốt cho các doanh nghiệp khai mỏ là chi phí để tách nguyên tố đó ra khỏi quặng mỏ.
Ông nhận định: “Người Trung Quốc có thể làm việc đó ít tốn kém hơn bất cứ ai khác, có nghĩa là về mặt lịch sử, giá đất hiếm đã hạ, khiến các mỏ ở những nơi khác trên thế giới không còn hoạt động nữa. Vì thế, chúng ta đang ở trong một tình huống gần như là độc quyền về mặt số cung và mức cầu ngày càng tăng, và mọi người rất lo ngại rằng Trung Quốc nắm quyền thống lĩnh trong các địa hạt này.”
Trung Quốc có thành tích thao túng giá cả đất hiếm bằng cách hạn chế lượng cung ứng, và đã thực thi một lệnh đình chỉ tương tự vào năm 2008.
Bắc Kinh chứng tỏ rằng họ sẵn sàng dùng sự thống lĩnh thị trường của mình như một cái vốn ngoại giao khi họ đình chỉ các chuyến hàng gửi qua Nhật Bản vào tháng 10 năm 2010, trong vụ tranh chấp lãnh thổ với Tokyo.
Khác với những trường hợp trước đó khi Bắc Kinh thao túng lượng cung ứng, thế giới ngày càng sẵn sàng tiến ra khỏi sự lệ thuộc vào đất hiếm của Trung Quốc.
Các nhà sản xuất, trong đó có Toyota và General Motors, hiện đã khai triển các tiến trình giảm thiểu việc sử dụng đất hiếm trong thiết kế xe hơi, theo ông Matthew Fusarelli, người đứng đầu ngành khảo cứu của AME. Ông giải thích:
“Nói chung đất hiếm có một mức độ rất cao về tính có thể thay thế. Vì vậy mà các công ty sản xuất điện tử có thể dần đà thay đổi các tiến trình sản xuất để chỉ cần đến rất ít, hoặc không cần đến đất hiếm nữa.”
Ông Andrew Bloodworth cho hay sẽ không cần đến nhiều nhà cung ứng mới để thay đổi sự lệ thuộc vào Trung Quốc:
“Số lượng chúng ta sử dụng so với các loại kim khí công nghiệp khác tuyệt đối rất nhỏ. Năm ngoái trên toàn thế giới, chúng ta khai thác khoảng 17, 18 triệu tấn đồng, trong khi chỉ khai thác chừng 130 đến 140 ngàn tấn đất hiếm. Một số mỏ mới sẽ thay đổi toàn bộ tình huống.”
Các mỏ mới đang được hoạch định ở Hoa Kỳ, Nga và Australia. Các mỏ khác có thời ngưng hoạt động hay không được khai thác vì có những lo ngại về tính khả thi, nay đang quay ra sản xuất.
Trong số các mỏ này có mỏ Molycorp ở Mountain Pass trong bang California. Mỏ này đóng cửa năm 2002 khi Trung Quốc đổ vào thị trường những lượng cung ứng rẻ tiền.
Ban quản đốc Molycorp nay cho hay họ đã phát hiện nhiều trữ lượng đất hiếm mới tại hiện trường mỏ và trông đợi đến năm 2014 thì mỏ cũ này sẽ trở thành nhà cung ứng đất hiếm lớn nhất thế giới.
Tuần trước, nhà sản xuất các nguyên liệu đất hiếm đã đình chỉ việc sản xuất để tìm cách tăng giá 17 khoáng chất cần thiết cho việc chế tạo các kỹ thuật hiện đại. Mặc dầu Trung Quốc hiện gần như nắm độc quyền về các nguyên liệu cấp thiết này, sự thống lĩnh của họ có thể bị thách thức nay mai vào lúc các đối tác thương mại mất kiên nhẫn trước hiện tượng thao túng đường dây cung ứng.