Mấy mươi người Uighur và các nhà hoạt động đã tụ họp bên ngoài đại sứ quán Trung Quốc ở thủ đô Washington để tưởng niệm những người đã thiệt mạng trong vụ bạo động hồi năm ngoái.
Ông Arafat Dilshat, một người ủng hộ người Uighur, nằm trong số những người tham gia cuộc biểu tình.
Ông Dilshat nói: "Trên 1.600 người Uighur đã thiệt mạng, cho nên hôm nay chúng tôi tổ chức cuộc biểu tình này để tưởng nhớ đến tất cả những người đó – những đồng bào của chúng tôi, những người anh, người chị của chúng tôi, những người thân trong gia đình đã bỏ mình trong ngày hôm đó."
Chính phủ Trung Quốc tố cáo các nhóm người Uighur sống ở nước ngoài đã gây ra cuộc bạo động hồi tháng 7 năm ngoái. Họ cho biết có khoảng 200 người bị thiệt mạng và 1.700 người bị thương. Tình trạng căng thẳng giữa người Uighur thiểu số và người Hán nhập cư trong khu vực đã gia tăng tới mức không kiểm soát được trên các đường phố ở thủ phủ Urummqi hồi năm ngoái.
Bà Louisia Greve thuộc Quĩ hỗ trợ Dân chủ Quốc gia đã tham gia cuộc biểu tình và cho biết chính phủ Trung Quốc đã che giấu sự thật về vụ rối loạn đó.
Bà Greve cho biết: "Hôm nay đánh dấu kỷ niệm một năm ngày mà người Uighur rủ nhau xuống đường để thực hiện một cuộc biểu tình ôn hòa, nhưng không may, họ đã phải đối diện với súng đạn gây chết người mà một số báo cáo mới đưa ra cho thấy rõ là chính phủ Trung Quốc che giấu những gì đã xảy ra và những gì họ đã làm đối với các công dân của họ.
Giới hữu trách Trung Quốc đổ lỗi cho những người ly khai muốn thành lập một quốc gia độc lập trong khu vực đã gây ra cuộc bạo động năm ngoái.
Các tổ chức nhân quyền của Uighur trên thế giới đã yêu cầu Bắc Kinh cho phép tiến hành một cuộc điều tra độc lập về biến cố vừa kể.
Tuần rồi, tổ chức Dự án nhân quyền của người Uighur có trụ sở ở Washington, đã đưa ra một bản báo cáo mới. Trong bản báo cáo này tổ chức nhân quyền vừa kể đã trình bày chi tiết về cái mà họ gọi là mưu toan của các giới chức Trung Quốc nhằm đàn áp những người biểu tình ôn hòa.
Chính phủ Trung Quốc đã cắt các cuộc điện đàm quốc tế và dịch vụ internet tại khu vực Tân Cương trong hơn 6 tháng sau ngày xảy ra các vụ bạo động. Chính phủ cũng bắt giữ và mang hằng trăm người biểu tình ra xét xử, trong đó có mấy chục người bị kết án tử hình.
Tân Cương là khu vực chiến lược quan trọng đối với Trung Quốc vì khu vực này có nhiều dầu lửa và khí đốt.
Các giới chức Trung Quốc nhấn mạnh nhiều lần rằng tất cả các nhóm sắc tộc tại nước này được đối xử một cách bình đẳng, nhưng các tổ chức nhân quyền nói rằng việc phân biệt đối xử về kinh tế và các chính sách văn hóa chống lại người Uighur đã khiến tình trạng căng thẳng tại Tân Cương lên cao tới mức sôi sục và dẫn tới các cuộc biểu tình phản kháng hồi tháng 7 năm ngoái.
Trong bản phúc trình mới của Tổ chức Dự án nhân quyền của người Uighur mới được công bố mang tên “Có ai nghe chúng tôi nói hay không”, tổ chức này cho biết tiếng Uighur đã hầu như bị loại bỏ trong việc giảng dạy tại các trường học ở Tân Cương. Tổ chức cũng cho biết hằng trăm quyển sách về lịch sử Uighur và văn hóa cũng bị cấm và bị mang ra đốt.
Ông Ilham Tohti là một người Uighur giảng dạy kinh tế học tại Đại học Dân tộc Trung ương ở Bắc Kinh. Ông cho biết người Uighur càng ngày càng trở nên bi quan về tình trạng của họ.
Ông Tohti nói rằng người Uighur không tin tưởng nơi chính phủ, quân đội, cảnh sát và người Hán. Ông cho biết thậm chí nhiều người cũng không tin tưởng chính các thành viên trong gia đình mình vì họ cảm thấy những người chung quanh họ có thể làm mật thám cho chính quyền. Truyền thông nhà nước Trung Quốc đánh dấu cuộc nổi dậy tại Tân Cương bằng cách phát đi rất nhiều bài tường thuật trên TV nói về đời sống đã được cải thiện ở Tân Cương. Tuy nhiên những bài tường trình này đã tránh không nhắc tới vụ bạo động năm ngoái và cũng không nói đến nguyên nhân đưa tới vụ rối loạn.
Các tổ chức nhân quyền của người Uighur và các nhà hoạt động hôm qua đã biểu tình ở Washington đánh dấu 1 năm ngày xảy ra bạo động sắc tộc tệ hại nhất trong nhiều thập niên tại vùng Tân Cương ở miền tây Trung Quốc, và để phản đối điều mà họ gọi là sự đàn áp của Trung Quốc đối với người Uighur, là khối người thiểu số lớn nhất trong vùng này. Thông tín viên đài VOA William Ide có bài tường trình chi tiết sau đây.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1