Các máy thu hình camera giúp nhà chức trách theo dõi các xe buýt, siêu thị, cửa hàng bách hóa và hàng ngàn địa điểm công cộng của Urumqi, thủ phủ tỉnh Tân Cương có nhiều người sắc tộc Uighur theo Hồi giáo.
Các cơ quan truyền thông Trung Quốc nói rằng công an sẽ theo dõi liên tục các camera có độ nét rất cao để đảm bảo Urumqi vẫn yên tĩnh cho tất cả mọi sắc dân.
Nhưng bà Corinna-Barbara Francis của Tổ chức Ân xá Quốc tế nói rằng sử dụng công an để kềm kẹp như vậy chẳng giải quyết được xung đột giữa các nhóm sắc tộc ở Tân Cương. Bà nói:
“Chính quyền cần sửa đổi chính sách đã có từ lâu nay, phân biệt đối xử với sắc tộc Uighur, và một số sắc tộc thiểu số khác đang sống trong khu vực.”
Thứ Hai này kỷ niệm năm đầu tiên xảy ra các vụ bạo loạn chết người đã nổ ra giữa người Hồi giáo Uighur và người sắc tộc Hán làm cho ít nhất 200 người chết.
Chính quyền Trung Quốc đổ lỗi cho người Uighur muốn ly khai đã gây ra bạo loạn, nhưng các tổ chức nhân quyền nói rằng các chính sách phân biệt đối xử về kinh tế và văn hóa đi ngược lại quyền lợi của người Uighur đã đưa các căng thẳng sắc tộc đến chỗ có thể bùng nổ bất cứ lúc nào.
Một năm sau bạo loạn, nhiều người bị bắt sau vụ này vẫn chưa tìm được tung tích. Bà Francis của Tổ chức Ân xá Quốc tế nói rằng trước cảnh hàng ngàn công an tuần tra trên đường phố, nhà chức trách Trung Quốc đang tiến hành chiến dịch bà bà gọi là “đánh mạnh” để kiểm soát tình hình. Bà nói:
“Một số sắc tộc thiểu số ở đây có vẻ chán nản, thất vọng, và có lẽ toàn bộ dân số ở đây cũng vậy. Chỉ cần có một số nhóm không hài lòng thì sẽ ảnh hưởng đến tất cả mọi người.”
Người Hồi giáo Uighur tại Tân Cương có những quan tâm tương tự như người Phật giáo Tây Tạng, cho rằng chính phủ cộng sản Trung Quốc định xóa bỏ văn hóa và tôn giáo của họ nhằm tạo ra khung cảnh mà chính phủ gọi là “xã hội hài hòa.”
Cách đây hai năm, nhiều người Tây Tạng bất mãn đã nổi dậy và có những cuộc phản kháng bạo động chống lại Bắc Kinh. Từ đó đến nay, thành phần trí thức Tây Tạng thường bị chính quyền sách nhiễu, đàn áp.
Trong số những người Tây Tạng bị làm khó dễ có 3 anh em từng được Bắc Kinh biểu dương người tốt việc tốt về bảo vệ môi trường. Rinchen Samdrup, một trong 3 anh em hôm thứ Bảy ra hầu tòa về tôi liên quan đến an ninh.
Ông và một người em trai bị bắt hồi tháng 8 năm ngoái sau khi tố giác chính quyền địa phương đánh bắt các loại thú hiếm quý.
Bà Kate Saunders, Giám đốc của ICT, một tổ chức quốc tế bênh vực Tây Tạng nói rằng Trung Quốc đã biến vụ này thành một vụ án chính trị. Bà nói:
“Đã có những biểu hiện báo trước là hai người này sẽ đối mặt với tội xúi giục ly khai, chia rẽ đất nước. Tội này tại Trung Quốc có mức phạt rất nặng.”
Người em thứ 3, Karma, từng được giải thưởng về bảo vệ môi trường, tuần trước đã bị phạt 15 năm tù về tội đánh cắp cổ vật. Các nhóm nhân quyền nói thật ra ông này bị trừng phạt vì đã mạnh miệng bênh vực cho hai ông anh của mình đang bị giam.
Bà Saunders nói rằng vụ việc của ba anh em này đã tạo ra một cảm giác bất an trên khắp Tây Tạng:
“Vụ này cho thấy bất kỳ ai làm những công việc tương tự trong một xã hội dân sự cũng có thể gặp rủi ro, nhất định rằng vụ này đánh đi một tín hiệu mạnh mẽ cho những người này, và là dấu hiệu sẽ có đàn áp mạnh bạo hơn, rộng khắp hơn.”
Các luật sư của ba anh em đang xét đến chuyện kháng án, nhưng các tổ chức nhân quyền nói rằng chính quyền Trung Quốc chưa có dấu hiệu nào cho thấy họ sẽ nới lỏng nắm tay ở Tây Tạng hoặc Tân Cương.
Trung Quốc đã cài đặt 40.000 máy thu hình tại thủ phủ tỉnh Tân Cương để theo dõi an ninh, nhân dịp sắp sửa kỷ niệm một năm xảy ra vụ bạo loạn tệ hại chưa từng thấy từ mấy chục năm qua. Ngoài Tân Cương, các nhà trí thức tên tuổi của khu vực Tây Tạng bên cạnh cũng bị theo dõi sát.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1