Đường dẫn truy cập

Ảnh hưởng của đồng nguyên mạnh đối với kinh tế TQ chưa rõ ràng


Ảnh hưởng của đồng nguyên mạnh đối với kinh tế TQ chưa rõ ràng
Ảnh hưởng của đồng nguyên mạnh đối với kinh tế TQ chưa rõ ràng

Một dự luật nhằm trừng phạt Trung Quốc ghìm giá đồng nguyên đã đạt được nhiều thuận lợi tại Quốc hội Hoa Kỳ vào tuần trước khi các nhà lập pháp nói giải pháp ngoại giao cho vấn đề này đã thất bại. Tuy nhiên Bắc Kinh khăng khăng cho rằng việc nâng giá đồng nguyên từ từ sẽ tốt hơn cho nền kinh tế của họ cũng như cho toàn thế giới.

Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo cho rằng việc nâng giá đồng nguyên cao hơn từ 20% đến 40% sẽ làm cho nhiều nhà xuất khẩu Trung Quốc phải đóng cửa. Đó là lý do tại sao Bắc Kinh vẫn giữ vững lập trường trước sức ép của Hoa Kỳ yêu cầu nâng giá đồng nguyên lên một cách nhanh chóng.

Đồng nguyên tăng vào khoảng 2% kể từ tháng 6 năm nay khi Bắc Kinh phá vỡ sự tùy thuộc đối với đồng đô la. Tuy nhiên một số nhà kinh tế quốc tế nói đồng nguyên ở dưới giá trị thực sự của nó vào khoảng 30%.

Hoa Kỳ nói đồng nguyên tăng 2% không đủ vì mức hạ giá hiện nay của đồng nguyên làm cho hàng xuất khẩu của Trung Quốc rẻ một cách không công bằng và góp phần là cho thâm thủng mậu dịch của Hoa Kỳ ngày càng sâu rộng thêm.

Vấn đề này kéo dài đã gây nên nhiều bực bộc trong nhiều năm qua dù có lời kêu gọi của Hoa Kỳ và một số quốc gia khác muốn có một đồng nguyên mạnh hơn. Trong tuần qua, Hạ Viện Hoa Kỳ thông qua một dự luật có thể mở đường cho những sự trừng phạt về thuế quan đối với sản phẩm của Trung Quốc, đang là đối tác thương mại lớn hàng thứ hai của Hoa Kỳ.

Hiện đang có những tranh luận về việc nâng giá đồng nguyên một cách nhanh chóng ảnh hưởng như thế nào lên nền kinh tế Trung Quốc.

Ông Lee Jong-wha, Kinh tế gia trưởng của Ngân hàng Phát triển châu Á nói khi xuất khẩu giảm, nhiều người có thể mất việc làm.

Ông nói: “Vấn đề quan trọng là làm sao ngành xuất khẩu có thể tăng lợi nhuận và tạo nên công ăn việc làm một cách liên tục. Trong trường hợp Trung Quốc, chúng ta đều hiểu là lãnh vực xuất khẩu đóng một vai trò quan trọng tạo nên công ăn việc làm, nhất là của giới trẻ. Do đó xuất khẩu cần phải được tiếp tục.”

Theo sự ước tính của nhiều người, nền kinh tế Trung Quốc cần phải tăng trưởng ít nhất 8% mỗi năm để có thể tạo nên công ăn việc làm cho hàng triệu công nhân mới mỗi năm. Trong vòng 30 năm qua, Trung Quốc đã đạt được tăng trưởng kinh tế bằng cách bàng trướng mạnh mẽ sản xuất hàng xuất khẩu.

Một cuộc nghiên cứu của Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ năm ngoái cho thấy nếu đồng nguyên tăng giá khoảng 10% mỗi năm kể từ giữa năm 2005, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc lẽ ra đã giảm khoảng 30% so với hiện nay.

Mặt khác, một đồng nguyên mạnh cho phép Trung Quốc trả ít hơn đối với những nguyên liệu nhập khẩu như xăng dầu, khí đốt, khoáng sản và những bộ phận do các quốc gia khác sản xuất để sử dụng trong các loại hàng điện tử xuất khẩu của Trung Quốc. Điều này có thể làm lợi cho người tiêu thụ Trung Quốc lẫn các nhà sản xuất.

Ông William Cline, kinh tế gia tại viện nghiên cứu kinh tế Peterson tại Washington D.C, nói những cuộc phân tích của ông cho thấy nếu nâng giá đồng nguyên một cách nhanh chóng, sẽ cắt giảm đáng kể thặng dư mậu dịch của Trung Quốc, và cũng cắt giảm khoảng cách giữa những gì Trung Quốc bán và những gì họ mua từ các đối tác thương mại:

Ông cho biết: “Nếu đồng tiền Trung Quốc tăng 10% thì thặng dư mậu dịch của Trung Quốc sẽ giảm từ 170 tỉ đến 250 tỉ đô la. Và sẽ làm cho thâm thủng mậu dịch của Hoa Kỳ giảm vào khoảng từ 20 tỉ đến 60 tỉ đô la.”

Tuy nhiên một số nhà kinh tế nói những yếu tố khác của tăng trưởng kinh tế có thể bù cho bất cứ sự sụt giảm nào của xuất khẩu. Năm ngoái, mức xuất khẩu thấp hơn đã kéo mức GDP của Trung Quốc xuống. Tuy nhiên mức đầu tư chiếm đến 92% mức tăng trưởng GDP và mức tiêu thụ nội địa nhiều hơn 50%. Và vào năm 2009, kinh tế Trung Quốc vẫn tăng trưởng 8,7%.

Ông Stephen Schwartz là một kinh tế gia của ngân hàng BBVA tại Hong Kong.

Ông nói: “Việc tăng giá đồng bạc chỉ là một phần trong kế hoạch tổng thể để tái cân bằng nền kinh tế Trung Quốc. Chúng ta đang thấy việc này xảy ra chậm chạp, xuyên qua những con số, Trung Quốc đang từ từ bớt lệ thuộc vào xuất khẩu và đầu tư để chuyển sang tiêu thụ nội địa. Và theo thời gian điều này sẽ làm lợi cho xuất khẩu của Hoa Kỳ.”

Một số tổ chức doanh thương Mỹ cảnh báo là dự luật trừng phạt Trung Quốc chỉ làm tổn thương cho mối quan hệ thương mại và hủy hoại công ăn việc làm tại Mỹ.

Tuy nhiên những nhà phân tách chính trị tại Mỹ nói là dự luật của Hạ Viện sẽ không được thông qua tại Thượng viện khi đưa ra biểu quyết có thể vào cuối năm nay.

Một phúc trình của Bộ Tài chánh Hoa Kỳ đưa ra vào cuối tháng này có thể làm sôi sục lại những cuộc tranh luận về tiền tệ nếu phúc trình này đánh giá Trung Quốc là quốc gia dùng mánh khóe để vận dụng tiền tệ.

Ông Lee thuộc Ngân hàng Phát triển châu Á nói một khi Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng nhanh chóng, Trung Quốc chỉ có một lựa chọn là phải tăng giá đồng nguyên:

“Ngay cả khi Trung Quốc không nâng giá trị bề ngoài của hối suất đồng nguyên, lạm phát sẽ cao hơn. Do đó tỷ giá chính thức sẽ được nâng lên và mức thăng bằng mậu dịch sẽ giảm xuống. Đây là điều đã xảy ra đối với nhiều quốc gia xuất khẩu châu Á.”

Nhiều kinh tế gia cho rằng đó là vì giữ đồng nguyên quá yếu sẽ gây nên lạm phát tại Trung Quốc và sẽ làm cho hàng hóa nội địa mất bớt tính cạnh tranh.

Tuy nhiên ông Lee cho rằng ngay cả khi Trung Quốc để đồng nguyên lên giá nhanh hơn cũng không đảm bảo sửa đổi được tức thời tình trạng mất thăng bằng mậu dịch toàn cầu.

Ông nói thêm sau khi đồng nguyên tăng giá nhanh chóng vào năm 1985, Nhật Bản tiếp tục có mức thặng dư mậu dịch cao với Hoa Kỳ và ngay cả ngày nay cũng vậy. Đồng yen tăng giá gấp đôi so với đồng đô la kể từ đó.

VOA Express

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

XS
SM
MD
LG