Hôm nay, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã định một mức hối suất cao mới cho đồng nguyên so với đồng đôla, một ngày sau khi các nhà lập pháp Hoa Kỳ và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner đưa ra những lời chỉ trích gay gắt chính sách ngoại hối của Trung Quốc.
Tuy thế, đồng nguyên đã sụt giá đôi chút so với đồng đôla.
Đồng nguyên tăng giá khoảng 1% so với mức hồi tháng 6, là lúc Bắc Kinh nới lỏng việc gắn chặt giá đồng nguyên với đồng đôla Mỹ. Mức tăng diễn ra chủ yếu trong tháng này, trước các cuộc điều trần tại Quốc hội Hoa Kỳ về chính sách hối đoái của Trung Quốc.
Ông Thio Chin Loo là một sách lược gia về chỉ tệ Á châu tại ngân hàng BNP Parisbas ở Singapore. Mặc dầu có hiện tượng trượt giá hôm nay, ông Thio nghĩ rằng Bắc Kinh sẽ để cho đồng nguyên tăng giá thêm.
Ông Loo cho biết: “Việc tăng giá có thể chậm qua tiến độ trong tuần này nhưng hướng đi vẫn là tăng lên.”
Nhưng ông Geithner nói việc tăng giá được kiểm soát này quá chậm chạp. Trung Quốc chỉ để cho đồng nguyên dao động ở mức nửa phần trăm mỗi ngày.
Ông Geithner nói: “Trung Quốc đang tiến hành một loạt chính sách nhằm giữ giá đồng nguyên dưới mức thực tế. Họ có biện pháp để cho đồng nguyên tăng giá, nhưng không nhanh lắm, và cũng không nhiều. Tác động của sự kiện này tạo ra thế bất lợi tương đối cho các sản phẩm cạnh tranh với các sản phẩm Trung Quốc làm ra.”
Một số nhà lập pháp Hoa Kỳ đề nghị các biện pháp trừng phạt Trung Quốc, đối tác thương mại lớn thứ nhì của Hoa Kỳ, tỷ như các sắc thuế cao hơn đánh vào hàng xuất khẩu của họ. Nhiều kinh tế gia và những người trong giới kinh doanh trên khắp thế giới nói rằng đồng nguyên được định giá thấp hơn thực tế tới 30%.
Với các cuộc bầu cử vào tháng 11, các chuyên gia phân tích thời cuộc cho rằng Quốc hội bị áp lực phải có lập trường cứng rắn hơn một phần để xoa dịu những lo ngại về nền kinh tế yếu ớt của Hoa Kỳ. Hàng xuất khẩu rẻ một cách giả tạo của Trung Quốc đã bị quy cho là lý do đưa đến mức thâm hụt mậu dịch kỷ lục của Hoa Kỳ, khiến Bắc Kinh tích tụ hàng trăm tỷ đôla dự trữ.
Nhưng Trung Quốc cưỡng lại áp lực để cho đồng nguyên tăng giá.
Hôm qua, bà Khương Du nói rằng hối suất đồng nguyên không phải là lời giải đáp cho tình trạng thâm hụt mậu dịch và thất nghiệp của Hoa Kỳ.
Tại châu Á, hối suất đồng nguyên gây ra các khó khăn cho những nước xuất khẩu cạnh tranh với Trung Quốc. Luồng vốn nước ngoài ồ ạt, kể cả số đầu tư của Trung Quốc, đang nâng giá của nhiều chỉ tệ Á châu.
Hôm thứ Tư, ngân hàng trung ương Nhật Bản đã mua đôla để hạ giá đồng yen, vốn đã lên đến mức cao nhất trong 15 năm so với đồng đôla. Hành động này diễn ra sau khi Trung Quốc hăng hái mua trái phiếu của chính phủ Nhật làm tăng giá đồng yen.
Trung Quốc cũng đã mua một khối lượng kỷ lục nợ nần của chính phủ Nam Triều Tiên, đẩy giá đồng won lên 3 phần trăm so với đồng đôla trong tháng này.
Ông Mark Walton là một kinh tế gia kỳ cựu tại ngân hàng đầu tư CLSA Asia Pacific Markets ở Hong Kong. Ông nói rằng vào lúc châu Á chuẩn bị ứng phó với một nền kinh tế toàn cầu chậm chạp hơn trong năm tới, các ngân hàng trung ương, kể cả các ngân hàng ở Đài Loan và Nam Triều Tiên, sẽ tìm cách giữ cho các chỉ tệ của mình không tăng giá thêm.
Ông Walton nói: “Họ sẽ hoạt động rất mạnh trong thị trường tiền tệ như từ trước đến nay.”
Bất kể sự can thiệp của Tokyo trong tuần này, đồng yen đã giữ nguyên giá hôm nay ở mức khoảng 85,80 yen ăn một đôla. Chính phủ đã cho thấy họ có thể lại mua đồng đôla nếu đồng yen tiếp tục tăng giá.
Theo dự kiến, Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan và Tổng thống Barack Obama sẽ thảo luận về đồng yen khi hai ông gặp nhau vào tuần tới tại New York.
Chỉ tệ của Trung Quốc xuống giá đôi chút, mặc dù các giới chức Hoa Kỳ đã gay gắt lên tiếng về chính sách ngoại hối của Bắc Kinh. Theo tường thuật của thông tín viên VOA Heda Bayron từ Hong Kong, một số chuyên gia tài chính trông đợi một vòng can thiệp thị trường của các ngân hàng trung ương Á châu để giữ cho chỉ tệ của họ không tăng giá.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1