Hồi đầu tháng này, giữa lúc các giới chức quân sự và chính trị Trung Quốc không ngớt lên tiếng đả kích việc hải quân Hoa Kỳ thực hiện những cuộc thao dượt trong vùng biển Hoàng Hải và Biển Đông, một tướng lãnh của Trung Quốc tuyên bố rằng giới lãnh đạo ở Trung Nam Hải nên chú tâm nhiều hơn vào việc phát triển về hướng tây thay vì hướng đông và cần phải nhanh chóng tiến hành cải cách thể chế chính trị dựa trên mô thức của Hoa Kỳ. Trung tướng Lưu Á Châu, Chính ủy Đại học Quốc phòng Trung Quốc, cũng dự báo là một cuộc cách mạng dân chủ sẽ diễn ra ở Trung Quốc trong vòng 10 năm tới đây.
Những lời kêu gọi và dự báo của ông Lưu được đăng trên trang mạng của đài truyền hình Phượng Hoàng ở Hồng Kông hôm 5 tháng 8. Tuy nhiên, vài ngày sau đó, bài viết gây xôn xao trong giới quan sát tình hình Trung Quốc này đã bị gỡ bỏ.
Ông Hồ Bình - một nhà lý luận nổi tiếng của phong trào dân chủ Trung Quốc hồi đầu thập niên 1980, là người chủ biên tạp chí Mùa Xuân Bắc Kinh (China Spring) ở New York. Ông cho biết rằng những diễn tiến xoay quanh bài viết của ông Lưu Á Châu cho thấy lời kêu gọi thực thi dân chủ ở Trung Quốc chưa được nhà cầm quyền chấp nhận tuy những tiếng nói này phát xuất từ bên trong hàng ngũ lãnh đạo.
Ông Bình cho biết: "Mặc dù phát xuất từ nội bộ đảng cầm quyền nhưng tất cả những tiếng nói đó đều không hề được nhắc nhở tới trên các cơ quan truyền thông chính mạch. Bài viết của ông Lưu chỉ được phổ biến thông qua mạng internet và những phương thức khác. Giai điệu chính trên các cơ quan truyền thông chính mạch vẫn tiếp tục là những lời nói giả dối, cao ngạo và trống rỗng. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng không nhận thấy dấu hiệu nào của xu hướng tự do hóa, dân chủ hóa trong xã hội; mà ngược lại, những sự việc xấu xa - như đàn áp các nhà tranh đấu cho quyền lợi của dân chúng và khống chế giới truyền thông, hiện đang trên đà gia tăng."
Trong phần cuối của bài viết có nhan đề “Tây Bộ Luận”, Trung tướng Lưu Á Châu nói rằng “Bí quyết thành công của nước Mỹ không ở Phố Wall, cũng không ở Thung lũng Silicon. Bí quyết thật sự của họ là truyền thống pháp trị và chế độ xây dựng trên nền tảng pháp trị. Chế độ của Mỹ được ví là ‘một hệ thống do thiên tài thiết kế để những người ngu dốt cũng có thể vận hành.’ Chế độ xấu có thể khiến cho người tốt làm việc xấu; chế độ tốt có thể khiến cho người xấu cũng làm việc tốt.”
Ông Lưu Á Châu cũng chỉ trích sự tự hào vô lý của Trung Quốc sau khi có được những tiến bộ về mặt kinh tế và nói rằng “Dân tộc nào tin tưởng một cách mù quáng vào sức mạnh kim tiền là một dân tộc lạc hậu và ngu dốt…Một dân tộc giành được ưu thế về kinh tế, văn hóa cộng với ưu thế về ý thức hệ mới thật sự là một dân tộc cường thịnh, mới xứng đáng được kính nể, và mới có sức thu hút đối với các nước khác.”
Một số nhà phân tích cho rằng phát biểu của Tướng Lưu Á Châu, con rể của cố Chủ tịch nước Lý Tiên Niệm, cho thấy những người thuộc thành phần được gọi là “Thái tử đảng” và những thành phần trẻ trong đảng Cộng Sản Trung Quốc đang tìm cách để giành quyền nói lên quan điểm của mình về các vấn đề chính trị. Họ cũng hy vọng là việc đưa ra những quan điểm tự do sẽ giúp họ tranh thủ sự ủng hộ trong lúc Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và các nhà lãnh đạo cao cấp khác chuẩn bị về hưu trong hai năm nữa. Tường thuật hôm 12 tháng 8 của tờ Asia Times trích lời một nhà phân tích ở Trung Quốc nói rằng những người thuộc phe “Thái tử đảng” đang lo ngại là Đảng Cộng Sản Trung Quốc sẽ đánh mất tính chất chính đáng để cai trị nếu không nhanh chóng cải cách thể chế chính trị và họ cũng hy vọng sẽ được hưởng lợi nhiều hơn khi hàng ngũ lãnh đạo sẽ có thay đổi lớn vào năm 2012 tại Đại hội Đảng lần thứ 18.
Ông Hồ Bình không tán đồng nhận định vừa kể và nói rằng “Thái tử đảng” không phải là một khối đồng nhất.
Ông Bình nhận xét: "Khi nói tới hàng ngũ lãnh đạo cao cấp của Trung Cộng chúng ta hay dùng những cụm từ như “phe Đoàn Thanh niên Cộng Sản” hay “phe Thái tử đảng”. Thật ra những khái niệm này không chuẩn xác cho lắm. Thí dụ như “Thái tử đảng”, dùng để chỉ con cái của những cán bộ cao cấp, là nói về xuất thân của họ. Nhưng những người này có những quan điểm khác nhau, thậm chí còn trái ngược nhau. Vì vậy chúng ta không thể xem họ là một khối đồng nhất. Tuy nhiên có một điều đáng nói là những người này ai nấy cũng đều nhận thức được rằng 10 năm tới đây là rất quan trọng. Đối với những người có xu hướng dân chủ tự do, họ phải ra sức để giành được vị trí chủ đạo trong Đảng trong 10 năm tới đây nếu không muốn tiếp tục bị đẩy ra lề ngoài cùng của đội ngũ lãnh đạo. Như tôi đã nói lúc nãy, mọi người đều quan tâm tới phát biểu của những người như ông Lưu Á Châu, nhưng vị trí của họ lâu nay vẫn là vị trí ở bên lề, không có bao nhiêu thực quyền."
Trong bài “Tây Bộ Luận”, Trung tướng Lưu Á Châu nói rằng “Một chế độ nếu không để cho người dân tự do hít thở và giải phóng sức sáng tạo của người dân tới mức cao nhất, nếu không đặt những người đại diện tốt nhất cho chế độ và những người đại diện tốt nhất của nhân dân vào vị trí lãnh đạo, chế độ đó tất nhiên sẽ bị diệt vong.” Ông Lưu nói thêm rằng “Trong mười năm tới, một cuộc chuyển đổi từ chính trị độc tài sang chính trị dân chủ chắc chắn sẽ xảy ra, không thể nào tránh được. Một sự thay đổi to lớn sẽ xuất hiện ở Trung Quốc. Cải cách thể chế chính trị là sứ mạng mà lịch sử giao phó cho chúng ta. Chúng ta không có đường nào để rút lui.”
Nhà báo Hồ Bình tán dương những nhận định của ông Lưu, và nói rằng để đạt được mục tiêu, thành phần tiến bộ trong đảng Cộng Sản Trung Quốc cần phải kết hợp với lực lượng dân chủ trong xã hội.
Ông Bình nói tiếp: "Điều tích cực của vụ việc này là nó chúng ta thấy rằng có nhiều người trong xã hội Trung Quốc -- kể cả những người trong đảng, trong chính phủ và trong quân đội, hiểu rõ và chấp nhận những khái niệm của chế độ dân chủ. Vấn đề của chúng tôi hiện nay là làm thế nào để nâng cao thêm nữa nhận thức và sự yêu chuộng tự do dân chủ trong quảng đại quần chúng."
Ông Hồ Bình nói thêm rằng một nước Trung Quốc trỗi dậy mà không đạt được mục tiêu dân chủ hóa sẽ không tránh khỏi xung đột với Hoa Kỳ và gây ra nhiều mối lo âu cho các nước khác.
Trong vòng mười năm tới đây, một cuộc cách mạng dân chủ chắc chắn sẽ xảy ra ở Trung Quốc, không thể nào tránh được. Đó là nhận định của Trung tướng Lưu Á Châu, Chính ủy Đại học Quốc phòng Trung Quốc, được giới quan sát tình hình chính trị Á châu bàn luận khá sôi nổi trong vài tuần qua. Mới quí vị theo dõi thêm chi tiết qua trong tiết mục Nhìn Về Á Châu với Duy Ái sau đây.
Liên quan
Đường dẫn liên quan
Đọc nhiều nhất
1