Tân Cương là nơi sinh cư của người Uighur theo Hồi giáo và Tây Tạng là nơi sinh cư của những người Tây Tạng theo Phật giáo. Cả hai vùng này đã chứng kiến những vụ bất ổn trong những năm vừa qua, với các xung đột tập trung phần lớn vào những bất đồng với người Hán chiếm đa số ở Trung Quốc.
Chính quyền Bắc Kinh cáo buộc các lực lượng ở cả hai vùng là tìm cách tách rời khỏi Trung Quốc. Nhiều người Uighur và Tây Tạng lên án Bắc Kinh là gạt ra ngoài lề các nền văn hóa của họ và đàn áp dân chúng.
Tại Bắc Kinh hôm nay, ông Nur Bekri, chủ tịch chính quyền khu vực Tân Cương, nói rằng các ưu tiên hàng đầu ở đó là duy trì ổn định và chống chủ trương ly khai.
Viên chức này nói rằng Tân Cương nói chung hiện đang ổn định và tốt hơn. Nhưng ông nói công tác duy trì ổn định rất phức tạp và nặng nề bởi vì các nền tảng yếu kém và tình hình vẫn còn “nghiêm trọng.”
Các số liệu chính thức cho thấy gần 200 người đã bị sát hại trong những vụ bạo động ở thủ phủ Urumqi của Tân Cương vào năm 2009.
Bí thư Đảng Cộng sản ở Tân Cương, ông Trương Xuân Hiền cho rằng sự ổn định của khu vực này tùy thuộc vào vấn đề liệu mọi người có được hưởng lợi ích về kinh tế hay không.
Ông Trương nói ông tin tưởng và “không lo lắng chút nào” về sự ổn định của Tân Cương. Ông nói thêm rằng ông sẽ học hỏi điều ông mô tả là những bài học “kỹ thuật” từ Trung Đông, mặc dù ông không nói rõ chi tiết.
Công an Trung Quốc đã bắt giữ hàng chục nhân vật bất đồng chính kiến kể từ khi các thông điệp trên mạng từ nước ngoài hô hào tụ tập đòi dân chủ qua sự khích lệ của các cuộc cách mạng Hoa Nhài ở Trung Đông.
Các giới chức cũng khẳng định ý đồ duy trì trật tự ở Tây Tạng, hiện còn đang phục hồi sau những vụ bạo động ở thủ phủ Lhasa vào năm 2008.
Ông Qiangba Puncong, Phó bí thư Đảng ủy khu tự trị Tây Tạng, thừa nhận rằng Đức Đạt lai Lạt ma vẫn có ảnh hưởng tôn giáo đối với người Tây Tạng. Nhưng ông này nói nhà lãnh đạo tôn giao đang sống lưu vong này không có ảnh hưởng chính trị, và Trung Quốc sẵn sàng duy trì ổn định trong khu vực nếu Đức Đạt lai Lạt ma qua đời.
Giới chức Tây Tạng này nói bởi vì điều ông gọi là “tác động tôn giáo đặc biệt” của Đức Đạt lai Lạt ma” cái chết của nhà lãnh đạo này sẽ là một cú ‘sốc” đối với một số người. Nhưng ông nói rằng chính quyền Trung Quốc đã nghĩ về vấn đề này rất kỹ, và có khả năng bảo đảm sự ổn định kinh tế và chính trị dài hạn của Tây Tạng.
Đức Đạt lai Lạt ma hiện 76 tuổi và đã có những vấn đề về sức khỏe trong mấy năm vừa qua. Có sự tranh cãi về việc chọn người ông sẽ đầu thai vào, mà theo truyền thống sẽ thay thế ông. Đức Đạt lai Lạt ma nói tục lệ này có thể được bãi bỏ, nhưng chính phủ Trung Quốc nói đó không phải là do ông quyết định.
Sau cái chết của nhà lãnh đạo tinh thần đứng hàng thứ nhì của Phật giáo Tây Tạng, Đức Ban Thiền Lạt ma, Bắc Kinh đã từ chối không chấp nhận người do Đức Đạt lai Lạt ma lựa chọn và đã chỉ định một cậu bé khác để thay thế.
Các giới chức khu vực đã đưa ra lời phát biểu tại Bắc Kinh bên lề Quốc Hội, đang nhóm phiên họp thường niên.
Trung Quốc tuyên bố tin tưởng sẽ duy trì ổn định xã hội trong những vùng hay có nhiều biến động là Tân Cương và Tây Tạng. Từ Bắc Kinh, nơi đang diễn ra phiên họp thường niên của Quốc hội Trung Quốc, thông tín viên VOA Stephanie Ho gửi về bài tường thuật sau đây.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1