Không giống như Pháp, Hoa Kỳ và các nước Tây phương khác. Trung Quốc không tham dự biểu quyết khi Liên Hiệp Quốc đưa vấn đề sử dụng vũ lực để bảo vệ thường dân tại Libya trước đây trong năm nay.
Lập trường này không có gì đáng ngạc nhiên bởi lẽ Trung Quốc thường chống lại việc can thiệp vào điều mà họ coi là nội bộ các nước khác.
Nói một cách đơn giản, Trung Quốc không thích các nước khác xen vào nội bộ của mình, cho dù là vấn đề nhân quyền, Tây Tạng hay cải cách kinh tế – và họ cũng áp dụng nguyên tắc y như thế đối với nước ngoài.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, điều có thay đổi là sự kiện Trung Quốc sẵn sàng có những biện pháp mạnh dạn hơn để can dự vào các vấn đề quốc tế.
Ông Peter Pham, người đứng đầu trung tâm châu Phi tại Hội đồng Đại Tây Dương, một tổ chức khảo cứu có trụ sở ở thủ đô Washington. Ông nêu ra rằng mặc dù không bỏ phiếu khi Liên Hiệp Quốc biểu quyết trước đây trong năm, Trung Quốc cũng không chống đối cuộc biểu quyết.
Ông nói: “Trên thực tế, Trung Quốc đã chứng tỏ, ít nhất trong tình hình ở Libya, một sự uyển chuyển nổi bật mà thậm chí chỉ 6 tháng trước hoặc ít hơn, không ai có thể ngờ được.”
Trung Quốc đã dần dà tiếp xúc với NTC của Libya. Hồi tháng 6, Trung Quốc đã tỏ thiện chí giao tiếp với cả hai bên khi Ngoại trưởng Dương Khiết Trì gặp người lãnh đạo NTC Mahmoud Jibril. Cùng lúc đó, Trung Quốc lại tiếp ngoại trưởng của chính phủ Gadhafi tại Bắc Kinh.
Thứ tư tuần này, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã bầy tỏ sự ủng hộ rõ ràng nhất từ trước đến nay khi đưa ra tuyên bố rằng họ tôn trọng sự chọn lựa của dân chúng Libya và hy vọng một sự chuyển tiếp quyền hành ổn định.
Ngày hôm sau, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã ghé qua Bắc Kinh và hội kiến Chủ tịch Hồ Cẩm Đào. Libya là một trong các đề tài chính mà hai nhân vật này thảo luận.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng đã hối thúc Libya bảo vệ các quyền lợi về dầu khí của Trung Quốc ở Libya.
Trung Quốc là khách hàng tiêu thụ dầu hỏa lớn thứ nhì trên thế giới. Năm ngoái, 3% số dầu nhập vào Trung Quốc xuất phát từ Libya.
Ông Pham nói chính sách đối ngoại của Trung Quốc ngày càng phản ánh các quyền lợi quốc gia của họ - không riêng trong phạm vi tiếp cận nguyên vật liệu mà cả các hợp đồng dành cho các công ty quốc doanh nữa.
Ông nói: “Đó là một sự uyển chuyển mà chắc chắn chúng ta đã thấy ở Libya mà cả trước đó ở Sudan, nơi mà từ nhiều năm chính phủ Trung Quốc đã ủng hộ chính phủ ở Khartoum, nhưng vào lúc việc Nam Sudan tách rời khỏi miền bắc ngày càng trở nên rõ ràng hơn, thì Trung Quốc đã chuyển hướng rất nhanh và đã thiết lập quan hệ thân hữu với chính phủ ở Juba.”
Ông Jonathan Pollack một thành viên kỳ cựu của Viện Brookings, một tổ chức khảo cứu có trụ sở ở Washington, nói rằng với một đường lối như thế, khó lòng nói được liệu Trung Quốc có tự xa lánh phe đối lập ở Libya hay không.
Ông nói: “Phía Trung Quốc đang tìm một cách luồn lách giữa việc nhấn mạnh rằng họ sẽ không can thiệp vào nội bộ của bất cứ nước nào, nhưng vẫn tự đặt họ vào vị trí dường như một cách bị động là đi ở cả hai bên đường và rồi khi tình hình xoay chuyển thì có lẽ sẽ thừa nhận bất cứ chính quyền nào nổi lên.”
Theo các cơ quan truyền thông nhà nước, Trung Quốc tham gia vào 50 dự án ở Libya trị giá hơn 20 tỷ đôla. Các dự án này gồm từ viễn thông, đường sắt, dầu khí cho đến cầu đường, xây dựng các cao ốc và các dự án hạ tầng cơ sở.
Khi cuộc nổi dậy bắt đầu, Trung Quốc đã phải sơ tán hơn 35.000 công nhân từ Libya. Các chuyên gia cho rằng tính đến tháng 6, các công ty quốc doanh không thôi đã lỗ lã tới 625 triệu đôla vì vụ xung đột.
Các giới chức Trung Quốc đã bầy tỏ quan ngại và hy vọng Bắc Kinh sẽ tiếp tục có những cơ hội ở Libya.
Đây là ý kiến của ông Văn Trọng Lương, Vụ phó Vụ ngoại thương thuộc Bộ Thương mại Trung Quốc tại một cuộc họp báo hồi đầu tuần này.
Ông Văn nói rằng mọi người đều biết rõ tình hình ở Libya đã ảnh hưởng tới các hoạt động đầu tư của Trung Quốc ở đó. Ông nói Trung Quốc hy vọng sau khi tình hình ổn định trở lại, Libya sẽ tiếp tục bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư Trung Quốc.
Các nhà lãnh đạo của phe đối lập ở Libya đã nói họ sẽ tôn trọng tất cả các hợp đồng hợp pháp đã thực hiện dưới chế độ Gadhafi, nhưng một số người thuộc phe này đã gợi ý rằng Trung Quốc và Nga có thể không rơi vào trường hợp này vì họ không hậu thuẫn cho phe nổi dậy.
Vấn đề hợp đồng là một trong nhiều vấn đề dự trù sẽ được đưa ra bàn thảo luận vào tuần tới khi các thành viên của NTC dự một hội nghị quốc tế tại Paris về tương lai của Libya. Trung Quốc cũng đã được mời dự hội nghị.
Trong khi chưa chính thức thừa nhận Hội đồng Chuyển tiếp Quốc gia là chính phủ hợp pháp của Libya, Trung Quốc đã khẳng định rõ rằng họ muốn Liên Hiệp Quốc nắm vai trò lãnh đạo trong công cuộc tái thiết ở Libya. Các chuyên gia phân tích cho rằng các nỗ lực của Bắc Kinh muốn đóng một vai trò tích cực hơn tại Libya sau chế độ Gadhafi nêu bật đường lối ngày càng uyển chuyển hơn và ý của Trung Quốc muốn bảo vệ các quyền lợi quốc gia của mình.
Liên quan
Đường dẫn liên quan
Đọc nhiều nhất
1