Đường dẫn truy cập

Tăng lương chưa chắc làm dịu bớt bất mãn của giới lao động TQ


Sau khi xảy ra 10 vụ tự tử của công nhân làm việc cho công ty Foxconn, công ty chuyên sản xuất các sản phẩm điện tử theo hợp đồng lớn nhất thế giới, đồng thời là công ty xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc, đã tăng lương gần gấp đôi cho công nhân. Nhưng các chuyên gia về lao động của Hồng Kông cảnh báo rằng hành động đó có thể cũng chưa đủ để chữa lành những căng thẳng về tâm lý mà giới thợ thuyền tại Trung Quốc phải trực diện.

Kể từ khi Trung Quốc cho thực hiện công cuộc cải tổ kinh tế bắt đầu 30 năm trước, mức tăng trưởng kinh tế của nước này được duy trì nhờ bàn tay của giới thợ thuyền lao động.

Không đâu lại có thể thấy rõ về điều này hơn là ở tỉnh Quảng Đông, nơi ước tính có đến 30 triệu công nhân từ quê ra tỉnh làm việc lao động tay chân trong các xưởng máy.

Foxconn, một đơn vị của công ty Hon Hai Precision Industry của Đài Loan, thuê mướn trên 300 ngàn công nhân nam nữ trẻ tuổi trong tỉnh này, để chế tạo các sản phẩm điện tử cho các thương hiệu như Apple, HP và Sony.

Những vụ toan tự vẫn, trong số này có 10 vụ đi đến cái chết đã được xác nhận, khiến cho dư luận phải chú ý tới các điều kiện lao động tại Foxconn, và Trung Quốc, nói chung.

Ông Geoffrey Crothall, làm việc cho tập san China Labor Bulletin của một nhóm tranh đấu cho nhân quyền tại Hồng Kông, nói rằng giới công nhân phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt mới kiếm được đồng lương sống qua ngày. Ông nói:

”Họ làm bất cứ giờ giấc nào từ 8 đến 12 tiếng một ngày, cùng một công việc lập đi lập lại như thế để đổi lấy đồng lương rất thấp. Đồng lương tối thiểu tại Trung Quốc không phải là mức lương giúp người ta no đủ được. Để có thể tạm sống qua ngày, nhân công ở đây phải làm việc phụ trội 60 giờ mỗi tháng."

Hầu hết những người được Foxconn thu dụng đều trong lứa tuổi ngoài đôi mươi và họ thường đến từ vùng nông thôn. Cho đến mới đây, trước khi công ty chịu tăng lương, hầu hết công nhân chỉ kiếm được chừng 132 đô la mỗi tháng, làm việc 6 ngày một tuần.

Nhân viên được trọ miễn phí, mặc dù phòng ngủ tập thể đông đúc, chật chội xây trong khu quần thể của nhà máy rộng khoảng 2,5 kilomét vuông. Bữa ăn của họ cũng được trợ giá.

Tuy nhiên theo giáo sư Paul Yip, người đứng đầu Trung Tâm Nghiên Cứu và Ngăn Ngừa Tự Tử của đại học Hồng Kông, đối với nhiều người việc chuyển đổi từ cuộc sống nông thôn ra thành thị tại Trung Quốc trăm bề khó khăn. Ông giải thích:

”Những thế hệ ra đời trong khoảng thập niên 1980, 1990 được hưởng cuộc sống khá tốt đẹp ở miền quê do chính sách mỗi gia đình chỉ một con. Nhưng khi họ ra thành thị làm việc, họ phải chịu sự quản lý rất khắc nghiệt. Vì vậy giới trẻ khó thích ứng."

Tin tức được loan truyền rộng rãi ở Nam Trung Quốc về công ty Foxconn, cũng như nhiều xưởng máy khác, cho biết những công ty này áp đặt những tiêu chuẩn gắt gao về hiệu năng và năng suất đối với công nhân, kể cả chuyện bắt công nhân phải im lặng tại nơi làm việc. Giáo sư Yip cho biết thêm:

”Không có chút tự do cá nhân nào hết. Quí vị thử tưởng tượng xem, là những người trẻ, họ thích trò chuyện, muốn có bạn bè. Nhưng họ bị cấm nói chuyện suốt 12 giờ một ngày thì cuộc sống của họ ra sao? "

Để đối phó với những lời chỉ trích ngày càng nhiều, cùng với toan tính của công ty đòi công nhân phải ký giấy không được tự tử, Foxconn đã tổ chức một chuyến cho báo chí đi thăm các cơ sở của họ vào cuối tháng Năm.

Công ty đã thuê các nhà tư vấn để giúp cho nhân viên nào có vấn đề tâm lý, và đã cho thiết đặt lưới an toàn để ngăn ngừa những ai toan tính gieo mình từ trên nóc nhà xuống đất.

Chủ nhật vừa qua, Foxconn đã loan báo đợt tăng lương thứ nhì trong vòng 1 tuần. Bắt đầu từ tháng Mười và đòi hỏi công nhân phải theo theo sát tiêu chuẩn công việc, đồng lương căn bản tại nhà máy Long Hoa sẽ tăng đến 293 đô la, hơn gấp đôi lương tháng trước mà công nhân đem về.

Một thông cáo của công ty nói rằng mức lương tăng lên như vậy là để công nhân giảm nhu cầu phải làm giờ phụ trội, và để cho họ có thời giờ nghỉ dưỡng. Những người bênh vực quyền lao động như giáo sư Crothall nói rằng đồng lương của Foxconn cuối cùng đã tiến tới mức công bằng so với tiêu chuẩn.

Giáo sư Yip ủng hộ bất cứ cơ chế nào trả lương công bằng cho nhân công. Nhưng ông nói giới chủ nhân phải nhận thức rằng cần phải có lòng nhân ái, chứ không phải chỉ có đồng tiền, mới duy trì được sức khỏe tâm thần cho lực lượng nhân công. Ông đưa thêm ý kiến:

”Đừng cho rằng nhân công là những con người máy có thể làm việc liên tiếp 12 tiếng đồng hồ mỗi ngày. Hãy tôn trọng họ trong cách đối xử và cung cấp cho họ tất cả những hỗ trợ và chăm sóc mà họ xứng đáng được hưởng. Nếu không làm như thế, tôi cho rằng mức phát triển của công ty sẽ không thể bền vững, và tôi cũng nghĩ rằng xã hội sẽ không đạt được tình trạng hài hòa."

Hiện giờ thì Trung Quốc đang cho kiểm duyệt mọi tin tức liên quan đến các vụ tự tử tại công ty Foxconn. Vì thế, có lẽ các nhà tranh đấu cho giới lao động và những người khác khó có thể xác định được rằng đồng lương cao hơn và phương tiện tư vấn có đạt được hiệu quả trong việc giảm bớt những vụ tự tử của công nhân hay không.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG