Trung Quốc cho biết sẽ không thích hợp nếu gặp các nhà lãnh đạo Nhật Bản bên lề cuộc họp của Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc vào tuần này ở New York.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Khương Du đổ lỗi cho Nhật Bản đã làm quan hệ song phương xấu đi vì tiếp tục bắt giữ thuyền trưởng một tàu đánh cá của Trung Quốc.
Bà Khương nhắc lại lời kêu gọi của Bắc Kinh yêu cầu thả viên thuyền trưởng này ngay lập tức. Bà bác bỏ lập luận cho rằng Nhật Bản đang thực hiện theo các thủ tục pháp lý và nói rằng Tokyo sẽ phải hứng chịu các biện pháp cứng rắn hơn nếu không trả tự do cho viên thuyền trưởng.
Các giới chức Nhật Bản đã bắt giữ thuyền trưởng và thuyền viên của tàu đánh cá này cách đây ba tuần sau khi thuyền của họ đâm vào hai tàu tuần tra của Nhật Bản. Vụ va chạm xảy ra ở vùng hải phận Nhật Bản gần hòn đảo không có người ở mà cả Tokyo và Bắc Kinh đều tuyên bố thuộc chủ quyền của mình.
Tuần trước, Bắc Kinh đã đình chỉ các cuộc trao đổi cấp cao và hứa sẽ có các biện pháp phản đối mạnh mẽ sau khi một tòa án Nhật Bản gia hạn thời gian giam giữ viên thuyền trưởng. Các thuyền viên và con tàu đánh cá đã được thả.
Nhật Bản nói rằng trường hợp của thuyền trưởng sẽ được giải quyết một cách thích đáng theo luật pháp nước họ. Các công tố viên vẫn còn thời gian từ nay cho tới ngày 29 tháng 9 để quyết định liệu có truy tố thuyền trưởng này hay không.
Mặc dù thường phản đối những lời chỉ trích về thủ tục luật pháp của họ và nói rằng những sự chỉ trích đó là can thiệp vào công việc nội bộ nước họ, Trung Quốc lại nhiều lần gọi việc bắt giữ viên thuyền trưởng là bất hợp pháp.
Tokyo đã cảnh báo Bắc Kinh chớ nên để điều mà họ mô tả là chủ nghĩa dân tộc cực đoan bị khuấy động ở cả hai nước.
Cảm xúc về vấn đề này đang tăng cao ở Trung Quốc nơi sự tức giận của người dân về việc chiếm đóng của Nhật Bản trong Thế chiến Thứ Hai vẫn còn sâu sắc. Vụ việc đã châm ngòi cho một số cuộc biểu tình chống Nhật với qui mô nhỏ ở một vài thành phố của Trung Quốc.
Những người theo chủ nghĩa dân tộc ở Trung Quốc đặc biệt nhạy cảm về vụ tranh chấp hòn đảo mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư Ðài và Nhật Bản gọi là Senkaku. Tokyo và Bắc Kinh đều muốn giành quyền tiếp cận khu vực giàu trữ lượng hải sản xung quanh hòn đảo cũng như trữ lượng khoáng sản lớn được cho là nằm dưới lòng biển.
Trung Quốc đã loại bỏ khả năng sẽ diễn ra một cuộc gặp cấp cao với các nhà lãnh đạo Nhật Bản tại Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York, vào lúc vụ tranh chấp về việc Nhật Bản bắt giữ thuyền trưởng một tàu đánh cá của Trung Quốc đang bước sang tới tuần thứ ba. Thông tín viên Peter Simpson gởi về bài tường trình chi tiết từ Bắc Kinh.