Người đứng đầu Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu, bà Christiana Figueres hôm thứ Bảy tuyên bố là có một vài tiến bộ đạt được trong 6 ngày họp tại Thiên Tân.
Tuy nhiên bà không cho biết chi tiết về những thỏa thuận đạt được trong phiên họp trước nỗ lực lớn lao kế tiếp của thế giới để đạt được một thỏa ước về biến đổi khí hậu sẽ được tổ chức sau này trong năm nay tại thành phố Cancun, Mexico. Bà Figueres nói:
“Tôi dám nói là trong tuần này chúng ta thực sự tiến gần đến một loạt những quyết định cơ cấu có thể thỏa thuận được tại Cancun tới đây.”
Năm ngoái, cộng đồng quốc tế không đạt được một thỏa thuận bao gồm việc giảm bớt khí thải có tính cách bắt buộc trên phương diện pháp lý trong một cuộc họp được nhiều chú ý tại Copenhagen.
Hoa Kỳ và Trung Quốc được chú trọng đến nhiều nhất vì nhiều người tin đây là hai quốc gia có khí thải nhà kính, gây nên quả đất ấm dần, cao nhất trên thế giới.
Ông Jonathan Pershing, trưởng phái đoàn Mỹ nói có một số tiến bộ trong những vấn đề như tài chánh, chuyển giao công nghệ và rừng, nhưng một số vấn đề khác vẫn chưa được giải quyết. Ông nói:
“Đặc biệt chúng ta thất vọng vì chúng ta chỉ đạt được một ít tiến bộ đối với những vấn đề trọng yếu chúng ta phải đối đầu. Đó là làm thế nào phản ảnh được những cam kết và hành động của chúng ta và đồng ý trên những điều khoản thông báo cho nhau những cam kết và hành động đó.”
Ông Pershing tuyên bố Hoa Kỳ và Trung Quốc cộng tác tốt với nhau về biến đổi khí hậu. Tuy nhiên ông công nhận là hai quốc gia có những bất đồng về khung cảnh toàn cầu.
Trong một bài diễn văn đọc vào ngày thứ Sáu, ông Todd Stern, phái viên của Hoa Kỳ về biến đổi khí hậu cho biết Bắc Kinh không thể khăng khăng nói rằng các nước giàu cần phải có những mục tiêu cố định cắt giảm khí thải nhà kính trong khi Trung Quốc và những nước lớn đang trỗi dậy chỉ chấp nhận một cách tình nguyện những mục tiêu trong nước.
Trưởng phái đoàn Trung Quốc, ông Tô Vĩ chỉ trích nhận định của ông Stern như là một nỗ lực đổ lỗi cho Trung Quốc và các nước đang phát triển khác.
Ông Tô Vĩ nói Trung Quốc tin là các nước phát triển nên cam kết thi hành những mục tiêu cắt giảm khí thải có tính cách ràng buộc trên phương diện pháp lý và cung cấp những hỗ trợ về công nghệ và tài chánh cho các nước đang phát triển theo một hệ thống hai chiều.
Trong khi đó ông Taukiei Kitara thuộc Mạng lưới Hành động Khí hậu Tuvalu nói những đảo quốc nhỏ có những mối lo lắng khẩn cấp vì một trong những hậu quả của khí hậu biến đổi là mức nước biển dâng cao. Ông phát biểu:
“Tôi nghĩ tôi sẽ ủng hộ ý kiến là có tiến bộ tốt nhưng thực là chậm và đối với tôi, đến từ một đảo quốc nhỏ, điều này thật là hết sức bất bình và thất vọng. Chúng tôi đến đây để được các nước bảo đảm về sự sống còn của chúng tôi.”
Những nỗ lực về khí hậu biến đổi của quốc tế hiện nay chuyển trọng tâm đến Mexico vì một hội nghị quan trọng sẽ được tổ chức tại đây bắt đầu vào tháng cuối tháng 11 tới đây.
Hội nghị khí hậu biến đổi của Liên Hiệp Quốc đã kết thúc tại thành phố cảng Thiên Tân của Trung Quốc. Các phái đoàn vẫn còn bất đồng ý kiến về một số vấn đề chính yếu như giảm bớt khí thải và minh bạch.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1