Đường dẫn truy cập

Không đạt được đồng thuận rõ rệt tại các cuộc đàm phán về khí hậu


Ủy viên Quốc vụ viện Đái Bỉnh Quốc (phải) và bà Christiana Figueres, viên chức hàng đầu của Liên Hiệp Quốc phụ trách về biến đổi khí hậu trong lễ khai mạc Hội nghị biến đổi khí hậu ở Thiên Tân, Trung Quốc, ngày 4/10/2010
Ủy viên Quốc vụ viện Đái Bỉnh Quốc (phải) và bà Christiana Figueres, viên chức hàng đầu của Liên Hiệp Quốc phụ trách về biến đổi khí hậu trong lễ khai mạc Hội nghị biến đổi khí hậu ở Thiên Tân, Trung Quốc, ngày 4/10/2010

Các cuộc đàm phán của Liên hiệp quốc về tình trạng biến đổi khí hậu sắp kết thúc mà chưa thấy dấu hiệu đạt được sự đồng thuận rõ rệt nào. Cuộc họp nhắm thiết đặt nền tảng cho tiến bộ tại một hội nghị quan trọng ở Mexico vào cuối năm nay về biến đổi khí hậu. Từ Trung Quốc, nơi diễn ra vòng đàm phán mới nhất, thông tín viên VOA Stephanie Ho ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.

Trong khi nhiều nhà thương thuyết về một thỏa hiệp có liên quan đến tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu coi đó là một vấn đề cấp thiết, thì có ít thỏa thuận hơn về việc làm thế nào để chia sẻ gánh nặng giải quyết vấn đề.

Năm ngoái, cộng đồng quốc tế đã không đạt được một thỏa thuận bao gồm việc cắt giảm khí thải có tính ràng buộc pháp lý tại một cuộc họp cấp cao ở Copenhagen.

Cuộc họp tuần này ở thành phố cảng Thiên Tân của Trung Quốc mở đầu cho cố gắng lớn sắp tới của thế giới tại Cancun, Mexico vào cuối năm nay.

Ông Jake Schmidt thuộc tổ chức bảo vệ môi trường của Hoa Kỳ có tên là Hội đồng Bảo vệ Tài nguyên. Ông cho rằng một số nước hồi gần đây dường như đã khựng lại, bằng cách nêu ra các thắc mắc về những vấn đề thủ tục, thay vì các vấn đề có thực chất, và sự kiện này có thể gây trở ngại cho các nỗ lực đạt được một thỏa thuận tại Cancun.

Ông Schmidt nói: “Thay vì tìm cách đưa ra một văn bản chứa đựng mọi yếu tố mà chúng ta có thể mường tượng, thì chủ tọa hội nghị lại đề nghị một loạt các điểm, nói rằng đây là những điều mà tôi nghĩ chúng ta có thể đồng ý một cách hợp pháp ở Cancun. Và rõ ràng sẽ có một số điều bị gạt ra trong danh sách đó. Và phía Trung Quốc, Ả Rập Sê-út và những phía khác, đã nêu nghi vấn liệu chủ tịch có khả năng làm việc đó hay không.”

Ông Schmidt nói rằng tính đến hôm nay, ông lấy làm bi quan rằng cuộc họp tuần này, sẽ “đặt ra nền tảng” – theo nguyên văn lời ông – cho một thỏa thuận tại Cancun.

Ông cho rằng nhiều nước dường như sẵn sàng đồng ý với những điều như nỗ lực tái tạo rừng và điều chỉnh kỹ thuật để giảm thiểu khí thải nhà kính. Nhưng họ không sẵn sàng đồng ý về điều mà ông mô tả là “những vấn đề hóc búa hơn.”

Ông Schmidt nói tiếp: “Tỷ như liệu họ có chính thức hóa các cam kết quốc tế hay không, các cam kết giảm thiểu khí thải, và liệu họ có đồng ý với một loạt các điều khoản minh bạch hay không.”

Khí thải có hiệu ứng nhà kính, như carbon dioxide do việc đốt cháy các nhiên liệu bị đốt cháy như dầu và than đá thải ra, bị cho là góp phần tạo ra tình trạng tăng nhiệt toàn cầu.

Một trong những điểm gai góc là liệu có nên định ra các mục tiêu bắt buộc cho việc giảm thiểu khí thải hay không. Mặc dầu Trung Quốc đã vượt qua Hoa Kỳ để trở thành nước thải nhiều khí có hiệu ứng nhà kính nhất thế giới, Bắc Kinh vẫn không chịu cam kết với những mục tiêu bởi vì họ nói rằng họ vẫn còn là một quốc gia đang phát triển.

Trước đó trong tuần, Ủy viên Quốc vụ viện Đái Bỉnh Quốc nói với hội nghị rằng một trong các ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc là phát triển kinh tế.

Ông Đái Bỉnh Quốc nói rằng khả năng kiểm soát khí thải có hiệu ứng nhà kính đứng trước áp lực lớn. Ông cho rằng tốc độ công nghiệp hóa và đô thị hóa trong nước vẫn còn đang gia tăng nhanh chóng, có nghĩa là mức cầu về năng lượng cũng sẽ gia tăng.

Các đại biểu của gần 200 nước bắt đầu cuộc họp tại Thiên Tân hôm thứ hai. Các cuộc thảo luận sẽ kết thúc vào thứ Bảy này.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG