Đường dẫn truy cập

Chia rẽ vẫn hằn sâu sau khi ông Trump đắc cử


Tổng thống đắc cử Donald Trump phát biểu với truyền thông tại Trump Tower ở New York, ngày 6/12/2016.
Tổng thống đắc cử Donald Trump phát biểu với truyền thông tại Trump Tower ở New York, ngày 6/12/2016.

Dù ông Donald Trump đã tuyên bố “giờ là lúc nước Mỹ hàn gắn vết thương của sự chia rẽ” vào đêm ông bất ngờ đắc cử Tổng thống, một tháng sau đó, tranh luận vẫn diễn ra gay gắt khắp nước Mỹ về kết quả của cuộc tổng tuyển cử mà nhiều người vẫn cảm thấy khó chấp nhận. Sau một chiến dịch vận động tranh cử đầy những lời lẽ cay đắng, sự chia rẽ dường như vẫn còn hằn sâu nếu không phải là trầm trọng hơn.

Ông Đỗ Quang Tỏa, cư dân thành phố Fairfax bang Virginia ở bờ đông của Mỹ, thấy rõ điều này trong một cuộc gặp gỡ gần đây với những người bạn khi họ đến dự một lễ tang.

Ông kể lại rằng đến khi gần ra về thì cuộc trò chuyện giữa họ trở nên nóng bỏng vì đề tài chính trị. Một số người phụ nữ đã phản ứng gay gắt khi một người đàn ông cho biết mình bỏ phiếu cho ông Trump và quyết định này đã khiến vợ ông khó chịu như thế nào.

“Trong hội chúng tôi đa số là đàn ông nhiều hơn, mấy bà nói chuyện về bầu cử thì mấy bà cũng nói chuyện chơi chút xíu thôi,” ông Tỏa nói. “Nhưng mà tôi thấy lần này ngay cả mấy bà, người nào có lập trường thì rất là giữ vững lập trường của mình và không chấp nhận lập trường của người khác.”

Trong gần ba mươi năm sinh sống ở Mỹ, ông Tỏa nói ông chưa từng thấy kết quả bầu cử Tổng thống nào lại gây tranh cãi như vậy trong nhóm bạn của ông.

“Chúng tôi sau bầu cử cũng hay họp lại rồi nói này kia, nhưng mà đều là nói chơi thôi, để trao đổi ý kiến thôi, tôi thấy nó không có gay gắt như kỳ này,” ông Tỏa nói thêm. “Kỳ này người nào đã bầu cho Hillary thì không chấp nhận bất cứ người nào bầu cho ông Trump. Và những người bầu cho ông Trump thì nói để cho họ có sự thay đổi, nhưng tôi thấy năm nay nó lạ là không ai nghe ai cả.”

Tranh cãi gay gắt không chỉ giới hạn trong gia đình và bạn bè mà còn bùng nổ trên Internet, nơi mà người ủng hộ của hai phe tiếp tục công kích lẫn nhau dù cuộc bầu cử đã kết thúc.

Ông Đỗ Dzũng, Tổng Thư ký nhật báo Người Việt ở bang bờ tây California, nhận thấy sự “chia rẽ trầm trọng” trong những phản ứng của độc giả về những bài viết và tin tức liên quan đến cuộc bầu cử.

“Một số người thì bênh vực ông Trump tối đa và một số người thì không bênh vực ông Trump,” ông Dzũng cho biết. “Họ cãi nhau ở trên diễn đàn và thậm chí có những lúc đi tới chỗ gay gắt, và tất nhiên là họ dùng những thông tin không được thật.”

Hai ngày sau cuộc bầu cử, bà Lý Kim Hà sững sờ khi nhận được email của một người mà bà nói là có tiếng tăm trong cộng đồng phát tán một câu chuyện không có thật về việc bà Clinton đệ đơn ly dị chồng ở tòa án New York.

Email này, cùng với những email khác gọi bà Clinton là “mụ phù thủy gian trá,” càng khoét sâu thêm nỗi đau thất cử của ứng cử viên mà bà hết lòng ủng hộ.

“Tại sao mình lại quên mất truyền thống văn hóa [hiếu hòa] của mình để bắt chước,” giọng bà Kim Hà nghẹn ngào khi nói về sự phân cực lưỡng đảng sâu sắc ở Mỹ phản ánh trong cộng đồng người gốc Việt.

Nhân viên sở xã hội đã về hưu ở Quận Fairfax, bang Virginia này cũng bày tỏ lo ngại rằng những lời lẽ hằn học trong email có thể “tai hại cho cộng đồng.”

Sự chia rẽ này không phải là ngoại lệ của cộng đồng người Mỹ gốc Việt trong bức tranh nước Mỹ tổng thể hậu bầu cử. Một cuộc khảo sát mới của CNN/ORC công bố hôm 27 tháng 11 cho thấy 85 phần trăm người dân Mỹ nói rằng nhìn chung họ cảm thấy đất nước giờ bị chia rẽ sâu sắc hơn so với những năm trước.

Tỉ lệ này cũng cao hơn nhiều so với hồi năm 2000, lần gần đây nhất mà một Tổng thống đắc cử của Mỹ không thắng được số phiếu phổ thông (64 phần trăm cho rằng đất nước bị chia rẽ sâu sắc vào năm đó). Bà Clinton giờ đang dẫn trước ông Trump hơn hai triệu rưỡi phiếu bầu phổ thông.

Tỉ lệ người dân nhận thấy có sự chia rẽ sâu sắc hơn đều vượt quá 80 phần trăm ở những nhóm giới tính, chủng tộc, tuổi tác và trình độ học thức khác nhau, theo cuộc khảo sát này.

Sự chia rẽ không chỉ phản ánh trong những con số thống kê mà còn trong một cuộc thảo luận hồi gần đây giữa những phụ tá hàng đầu của cả hai chiến dịch vận động tranh cử của ông Trump và bà Clinton.

Buổi hội luận diễn ra bốn năm một lần này tại Đại học Harvard hôm 1 tháng 12 đã biến thành một cuộc cãi vã kịch liệt giữa hai phe trong một sự kiện mà theo truyền thống đôi bên ngồi lại với nhau để trao đổi và mổ xẻ kết quả bầu cử bằng sự kính trọng dành cho nhau.

Ông Đỗ Dzũng của nhật báo Người Việt dự đoán sự chia rẽ này vẫn sẽ tiếp tục, dẫn ra những những dòng tin Twitter gây tranh cãi của ông Trump hồi gần đây cũng như những nỗ lực kiểm phiếu lại đang diễn ra ở ba bang Wisconsin, Michigan và Pennsylvania.

Trong khi ông Donald Trump vẫn đang hoàn tất công tác lựa chọn nhân sự trong tiến trình chuyển tiếp quyền lực, ông Đỗ Quang Tỏa cho biết ông cảm thấy “tương đối đỡ” lo lắng dù ông nhìn thấy có nhiều sự bất định, đặc biệt là trong cách ông Trump sử dụng Twitter để bày tỏ suy nghĩ và phổ biến chính sách của mình.

“Với tư cách là Tổng thống tân cử thì những lời nói của ông ấy rất quan trọng,” ông Tỏa nói. Tuy nhiên, ông nói thêm rằng đó là lo ngại vào lúc ông Trump chưa phải là Tổng thống và rằng ông Trump cần có thời gian.

“Phải cho ông ấy ít nhất là 100 ngày hoặc là một năm đầu, tại vì nhiều chuyện của ông ấy làm cũng không thể giải quyết liền được vì phải có Quốc hội nữa,” ông Tỏa tiếp lời.

Chuẩn bị rời buổi dạy học thi quốc tịch cho những người nhập cư vào một buổi chiều đầu tuần, bà Lý Kim Hà suy niệm về tương lai của nước Mỹ dưới thời Tổng thống Trump. Bà tự hào đã “cật lực đấu tranh cho cái đúng, cái tốt” và giờ bà không lo lắng gì nữa vì tin rằng cuộc sống của bà sẽ “theo vận nước nổi trôi.”

“Mình nghĩ rằng cái này là nhân quả của nước Mỹ thôi,” bà nói. “Cái gì phải nhận được nhất định phải nhận thôi.”

VOA Express

XS
SM
MD
LG