Các nhà ngoại giao và các chuyên gia pháp lý quốc tế nêu lên mối quan ngại rằng sự chia rẽ sâu sắc trong ASEAN không có tác dụng kiềm chế hoạt động tăng cường quân sự ồ ạt và các hành động khác của Trung Quốc cho dù Tòa Trọng tài quốc tế đã ra phán quyết đứng về các quyền chủ quyền của Philippines ở Biển Đông có tầm quan trọng chiến lược.
Giáo sư Michael Heazle thuộc Đại học Griffith ở Australia nói “nguy cơ xung đột đang tăng lên ở Biển Đông do ASEAN thiếu một quan điểm thống nhất”.
Hôm 3/8, phát biểu tại Hội nghị Manila lần 2 về Biển Đông diễn ra ở Manila, Giáo sư Heazle nói: “Việc ASEAN thiếu quan điểm thống nhất đang cho phép các cường quốc lớn đóng vai chính”.
Nhà nghiên cứu kỳ cựu Sumathy Permal thuộc Trung tâm An ninh Hàng hải và Ngoại giao, Viện Hàng hải Malaysia, nói việc ASEAN không thể đi đến một quan điểm thống nhất sẽ tạo ra 3 kịch bản trong đó Trung Quốc sẽ có thể gia tăng sự hiện diện quân sự trong vùng biển có tranh chấp với Việt Nam, Philippines, Malaysia và một số bên khác.
Các kịch bản bao gồm một là các tranh chấp biển sẽ gây ra xung đột thêm nữa giữa Trung Quốc và các cường quốc lớn do việc thành lập Vùng nhận dạng phòng không; hai là Trung Quốc sẽ có thể thúc đẩy việc xây dựng các nhà máy hạt nhân trên biển; và ba là Trung Quốc sẽ tiếp tục tập trận ở các vùng biển có tranh chấp.
Các ngoại trưởng ASEAN đã gặp bế tắc, không thể đưa ra tuyên bố chung về Biển Đông kể từ năm 2012 do những chia rẽ về vấn đề này.
Ông Heazle nói cách tiếp cận tốt nhất đối với khu vực là phải có chung quan điểm về tranh chấp Biển Đông để tránh leo thang căng thẳng ở vùng biển. Ông cũng cho rằng sự thống nhất trong ASEAN như một mặt trận chính trị là điều cần thiết “để giữ cho tình hình không leo theo thành căng thẳng lớn hơn giữa các cường quốc lớn”.
Theo Inquirer, Business Insider.