Đường dẫn truy cập

Chia rẽ Mỹ-Trung về vấn đề Biển Đông vẫn tồn tại


Kenyan police use tear gas to disperse Nairobi University Students, who rioted over the death of two of their colleagues, in Nairobi. The students said they wanted an explanation of how the two engineering students died within a day while in police custody.
Kenyan police use tear gas to disperse Nairobi University Students, who rioted over the death of two of their colleagues, in Nairobi. The students said they wanted an explanation of how the two engineering students died within a day while in police custody.
Chuyến thăm Trung Quốc của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton đã không thể thu hẹp được hố sâu cách biệt giữa hai cường quốc Mỹ-Trung về vấn đề Biển Đông dù đôi bên đều tuyên bố rằng các cuộc trao đổi nhân chuyến công du này là xây dựng và hữu ích.

Hoa Kỳ và Trung Quốc không đạt được đồng thuận về phương cách giải quyết tranh chấp lãnh hải giữa các nước ở Biển Đông trong các cuộc hội đàm giữa người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ với giới lãnh đạo cấp cao của Bắc Kinh.

Tại Trung Quốc ngày 5/9 trong chuyến thăm được cho là lần chót với tư cách Ngoại trưởng Hoa Kỳ trước khi diễn ra bầu cử Tổng thống ở Mỹ vào tháng 11 năm nay, bà Hillary Clinton đã có các cuộc tham vấn với Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào, Ngoại trưởng Dương Khiết Trì, cùng nhiều quan chức hàng đầu của chính phủ Bắc Kinh về tranh chấp giữa Trung Quốc với các nước láng giềng trên Biển Đông.

Ngoại trưởng Clinton tiếp tục kêu gọi Trung Quốc và các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, nhanh chóng tiến tới một bộ quy tắc ứng xử Biển Đông thông qua tiến trình ngoại giao để giải tỏa căng thẳng ở vùng lãnh hải giàu tài nguyên và có vị trí chiến lược quan trọng này.

Ngoại trưởng Mỹ cũng bác bỏ các mối quan ngại ở Trung Quốc cho rằng Hoa Kỳ đang tìm cách kiềm hãm sự trỗi dậy của Bắc Kinh.

Bà Clinton khẳng định hai nước Mỹ-Trung đang nỗ lực hợp tác trong nhiều lĩnh vực thông qua các cuộc đối thoại về các vấn đề song phương và toàn cầu nhằm thu hẹp những cách biệt, bởi sự hợp tác Mỹ-Trung có vai trò hết sức quan trọng.

Bà Clinton nói: “Đôi bên có thể hợp tác về rất nhiều các lĩnh vực khác nhau nhưng không nhất trí về mọi thứ. Tôi cũng không mong là bất kỳ ai hình dung rằng hai quốc gia rộng lớn và đa dạng như Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ có thể đồng ý với nhau về mọi chuyện. Nhưng điều mà hai bên đang làm là lồng ghép tầm quan trọng của sự đối thoại và hợp tác để khi cùng làm việc với nhau thì có lợi cho đôi bên, vượt qua những cách biệt.”

Ngoại trưởng Hoa Kỳ đồng thời nhấn mạnh rằng có được một bộ quy tắc ứng xử ở Biển Ðông sẽ phục vụ lợi ích của tất cả các bên.

Trung Quốc đồng ý hợp tác để tiến đến một bộ Quy tắc ứng xử tại Biển Đông để giải quyết tranh chấp chủ quyền với các nước láng giềng, nhưng không sửa đổi lập trường đòi chủ quyền tại vùng biển này.

Bắc Kinh vẫn nhất mực khẳng định rằng vấn đề Biển Đông phải được giải quyết bằng các cuộc đối thoại trực tiếp giữa các bên liên quan.

Ngoại trưởng Dương Khiết Trì của Trung Quốc nói quan điểm của Bắc Kinh về vấn đề Biển Đông là rõ ràng và trước sau như một. Ông Dương nhấn mạnh Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi ở Biển Đông với vô số bằng chứng lịch sử.

Về tranh chấp chủ quyền tại một số đảo và bãi đá ở quần đảo Trường Sa mà Việt Nam cũng có tuyên bố chủ quyền, ông Dương nói vấn đề này phải được thảo luận trực tiếp giữa các nước có liên quan trên cơ sở tôn trọng chứng cớ lịch sử, luật quốc tế, và phải được giải quyết qua các cuộc thương lượng trực tiếp và tham vấn hữu nghị.

Ngoại trưởng Dương Khiết Trì nói Trung Quốc và các nước ASEAN nên theo bản Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) ký kết hồi năm 2002 và cùng làm việc về một bộ quy tắc ứng xử. Ông Dương cho rằng đối với Bắc Kinh và các nước trong khu vực, Biển Đông là huyết mạch để trao đổi và mậu dịch. Vẫn theo lời người đứng đầu ngành ngoại giao Trung Quốc, không có và sẽ không có vấn đề trong lĩnh vực này.

Tuy Hoa Kỳ và Trung Quốc còn các cách biệt tồn tại đặc biệt trong cách thức giải quyết vấn đề Biển Đông, nhưng cả Ngoại trưởng Hoa Kỳ và Ngoại trưởng Trung Quốc đều cho rằng các cuộc hội đàm giữa đôi bên trong chuyến công du của bà Hillary Clinton tới Trung Quốc lần này là hữu ích và xây dựng.

Trong khi đó, truyền thông của nhà nước Trung Quốc vẫn không ngừng đả kích rằng Hoa Kỳ ‘can thiệp’ vào chuyện nội bộ ở Biển Đông. Ngày 6/9 tờ Hoàn Cầu thời báo tiếp tục đăng bài khuyến cáo rằng Mỹ sẽ thất bại trong sách lược kiềm hãm Trung Quốc. Tờ báo này nói nếu Hoa Kỳ tập trung sức mạnh quốc gia vào Đông Á và kiềm hãm Trung Quốc thì sẽ phải trả một giá rất đắt mà không thu được lợi ích gì.

Hoàn Cầu thời báo cũng lặp lại quan điểm của chính phủ Bắc Kinh rằng Trung Quốc muốn tiếp tục phát triển và giải quyết tranh chấp Biển Đông hợp lý với các nước có liên quan trực tiếp.

Nguồn: Indian Express, AP, AFP, Xinhua, Philippine Daily Inquirer, Global Times, ABS-CBN

VOA Express

XS
SM
MD
LG