Một cuộc nghiên cứu năm 1991 cho biết một nửa dân chúng Canada tin rằng hệ thống chính trị ở nước Mỹ tốt hơn ở Canada. Năm nay, chỉ có 5% nghĩ như vậy. Ông Malcolm Turnbull, cựu thủ tướng Australia cũng tỏ ý lo ngại về chính trị nước Mỹ, “Giống như thấy một người rất thân yêu trong gia đình đang tự mình làm hại mình, ” theo nhật báo New York Times.
Dân chúng nhiều nước từ Đài Loan đến Đức cũng lo lắng cho chế độ tự do dân chủ ở Mỹ, sau khi chứng kiến cảnh dân Mỹ biểu tình đập phá quốc hội và đe dọa các dân biểu, nghị sĩ ngày 6 tháng Giêng năm 2021, và hơn một phần ba dân Mỹ hiện vẫn nghĩ rằng ông Joe Biden không phải là tổng thống, vì kết quả cuộc bầu cử năm 2020 là do… gian lận.
Trước cuộc bỏ phiếu vừa qua, cuộc nghiên cứu của AP VoteCast, phỏng vấn 94,000 người Mỹ cũng thấy 44% nói họ lo lắng cho tương lai chế độ dân chủ của nước Mỹ. Những cử tri đảng Dân Chủ tỏ ra lo hơn (56%) các người theo đảng Cộng Hòa (34%).
Chế độ Dân Chủ không phải chỉ dựa trên các bản hiến pháp và các cuộc bầu cử mà cần những nền tảng đặt trên niềm tin của người dân.
Thứ nhất, người ta phải tin rằng có thể dùng lá phiếu của mình ảnh hưởng trên chính sách quốc gia, bằng cách thay đổi người cầm quyền. Nếu mọi người nghĩ rằng việc tổ chức bỏ phiếu ở Mỹ đầy gian lận thì Mỹ cũng không khác gì các xứ độc tài như Bắc Hàn, Việt Nam, Cuba, Nga, Trung Quốc hay các nước chậm tiến tại châu Phi.
Những lời tố cáo về “bầu cử gian lận” được tung ra sau khi Tổng thống Donald Trump thua trong cuộc bỏ phiếu năm 2020. Nhưng cho tới nay, chưa ai đưa ra đủ bằng chứng cho thấy thực sự có bầu cử gian lận ở bất cứ nơi nào có thể thay đổi kết quả sau cùng. Viên chức các tiểu bang và chính quyền liên bang đã điều tra, đếm lại phiếu bằng máy và bằng tay, công nhận kết quả sau cùng là chính đáng. Ông William Barr, bộ trưởng Tư pháp trong chính phủ Trump cũng xác nhận sau khi mở một cuộc điều tra không thấy có gian lận. Hơn mười vụ khiếu nại đều bị tòa án bác bỏ, trong đó có những thẩm phán do Tổng thống Trump bổ nhiệm.
Các vụ tố giác về hàng chục lá phiếu bất hợp pháp đã được điều tra, ở Detroit tại tiểu bang Michigan và quận Maricopa ở Arizona cho thấy chỉ có những sai lầm về giấy tờ nhỏ nhặt. Nhưng các lời tố cáo bầu cử gian lận được nhắc đi nhắc lại vẫn gieo nghi ngờ trong dư luận.
Trong cuộc bầu cử quốc hội vừa qua, 116 triệu cử tri Mỹ đã đi bỏ phiếu, con số cao thứ nhì trong hàng chục năm qua, chỉ thấp hơn năm 2018, chứng tỏ người Mỹ vẫn còn tin tưởng vào hệ thống bầu cử.
Các tiểu bang ở Mỹ đã tìm cách dựng lại niềm tin. Ở Nebraska, dân chúng đã thông qua một đề án về bằng chứng giấy tờ xác nhận ai đúng là cử tri. Tại Michigan, dân cũng ủng hộ một đề án xác định vai trò của Ủy Ban Kiểm Phiếu, Board of State Canvassers, họ chỉ làm nhiệm vụ đếm phiếu và xác nhận kết quả mà không có quyền nào khác. Đề án này cũng mở rộng các phương pháp bỏ phiếu sớm hoặc bỏ phiếu bằng thư không tốn tiền tem, đặt nhiều thùng phiếu cho dân sử dụng. Tất cả nhằm bảo đảm các cuộc bầu cử được trong sạch.
Một điều kiện căn bản khác của chế độ dân chủ là những ứng cử viên thua phiếu phải chấp nhận mình thất cử. Trong cuộc bỏ phiếu năm nay nhiều thí dụ cho thấy điều đó vẫn được tôn trọng. Tại Minnesota, ứng cử viên Scott Jensen, thua vị thống đốc đương nhiệm. Ông Jensen tuyên bố trước các cử tri ủng hộ mình rằng, “Tim Walz sẽ làm thống đốc trong bốn năm tới. Đảng Cộng Hòa chúng ta, thành thật mà nói, không tạo được một cơn sóng đỏ. Cơn sóng này màu xanh… OK, chúng ta phải rút lấy một bài học, tự hỏi mình sẽ phải làm gì để thắng trong lần tới?”
Nhiều ứng cử viên ủng hộ cựu Tổng thống Trump cho rằng cuộc kết quả bầu cử năm 2020 là do gian lận nhưng năm nay dù bị thua họ cũng vẫn chấp nhận kết quả. Tại Pennsylvania, ứng cử viên thống đốc Cộng Hòa Doug Mastriano thất cử. Bà Jenna Ellis, cố vấn pháp lý của ông tuyên bố, “Chúng ta không thể nói như hồi 2020, ‘Trời ơi, mình thua vì bị ăn cắp! Nói vậy là lố bịch’!”
Hãng tin AP phỏng vấn Bill Greiner, một chủ nhà hàng ăn và một người sáng lập ngân hàng ở New Hampshire. Ông Greiner nói rằng trước đây ông luôn luôn bỏ phiếu cho đảng Cộng Hòa dù người ông ủng hộ thất bại trong cuộc bỏ phiếu sơ bộ. Năm nay, ông ủng hộ Thống đốc Chris Sununu thêm một nhiệm kỳ thứ tư, nhưng không bỏ phiếu cho ba ứng cử viên Cộng Hòa vì họ vẫn phủ nhận kết quả bầu cử năm 2020. Ông nói, “Không ai ăn cắp cuộc bầu cử đó, những người phủ nhận ra ứng cử phần lớn đã thất bại,” và đó là điều đáng nhấn mạnh.
Những thái độ như trên chứng tỏ tinh thần dân chủ ở Mỹ còn vững chắc. Mọi người chấp nhận kết quả vì vẫn tin tưởng việc tổ chức, điều hành, kiểm phiếu là đứng đắn.
Sau cuộc bỏ phiếu, Tổng thống Joe Biden cho thấy trước đây ông lo ngại về tương lai nền dân chủ của Mỹ là quá bi quan. Ngày Thứ Năm 10 tháng 11, ông lấy lại niềm tin, “Đã có nhiều lo âu không biết chế độ dân chủ có vượt qua được cuộc thử thách hiện nay hay không. Tôi thấy nó đã vượt qua.”
Tuy nhiên, khi nhìn vào kinh nghiệm các nước tự do dân chủ khác, người ta có thể thấy hệ thống bầu cử của Mỹ còn có thể cải thiện trên nhiều phương diện. Hiện nay việc tổ chức bầu cử nằm trong quyền hạn các tiểu bang, tức là đảng nắm quyền ở tiểu bang. Các đảng vẫn có thể đặt ra những luật bầu cử, cách bỏ phiếu, bản đồ phân chia các đơn vị bầu cử giúp cho họ được lợi hơn. Nhiều tiểu bang đã giảm quyền hành các ủy ban bầu cử độc lập để cho đảng cầm quyền phụ trách. Nhiều quốc gia không làm như vậy.
Các cuộc nghiên cứu cho thấy dân chúng sẽ đi bầu đông và hài lòng về kết quả nhất khi việc tổ chức bầu cử do những ủy ban độc lập lãnh trách nhiệm.
Từ năm 1920, Canada đã đặt việc tổ chức, điều hành việc bỏ phiếu trong tay những viên chức độc lập, không do một chính phủ hay người lãnh đạo nào chi phối, họ có thể trừng phạt những người vi phạm luật bầu cử. Việc phân chia các đơn vị bầu cử trong mỗi tỉnh, giống như các tiểu bang ở Mỹ, là quyền hạn của những ủy ban độc lập. Đài Loan cũng như hàng chục quốc gia khác, cũng làm như vậy, bảo đảm việc bỏ phiếu và đếm phiếu công bằng và đồng nhất trong toàn quốc.
Để giảm bớt ảnh hưởng của đồng tiền trên chính trị, Canada cấm các xí nghiệp và công đoàn đóng góp vào quỹ của các ứng cử viên, không chấp nhận những nhóm cổ động cho các đảng phái và ứng cử viên của họ.
Các quy chế trên cũng không chắc đã bảo đảm việc bầu cử hoàn toàn công bằng. Các nước Nigeria, Pakistan và Jordan đều có các ủy ban bẩu cử giống như Đài Loan, nhưng vẫn bị mang tiếng không trong sạch, không đáng tin. Yếu tố quyết định vẫn là trình độ của người dân, họ có tin tưởng và tham dự tích cực, bảo vệ quyền công dân của mình hay không.
Hơn 100 quốc gia trên thế giới đã quy định đi bầu là một bổn phận, việc ghi danh cử tri diễn ra tự động, dân không cần phải làm gì; tìm cách giúp các công dân đi bầu dễ dàng hơn.
Nhưng dân Mỹ vốn không có thói quen thay đổi các định chế theo mô hình của các nước khác! Tình trạng phân ly giữa hai đảng còn rất nặng nề khiến cho các ý kiến thay đổi thể thức bỏ phiếu sẽ không được ai để tai nghe. Bà Jennifer McCoy, giáo sư Đại học Georgia (GSU) viết, “Chúng ta giữ một huyền thoại đối với bản hiến pháp và tính chất độc nhất của nước Mỹ. Điều đó khiến mọi người không quan tâm (đến việc thay đổi) và phải mất nhiều thời gian thì những người lãnh đạo mới công nhận những rủi ro trước mắt. Thay đổi sẽ rất khó.”
Diễn đàn