Đường dẫn truy cập

Châu Âu và Bắc Mỹ: Chính sách kinh tế khắc khổ ảnh hưởng tới sức khỏe


Các công nhân ở Hy Lạp trong trang phục truyền thống phản đối kế hoạch của chính phủ sa thải hàng ngàng công nhân, 26/4/2013
Các công nhân ở Hy Lạp trong trang phục truyền thống phản đối kế hoạch của chính phủ sa thải hàng ngàng công nhân, 26/4/2013
Theo một nhóm khảo cứu tại các trường đại học Châu Âu và Hoa Kỳ thì chính sách khắc khổ sẽ có ảnh hưởng nghiêm trọng tới tình hình sức khỏe của dân chúng tại cả Châu Âu lẫn Bắc Mỹ. Tỷ lệ tự sát, chán nản, và nhiễm bệnh gia tăng và ngay cả bệnh sốt rét đã bị diệt trừ tại hầu hết các nước Phương Tây nhiều thập niên trước đây cũng đã trở lại tại Hy Lạp. Mời quý vị theo dõi chi tiết qua bài tường thuật của thông tín viên Michael Scaturo đài VOA gửi về từ Berlin.

Các chuyên gia từ những trường đại học hàng đầu ở Mỹ và Châu Âu đã thu thập dữ liệu cho một phúc trình thường niên của Tổ Chức Y Tế Thế Giới về đề tài “Chính sách sức khỏe đáp ứng với các cuộc khủng hoảng tài chánh tại Châu Âu và Hoa Kỳ.”

Phúc trình này tới tháng 9 mới được công bố, nhưng các nhà khảo cứu ngạc nhiên trước những ảnh hưởng đã xuất hiện tại Hy Lạp do những cắt giảm ngân sách. Ông David Stuckler thuộc Trường Đại Học Oxford, một trong những tác giả của cuộc khảo cứu này cho biết:

“Hy Lạp có lẽ là một thí dụ tệ hại nhất của chính sách khắc khổ đánh vào tình trạng sức khỏe của công chúng.”

Ông Stuckler nói việc Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Liên hiệp Châu Âu áp đặt các biện pháp khắc khổ đối với Hy Lạp đã gây ra ảnh hưởng tai hại cho sức khỏe của công chúng.

“Sau khi các chương trình phun thuốc trừ muỗi bị cắt, ta đã thấy bệnh sốt rét trở lại, mặc dù nước Hy Lạp đã khống chế được nó từ bốn thập niên qua. Các trường hợp nhiễm HIV/AIDS mới đã tăng vọt tới 200 phần trăm.”

Ông Stuckler nói rằng sự gia tăng việc sử dụng thuốc chích ma túy nơi người trẻ tuổi, và tình trạng thiếu ngân quỹ cho các chương trình trao đổi kim chích sạch, là nguyên nhân gây ra sự gia tăng các trường hợp nhiễm HIV/AIDS mới.

Mặc dù khu vực nam Châu Âu phải đối phó với tình trạng thiếu thuốc và thiếu dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khu vực bắc Châu Âu như nước Đức lại nói rằng họ có dư dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Ông Klaus-Dirk Henke thuộc Trường Đại Học Kỹ Thuật ở Berlin, một trong những nhà khảo cứu của dự án này nói rằng, Đức đang thảo luận xem họ có quá nhiều giường, quá nhiều bệnh viện, quá nhiều ca phẫu thuật tại nước họ hay không.

Ông Klaus-Dirk Henke nói rằng, các nước tại miền nam Châu Âu, như Pháp, Luxembourg, và Bỉ thật ra đã thấy các hệ thống chăm sóc sức khỏe của họ được cải thiện trong cuộc khủng hoảng kinh tế này, nhờ chú trọng sự gia tăng chi tiêu trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Ông kêu gọi các chính trị gia Châu Âu giải quyết tình trạng chênh lệch ngày càng nhiều trong lãnh vực chăm sóc sức khỏe giữa bắc và nam Châu Âu.

“Các nước miền bắc trong Liên hiệp Châu Âu cần giúp thêm và trợ cấp cho các nước miền nam, đây là chuyện mà chúng tôi đang làm, ít nhất trong điều kiện cuộc khủng hoảng của khối sử dụng đồng euro. Các loại tín dụng giờ đây được giao cho miền nam - đây là tiền để yểm trợ họ và giúp họ có được một tình hình kinh tế tương đối ổn định trở lại. Tỷ lệ thất nghiệp tại Tây Ban Nha vào khoảng 50 phần trăm đối với những người trẻ, đây là chuyện không thể tin được, chúng ta phải làm một cái gì về chuyện đó.”

Nhưng không phải chỉ các nước Châu Âu đang phải trải qua những hệ quả tiêu cực của cuộc khủng hoảng này. Hoa Kỳ cũng vậy. Ông Stuckler nói tiếp:

“Tôi phải nêu lên rằng trong vụ cắt giảm ngân sách của chính phủ Mỹ, những cắt giảm trong các chương trình chăm sóc sức khỏe dành cho phụ nữ và trẻ em, cung cấp thực phẩm cho phụ nữ mang thai, và do đó ngăn ngừa được trường hợp tử vong nơi trẻ sơ sinh – đây là một trong những chương trình bị cắt giảm đáng kể. Một trường hợp nữa là Trung Tâm Kiểm Soát Dịch Bệnh, vốn là một cơ quan bảo vệ tuyệt hảo trong những vụ bộc phát bệnh đau màng óc, và chống Vi-rut Tây Sông Nile, đã được thấy trở lại tại California, và mới đây tại Dallas, Texas.”

Ông Stuckler nói rằng trên năm triệu người Mỹ mất bảo hiểm y tế trong cuộc “Đại Suy Thoái” này, cộng thêm vào rất nhiều người vốn không có bảo hiểm y tế.

Ông nói rằng phản ứng của Iceland đối với vụ ngân hàng sụp đổ to lớn và vụ khủng hoảng kinh tế có thể là một tấm gương. Các chính trị gia Iceland đã đưa chính sách khắc khổ ra trưng cầu dân ý.

“Chín mươi ba phần trăm cử tri nước này bỏ phiếu chống lại việc cắt giảm mạnh ngân sách để cứu nguy ngành ngân hàng. Nền kinh tế được phục hồi và khi tăng chi tiêu về chăm sóc sức khỏe trong thời gian khủng hoảng, trợ giúp cho những người thất nghiệp và những người mất nhà, chúng ta thấy điều kiện sức khỏe tại Iceland được cải thiện.”

Ông Stuckler và các đồng tác giả của phúc trình kêu gọi biện pháp kích thích chi tiêu cần được hướng về các chương trình chăm sóc sức khỏe. Họ nói rằng tiền bạc sử dụng theo hướng này được hấp thụ mau chóng bởi những hệ thống bị dàn ra quá mỏng và mau chóng cung cấp công ăn việc làm cùng các dịch vụ giá trị.

VOA Express

VOA có ứng dụng mới

Xem tin tức VOA trực tiếp trên điện thoại và máy tính bảng! Ứng dụng VOA có thiết kế mới và cải thiện khả năng truy cập tin tức. Các tính năng mà bạn yêu thích trước đây được tích hợp cùng các công cụ vượt tường lửa để truy cập tin tức VOA bằng 22 ngôn ngữ.

Tải ứng dụng VOA trên App StoreGoogle Play!

XS
SM
MD
LG