Đường dẫn truy cập

Châu Âu chỉ trích thái độ bất nhất của Việt Nam về tự do tôn giáo


Giới chức cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên hiệp châu Âu (EU), bà Catherine Ashton.
Giới chức cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên hiệp châu Âu (EU), bà Catherine Ashton.
Bà Nam tước Catherine Ashton, Đại diện Tối cao của Liên Hiệp Châu Âu về Chính sách An ninh và Ðối ngoại, vừa bày tỏ quan ngại về các vi phạm quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng tại Việt Nam, đặc biệt là sự bất nhất rõ ràng giữa những lời tuyên bố của nhà cầm quyền Hà Nội với những gì thực sự diễn ra trong thực tế.

Hồi đáp chất vấn của Dân biểu Quốc hội Châu Âu Ramon Tremosa Balcells hôm 25/4 vừa qua, bà Catherine Ashton nhấn mạnh các vi phạm về quyền tự do tôn giáo-tín ngưỡng vẫn là một mối quan tâm tại Việt Nam và EU đang theo dõi sát tình hình.

Bà Ashton cho biết Châu Âu đã nêu các quan ngại này với Hà Nội thông qua các cuộc đối thoại nhân quyền được thành lập từ đầu năm ngoái theo thỏa thuận đối tác và hợp tác giữa đôi bên.
please wait

No media source currently available

0:00 0:04:26 0:00
Tải xuống

Bà Ashton nói tự do tôn giáo-tín ngưỡng tại Việt Nam là đề tài then chốt được mang ra thảo luận tại hai buổi họp giữa EU với Việt Nam hồi tháng giêng và tháng 10 năm ngoái lần lượt tại Hà Nội và Brussels (Bỉ). Qua đó, các vụ việc như trường hợp của lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất, Đức Tăng thống Thích Quảng Độ, cũng đã được nêu lên.

Bà Ashton cho hay trong các cuộc đối thoại này, phía Việt Nam thông báo với EU rằng Đức Tăng thống Thích Quảng Độ không hề bị quản thúc tại gia và có thể tiếp xúc tự do bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, vẫn theo lời bà Ashton, trong các dịp ghé thăm Ngài vào năm ngoái, các vị đại sứ của Mỹ và Australia xác nhận rằng Đức Tăng thống không được phép rời khỏi Thanh Minh Thiền viện, nơi Ngài bị quản chế.

Trường hợp của nhà lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất, Đức Tăng thống Thích Quảng Độ, cũng đã được nêu lên.
Trường hợp của nhà lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất, Đức Tăng thống Thích Quảng Độ, cũng đã được nêu lên.
Bà Ashton cho biết trong khuôn khổ Đối thoại Nhân quyền và các mối liên hệ song phương với Việt Nam, Châu Âu sẽ tiếp tục thúc đẩy Hà Nội phóng thích những người bị bỏ tù, cầm giữ, hay sách nhiễu vì niềm tin tôn giáo, trong đó có trường hợp của Đức Tăng thống Thích Quảng Độ, vì rõ ràng là nhà cầm quyền Việt Nam nói một đằng làm một nẻo.

Đại diện tối cao của Liên hiệp Châu Âu cũng cho biết thêm trong cuộc đối thoại tháng 10 năm rồi, Hà Nội đã hồi đáp tích cực trước lời kêu gọi của EU mở cửa lại cho Báo cáo viên Liên hiệp quốc đặc trách Tự do Tôn giáo đến thăm Việt Nam. Tuy nhiên, cho đến nay chưa thấy có diễn tiến nào về khả năng hứa hẹn này.

Bà Ashton cho hay EU dự định sẽ nêu vấn đề lần nữa về chuyến thăm của Báo cáo viên Liên hiệp quốc đặc trách Tự do Tôn giáo đến Việt Nam nếu loan báo của Hà Nội về lời mời này không được khai triển.

Vẫn theo bà Ashton, Liên hiệp Châu Âu hiện đang phân tích Nghị định 92 về tôn giáo của Việt Nam và sẽ đưa lên bàn thảo luận trong cuộc Đối thoại Nhân quyền sắp tới giữa EU với Việt Nam dự kiến diễn ra trong tháng 10 năm nay. Nghị định 92, được ban hành tháng 11 năm ngoái quy định chi tiết việc thi hành Pháp lệnh Tín ngưỡng-tôn giáo và có hiệu lực từ đầu năm nay, đang gây tranh cãi vì các biện pháp siết chặt hơn nữa kiểm soát hoạt động tôn giáo trong nước.

Trong chất vấn gửi người đặc trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên hiệp Châu Âu, dân biểu Quốc hội Châu Âu Ramon Tremosa Balcells nói ông hết sức quan ngại trước Nghị định 92 của Hà Nội và các vi phạm về tự do tôn giáo nghiêm trọng tại Việt Nam dựa trên báo cáo đầy đủ của các tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế, trong đó có Ủy ban Bảo vệ Quyền làm người Việt Nam trụ sở tại Pháp.

Dân biểu Balcells cũng chất vấn về các biện pháp cấp bách mà Liên hiệp Châu Âu sẽ thực hiện để giúp phóng thích những người bị Hà Nội giam cầm vì niềm tin tín ngưỡng ôn hòa.

Ông Balcells hoan nghênh cam kết bảo vệ quyền tự do tôn giáo của EU qua việc Ban Đối ngoại của Châu Âu soạn thảo cẩm nang hướng dẫn về Tự do Tôn giáo-tín ngưỡng và việc thành lập nhóm làm việc của Nghị viện Châu Âu về Tự do Tôn giáo-tín ngưỡng.

Tuy nhiên, ông Balcells nhấn mạnh cam kết này sẽ vô nghĩa nếu không được thể hiện trong thực tế và mang lại quyền tự do cho những ai đang bị tước đoạt quyền tự do chỉ vì đức tin của họ.

Ủy ban Bảo vệ Quyền làm người Việt Nam cho biết họ đã cung cấp cho EU và Nghị viện Châu Âu nhiều tư liệu và chứng cứ về tình trạng đàn áp tôn giáo, sách nhiễu bloggers, cư dân mạng, và những người bất đồng chính kiến tại Việt Nam.

Nguồn: VCHR, Europarl.europa.eu

VOA Express

XS
SM
MD
LG