Đường dẫn truy cập

Chật vật xoay sở để tồn tại giữa dịch Covid


Ảnh tư liệu - Một chốt kiểm soát phòng chống Covid tại Hà Nội 9/8/2021
Ảnh tư liệu - Một chốt kiểm soát phòng chống Covid tại Hà Nội 9/8/2021

“Cô em ở gần nhà nói em có mấy triệu, gần tháng nay tiêu hết sạch rồi, đồ ăn dự trữ cũng hết. Vừa rồi em vào mạng Zalo thấy có nhóm giúp đỡ nên xin người ta, được người ta gửi cho mấy cân gạo, một chai dầu, một túi gia vị. Chị nếu khó khăn quá thì bỏ hết sĩ diện đi, vào xin người ta giúp đỡ mình, chứ đóng cửa không làm ăn buôn bán gì cả tháng thì lấy gì mà ăn.” Đó là tâm sự của chị Đỗ Thị Liên, một người buôn bán lặt vặt ở quận Ba Đình, Hà Nội, khi thủ đô bước vào tuần thứ 3 giãn cách toàn xã hội vì Covid tái bùng phát.

Chị Liên nói chị cũng đã tính tới giải pháp do một người hàng xóm mách bảo bởi gia đình 5 miệng ăn nhà chị dù nhận được rất nhiều sự giúp đỡ của họ hàng, bà con nhưng khó mà xin mọi người mãi được. Cả tháng nay, cửa hàng của chị phải đóng cửa hoàn toàn. May mắn là trước giãn cách, chị bán được vài triệu tiền hàng, chưa kịp nhập hàng mới thì có lệnh giãn cách, nên chị đã dùng cả vốn lẫn lãi để chi phí cho gia đình.

Không có thu nhập mà phải lo tiền ăn hàng ngày là một chuyện. Điều khiến chị lo lắng hơn nữa là tiền điện, tiền nước, khoản chi phí khá lớn không thể phớt lờ nếu không muốn bị cắt điện, cắt nước.

Chị Liên cho biết vừa qua gia đình thuộc diện khó khăn của chị đã nhận được 1,5 triệu đồng hỗ trợ từ địa phương, nhưng khoản tiền đó chị không dám động tới.

“Nhà có hai công tơ điện, một công tơ được giảm 50 nghìn, một công tơ được giảm 100 nghìn. Tổng cộng tiền điện tháng này là 1,8 triệu thì số tiền 1,5 triệu đấy phải giữ lại để trả tiền điện cho họ chứ không họ cắt điện thì chết,” chị Liên trần tình.

Mặc dù sự giúp đỡ của những nhóm từ thiện, theo chị Liên, chỉ ở mức tối thiểu, nhưng rõ ràng có còn hơn không. Vài cân gạo, một túi gia vị và chai dầu ăn cũng giúp những người lao động nghèo hay những gia đình thuộc diện khó khăn như chị có thể cầm cự thêm, chờ ngày có thể buôn bán trở lại.

“Nói thật chứ, cứ đóng cửa mãi thế này thì người dân như gia đình mình chưa chết vì dịch thì đã chết đói rồi chứ chẳng đùa đâu,” chị Liên than thở.

Không chỉ những gia đình nghèo như gia đình chị Liên mới lâm thế khó. Những gia đình khá giả hơn nhưng thu nhập phụ thuộc vào việc kinh doanh thì hiện cũng phải tính toán từng đồng chi tiêu để có thể xoay sở vượt qua đại dịch.

Anh Đặng Thành Trung, chủ cơ sở chuyên sản xuất mặt hàng nước tinh khiết đóng bình, cho biết đã 2 tháng nay anh phải cho toàn bộ hơn chục lao động tại xưởng sản xuất của anh nghỉ việc vì hàng không bán được, không có tiền trả lương cho họ.

“Hiện giờ các trường học thì đóng cửa hết, các công sở cũng nghỉ đóng cửa. Nhà dân thì người ta cũng không muốn mua nước của mình nữa vì sợ khi mình vận chuyển nước đến, mình lại mang theo virus, nên người ta tự đun nước uống. Vì thế có bán chác được gì đâu. Giờ chỉ có nằm chờ dịch qua đi."

Anh Trung nói hiện tại, gia đình còn chút tiền tiết kiệm từ năm ngoái nên phải tính toán kỹ lưỡng trong việc chi tiêu, phần lớn chỉ mua thực phẩm thiết yếu và trả tiền điện, nước. Họ hàng, người thân và bạn bè, ai cho gì anh đều nhận hết.

Việt Nam còn chìm trong đợt bùng phát Covid mạnh mẽ nhất, với số ca nhiễm hàng ngày từ 10.000 tới trên 11.000 người. Bình Dương, tỉnh giáp ranh với thành phố Hồ Chí Minh có hàng nghìn ca nhiễm được ghi nhận trong những ngày gần đây. Riêng tại thủ đô Hà Nội, một vài ổ dịch nhỏ cũng đã được phát hiện và khả năng mở cửa trở lại sau 4 tuần giãn cách cho đến 06/9 vẫn còn bỏ ngỏ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG