Cuba sẽ cung cấp một lượng lớn vaccine phòng COVID-19 do nước này sản xuất cho Việt Nam đồng thời sẽ chuyển giao công nghệ sản xuất cho quốc gia Đông Nam Á vào cuối năm nay, Chính phủ ở Hà Nội cho biết hôm 24/8.
Cam kết này được Chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Canel đưa ra trong cuộc điện đàm với Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tối ngày 23/8, theo báo Chính phủ VGP News.
Sau gần một năm khống chế đại dịch hiệu quả, Việt Nam hiện đang chật vật đối phó với đợt bùng phát tồi tệ nhất do biến thể mới Delta gây ra, khiến các lãnh đạo ở Hà Nội phải gấp rút tăng tốc chương trình tiêm chủng vaccine, hiện đang được coi là chậm nhất trong khu vực.
“Cuba hết sức coi trọng hợp tác về vaccine với Việt Nam, nỗ lực từ nay tới cuối năm 2021 cung ứng số lượng lớn vaccine Abdala phòng COVID-19 của Cuba và sẵn sàng cử chuyên gia sang chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine cho Việt Nam,” Chủ tịch Diaz-Canel được VGP News trích lời nói với ông Phúc trong cuộc điện đàm, nhưng không cho biết cụ thể số lượng là bao nhiêu.
Tuy nhiên theo tiết lộ của Người Lao Động, Chủ tịch Diaz-Canel nói rằng Cuba sẽ cung cấp cho Việt Nam 10 triệu liều vaccine do nước này sản xuất.
Cuba cho biết vaccine 3 liều Abdala của họ đạt tỷ lệ hiệu quả chống virus corona lên đến 92,28% trong các cuộc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối vào tháng 6 vừa qua. Theo New York Times, tỷ lệ này đưa vaccine nội địa của Cuba vào nhóm hiệu quả cao nhất, chỉ sau Pfizer-BioNTech với 95% và Moderna với 94,1%.
Việt Nam cho đến nay đã ký kết các thoả thuận chuyển giao công nghệ vaccine mRNA và protein DNA tái tổ hợp cũng như đang thảo luận với công ty Pfizer của Mỹ về việc đặt nhà máy sản xuất vaccine trong nước.
Bộ Y tế cho biết, Việt Nam đã đặt mua được 23 triệu liều vaccine COVID-19 và dự kiến sẽ nhận được ít nhất 50 triệu liều trong quý 4 năm nay.
Chương trình tiêm chủng vaccine của Việt Nam được triển khai từ đầu tháng 3 năm nay nhưng tỷ lệ tiêm chủng của quốc gia Đông Nam Á vẫn ở mức thấp nhất trong khu vực, với chưa đầy 2% trong số 98 triệu dân được tiêm đầy đủ.
Việt Nam ban đầu đặt mục tiêu chủng ngừa cho 70% dân số nhằm đạt miễn dịch cộng đồng trong năm nay nhưng sau đó hạ giảm xuống còn 50% người trưởng thành được tiêm chủng đầy đủ do khan hiếm nguồn cung vaccine.