Một thẩm phán của Tòa án Tối cao làm việc cho phiên tòa xử Khmer Đỏ ở Kampuchea đã đưa ra những lời lẽ gay gắt hôm qua về việc các cơ quan truyền thông tường thuật các phiên xử của tòa.
Năm ngoái, tòa đã kết án cựu lãnh tụ Khmer Đỏ về những tội ác vi phạm hồi cuối thập niên 1970 và nay đang trong tiến trình xét xử 4 thủ lãnh cấp cao nhất trong vụ thứ nhì.
Nhưng có nhiều tranh luận về việc liệu có đưa ra tòa thêm các thủ lãnh khác trong một vụ xử thứ ba và thứ tư hay không, mà chi tiết đã được tiết lộ cho các cơ quan truyền thông trước đây trong năm.
Thẩm phán Agnieszka Klonowiecka Milart đã đưa ra lời đả kích việc các cơ quan truyền thông mới đây tường thuật về những người có thể là bị cáo mới mà tên tuổi đã được tiết lộ trong những văn kiện của tòa bị rò rỉ.
Phát biểu tại Câu lạc bộ Ký giả nước ngoài của Thái Lan ở Bangkok, bà nói rằng điều phải được coi là một cuộc điều tra mật thì lại bị các cơ quan truyền thông đánh cắp.
Bà nói: “Các lập luận đang được các diễn đàn truyền thông chuyên chở thay vì tòa án. Và tôi nghĩ rằng các văn kiện mật đã bị tiết lộ, cho dù có do việc khinh mạn tòa hay không, thực là điều ô nhục. Ngay cả nếu thông tin này đã thuộc về khu vực công cộng thì đó cũng là sai trái. Và đó không phải là một lý do để lại đưa nó vào khu vực công cộng.”
Các vị thẩm phán đồng sự trong cuộc điều tra tuần này đã tiến hành các thủ tục xét xử về tội khinh mạn nhắm vào ban Khmer của đài Tiếng nói Hoa Kỳ vì đã trích thuật một văn kiện bị tiết lộ và phổ biến hình ảnh của văn kiện đó.
Văn kiện của tòa bị tiết lộ trước đây trong năm và nội dung của văn kiện đã được tiết lộ trong các bản tin truyền thông khác, nhưng tòa chỉ nêu danh VOA trong phiên tòa xử tội khinh mạn này.
VOA đã công bố một thông cáo bầy tỏ sự quan ngại về khả năng của “tác động đáng sợ” mà một sự đe dọa có thể có đối với việc tường thuật phiên tòa của giới truyền thông.
Bà Anne Heindel là cố vấn pháp lý cho Trung Tâm Lập Hồ sơ của Kampuchea, một tổ chức thu thập bằng chứng tội ác đã phạm dưới thời Khmer Đỏ.
Bà cũng phát biểu tại Câu lạc bộ Ký giả nước ngoài và nói rằng những tin tiết lộ bị thúc đẩy bởi tập tục của tòa là giữ bí mật thông tin trong suốt quá trình điều tra và xét xử, gây bất mãn cho nhận thức của công chúng và khiến tòa bị chỉ trích nhiều hơn
Bà Heindel nói: “Bởi vì người ta cảm thấy các vụ án số 3 và số 4 không được điều tra đầy đủ, và chính phủ trung ương đã nói họ không muốn có các vụ xử này, nên quốc tế thực sự không muốn cung cấp tài chính, có cảm tưởng là các vụ này được đưa ra vì lý do chính trị nhiều hơn là lý do pháp luật. Sự kiện này đã dẫn tới nhiều thông tin phát xuất qua các kênh bất thường chứ không phải thông qua tòa án.”
Kể từ khi thành lập tòa án, giới chỉ trích đã cáo buộc tòa là tham nhũng, quá tốn kém và chậm chạp, cũng như dễ bị sự can thiệp về chính trị.
Thủ tướng Hun Sen của Kampuchea, bản thân cũng từng thuộc phe Khmer Đỏ, đã công khai tuyên bố là không nên mở thêm các phiên tòa nữa bởi vì chúng có thể gây chia rẽ đất nước và dẫn tới nội chiến.
Dưới sự cầm đầu của Pol Pot, phe Khmer Đỏ theo chủ nghĩa Cộng sản cực đoan đã cai trị Kampuchea từ năm 1975 đến năm 1979. Trong cố gắng thành lập một nước nông nghiệp không tưởng, có tới 2 triệu người dân Kampuchea, tức là gần 1/4 dân số, đã bị hành quyết, bỏ đói và bị cưỡng bức làm việc cho đến chết.
Một vị thẩm phán tại tòa án xử Khmer Đỏ được Liên Hiệp Quốc hậu thuẫn tại Kampuchea đã chỉ trích việc các cơ quan truyền thông tường thuật những vụ xử đang diễn tiến sau khi có một loạt bản tin chứa các thông tin mật bị tiết lộ. Thông tín viên VOA Daniel Schearf tại Bangkok tường thuật rằng một số người chỉ trích tòa án nói rằng các nhận định cho rằng có sự can thiệp chính trị đã khuyến khích việc tiết lộ thông tin.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1