Campuchia đã ghi nhận tăng trưởng kinh tế vững mạnh trong 2 năm kể từ khi xảy ra vụ khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Đầu tư nước ngoài, công nghiệp du lịch phát triển, và một khu vực nông nghiệp mạnh là chìa khóa cho sự tăng trưởng đó.
Khu vực dệt may của nước này cũng đạt thành quả tốt đẹp, với lượng xuất khẩu dự trù tăng 40 phần trăm trong năm nay.
Ông Stephen Higgins trưởng ban quản trị Ngân hàng Hoàng gia ANZ ở Phnom Penh nhận định:
“Nền kinh tế Campuchia có lẽ ở tư thế tốt nhất từ trước đến nay - bất kể những gì đang diễn ra ở phần còn lại của thế giới. Tỷ lệ tăng trưởng kinh tề trong năm nay sẽ ở tầm từ 7 đến 8 phần trăm, và trong môi trường toàn cầu bình thường, ta trông đợi tỷ lệ đó sẽ lên từ 8 đến 10 phần trăm trong vài năm tới.”
Nhưng ông Higgins phải đặt tình trạng lạm phát trong tầm kiểm soát, nhất là về giá thực phẩm tăng.
Mặc dù kinh tế ở châu Aạu và Hoa Kỳ đang trong tình trạng bất định, Ngân hàng Phát triển Á châu ADB ước tính tăng trưởng trong năm nay ở mức 6,8 phần trăm và chỉ dự kiến tỷ lệ đó tăng đôi chút vào năm tới.
Các chuyên gia phân tích cho rằng giới đầu tư nước ngoài ở Nhật Bản đang đi tìm các nước thay thế cho Trung Quốc và Thái Lan. Họ gia nhập hàng ngũ các nhà đầu tư lâu năm trong vùng như Việt Nam và Nam Triều Tiên.
Nhưng Trung Quốc vẫn là nước đầu tư hàng đầu vào Kampuchea. Các cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc tường trình rằng giới đầu tư đã rót vào khoảng 5 tỷ rưỡi đôla trong 7 tháng đầu năm.
Trong số các công cuộc đầu tư là một dự án phát triển địa ốc loại sang trị giá 3 tỷ đôla. Trung Quốc cũng cung cấp tiền cho công tác thủy điện và xây dựng đường sá. Và hai trong các ngân hàng hàng đầu của Trung Quốc là Ngân hàng Công nghiệp và Thương mại Trung Quốc và Ngân hàng Trung Quốc, đã mở các chi nhánh ở Campuchia trong năm nay.
Kinh tế gia kỳ cựu của ADB, ông Peter Brimble cho rằng trong khi các ngân khoản của Trung Quốc được hoan nghênh thì viện trợ của Trung Quốc có thể lại rất hạn chế.
Ông nói: “Viện trợ Trung Quốc cực kỳ khắc nghiệt; có nhiều phần chắc là không có chuyện mặc cả, nhất là nếu đó lại là một khoản cho vay thay vì một khoản trợ cấp - có thể bạn phải trả giá nhiều hơn cho những gì bạn nhận được chỉ vì phía Trung Quốc không tin vào việc mặc cả để cạnh tranh. Tôi nghĩ chính phủ biết rõ điều đó.”
Giới chỉ trích nói ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc nối kết với các mối quan tâm chính trị. Họ nêu ra một vụ việc vào năm 2009, khi Campuchia trục xuất 20 người sắc tộc Uighur Hồi giáo xin tỵ nạn sau khi chạy trốn khỏi các vụ bạo động ở Trung Quốc. Ngay sau khi những người này ra đi, một giới chức cấp cao Trung Quốc đã đến Campuchia ký 14 thỏa thuận thương mại trị giá 859 triệu đôla.
Ông David Carter, chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh Australia ở Kampuchea, nói rằng Campuchia đã hoan nghênh đầu tư của Trung Quốc.
Ông Carter nhận định: “Chắc chắn nó có ảnh hưởng lớn trong nước. Cầu đường đang được xây dựng. Người ta có cảm tưởng là có rất nhiều tiền của Trung Quốc quanh đây, nhưng theo tôi, đa số dân chúng đều nhận thức rằng sự kiện này kèm theo rất nhiều nghĩa vụ. Vì thế đó là điều tốt nhưng bạn phải thanh toán các hóa đơn vào một thời điểm nào đó.”
Các dự án phát triển được sự tài trợ của các khoản đầu tư đó có thể có ảnh hưởng rất quan trọng đối với một trong các nước nghèo nhất Đông nam châu Á. Trong khi các giới chức hoan nghênh các khoản đầu tư vào việc nâng cấp cơ sở hạ tầng của Campuchia
, đã có hàng ngàn vụ tống xuất để dọn đường cho các dự án mới. Năm 2010, các tổ chức nhân quyền ước tính có 30 ngàn người bị buộc dời cư vì các dự án hầm mỏ, nông nghiệp và thủy điện.
Lực lượng đặc nhiệm về Quyền Gia cư, một tổ chức nhân quyền đã chỉ trích các chính sách tái định cư của chính phủ, nói rằng có tới 150 ngàn người có thể bị tống xuất trong những năm tới. Họ cho biết có ít nhất 80 ngàn vụ tống xuất có thể diễn ra tại thủ đô Phnom Penh.
Ông Hang Chayya, giám đốc Viện Dân chủ Kampuchea, nói rằng các nhà đầu tư nước ngoài phải tôn trọng nhân quyền để có thể duy trì các mối quan hệ dài hạn ở Kampuchea.
Ông nói: "Bất kỳ mối quan hệ song phương nào với Trung Quốc đều phải được thực hiện trên cơ sở tôn trọng nhân quyền và dân chủ trong nước. Và đây là điều không xảy ra trong chính phủ khi chọn giao dịch với Trung Quốc.”
Thành tích kinh tế của Campuchia sẽ được nêu bật trong năm 2012, khi Phnom Penh chủ trì các cuộc họp thường niên của Hiệp hội các Quốc gia Đông nam Á.
Các phân tích gia nói tương lai kinh tế của Campuchia ngày càng dựa vào vận hội với các lân bang kề cận như Thái Lan, Việt Nam và Lào, và lân quốc xa xôi ở phía bắc là Trung Quốc.
Các giới chức Campuchia cho hay tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của nước này dự trù sẽ vượt quá 7% trong năm nay. Các chuyên gia phân tích tài chính nói rằng mặc dầu nền kinh tế toàn cầu tăng chậm, Campuchia sẵn sàng ứng phó, một phần là nhờ đầu tư nước ngoài vững mạnh. Nhưng theo tường thuật của thông tín viên VOA Ron Corben từ Bangkok, hàng tỷ đôla đổ vào trong nước cũng đang nêu ra những quan ngại về tác động chính trị và kinh tế của những dự án phát triển khổng lồ.
Đọc nhiều nhất
1