Đường dẫn truy cập

Cảm nghĩ của phụ nữ hải ngoại về việc bà Tạ Phong Tần được vinh danh


Cựu đảng viên Đảng Cộng sản Tạ Phong Tần.
Cựu đảng viên Đảng Cộng sản Tạ Phong Tần.
Nhân ngày Phụ Nữ Quốc Tế, 8 tháng 3, năm nay (2013), một buổi lễ long trọng đã được tổ chức tại Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ để vinh danh 'Chín Phụ nữ Can đảm của Thế giới'. 'Phụ nữ Can đảm của Thế giới' là những người đã chứng tỏ lòng can đảm ngoại hạng cũng như khả năng lãnh đạo trong việc cổ vũ cho các quyền phụ nữ và công bằng xã hội, bất chấp những gian nguy cho cá nhân mình. Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry đã vinh danh các phụ nữ can trường với sự hiện diện của Đệ nhất Phu nhân Michelle Obama.

Blogger Tạ Phong Tần là một trong những phụ nữ được vinh danh nhưng không thể có mặt tại buổi lễ vì đang thọ án 10 năm tù tại Việt Nam với tội danh 'tuyên truyền chống phá nhà nước.' Theo các nguồn tin quốc tế, và bản vinh danh của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ thì cô Tạ Phong Tần nguyên là một đảng viên đảng CSVN và là công an nhà nước Việt Nam. Cô bị khai trừ khỏi đảng vì có những bài viết công khai phê bình chính sách của đảng CSVN.

Năm 2006 cô mở trang blog 'Công Lý và Sự Thật'. Trang blog này có hàng trăm bài viết phản ánh những bất công xã hội, các vụ tịch thu đất đai, và tệ nạn tham nhũng trong các cơ quan nhà nước Việt Nam. Năm 2011 cô bị bắt và bị tuyên án 10 năm tù ở và hai năm quản chế. Trước khi bị tù, Tạ Phong Tần còn hăng say ủng hộ dân oan trong các vụ khiếu kiện, phản đối nhà nước Việt Nam chiếm đất của dân nghèo. Thân mẫu của blogger Tạ Phong Tần là bà Đặng Thị Kim Liêng đã tự thiêu ngày 30 tháng 7, năm 2012 để phản đối nhà nước đối xử bất công với con gái bà.

Blogger Tạ Phong Tần còn được đề cử Giải thưởng Báo chí 2013 của “Index on Censorship,” là tổ chức quốc tế chuyên bảo vệ quyền tự do bày tỏ quan điểm và quyền tự do báo chí có trụ sở tại London, Anh Quốc.

Một ngày sau khi chính phủ Hoa Kỳ vinh danh cô Tạ Phong Tần là 'Phụ nữ Can đảm', thì trên trang nhà của Bộ Ngoại giao Việt Nam đăng lời phát biểu của người phát ngôn bộ ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị, rằng:

"Việt Nam phản đối quyết định trao giải cho một cá nhân đã vi phạm pháp luật Việt Nam. Đây là việc làm sai trái, can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam, không có lợi cho sự phát triển quan hệ hai nước."

Tuy nhiên sự kiện blogger Tạ Phong Tần được bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vinh danh lại có rất nhiều phản ứng tích cực trong cộng đồng người Việt Hoa Kỳ, cũng như cộng đồng người Việt hải ngoại.

Tiến sĩ Minh Thi, giám đốc đài phát thanh Tiếng Nước Tôi, từ thành phố Sacramento, thủ phủ của tiểu bang California, chia sẻ niềm hãnh diện của cô trước sự kiện blogger Tạ Phong Tần được chọn là một trong chín 'Phụ nữ Can đảm của Thế giới', như sau:

“Đây là một tin vui và là một niềm hãnh diện chung của cộng đồng dân tộc chúng ta. Thứ nhất, chị Tạ Phong Tần xứng đáng nhận vinh dự này. Bên cạnh đó chị còn là một biểu tượng đại diện cho những tiếng nói bất khuất của những phụ nữ Việt Nam quả cảm nói riêng, của những tấm lòng Việt Nam nói chung, đã và đang góp phần mạnh mẽ đấu tranh cho một tương lai tươi sáng của dân tộc chúng ta, sau quá nhiều thập niên đắm chìm trong bóng tối một chủ nghĩa ngoại lai không tưởng.”

Chủ nhiệm kiêm chủ bút tuần báo VietTide, từ Little Saigon miền Nam California, là Tiến sĩ Ông Thụy Như Ngọc thì cho rằng đây là một vinh dự cho những nhà dân chủ:

“Việc Blogger Tạ Phong Tần được vinh danh bởi bộ ngoại giao Hoa Kỳ có lẽ là một vinh dư chung cho những người dám nói lên tiếng nói của mình để đấu tranh cho tự do dân chủ dù ở bất cứ nơi nào trên thế giới. Bộ Ngoại giao khi vinh danh cô thì đã cho thấy, đã rọi ánh sáng lên những bất công trong xã hội Việt Nam hiện thời."

Một người làm truyền thông tại Houston là cô Anh Trinh, Giám đốc đài Radio Hoa Mai, cũng là một thành viên trung ương của Đảng Vì Dân, nói rằng, blogger Tạ Phong Tần đã hy sinh cá nhân và gia đình rất nhiều khi tranh đấu cho nữ quyền và các vấn nạn xã hội:

“Giải này dành cho những phụ nữ can đảm, không sợ hãi hiểm nguy và có thành tích đấu tranh cho nữ quyền, và cũng nói lên quan điểm của mình, trước những vấn nạn của xã hội. Chị Tạ Phong Tần là một người phụ nữ Việt Nam đã thể hiện được cái tinh thần như vậy, cũng như cái hành động như vậy. Chị đặc biệt đã kiên gan hy sinh từ bản thân mình trong lao tù cộng sản, đến gia đình của mình vì người mẹ đã tự thiêu lúc chị đang bị tù.”

Ngoại trưởng Kerry và Đệ nhất Phu nhân Obama chụp ảnh cùng những người được vinh danh Phụ nữ Can đảm năm 2013
Ngoại trưởng Kerry và Đệ nhất Phu nhân Obama chụp ảnh cùng những người được vinh danh Phụ nữ Can đảm năm 2013
Trong khi vui mừng trước sự kiện cô Tạ Phong Tần được Hoa Kỳ vinh danh là 'Phụ nữ Can đảm của Thế giới' vì đã quên thân mình để bênh vực cho nữ quyền và chống lại các bất công xã hội tại Việt Nam, thì hầu như rất nhiều người không thể quên được hoàn cảnh của hàng ngàn phụ nữ Việt Nam đang bị lừa gạt vào các tổ chức nô lệ lao động, nô lệ tình dục và phải lấy chồng xa xứ để nuôi sống gia đình, qua các tổ chức tuyển mộ xuất cảng lao động trá hình. Trước những hoàn cảnh thương tâm này, Tiến sĩ Minh Thi nói đây là một nỗi nhục và đau lòng cho người Việt:

“Quá cực khổ về vật chất thì chúng ta thấy rõ rồi, mà họ còn bị coi thường như là một món hàng để đổi chác, một cỗ máy để bóc lột lao động, một phương tiện dể mua vui cho như quan to gốc Việt và những kẻ tham ác nước ngoài. Đây rõ ràng là một mối nhục và đau lòng chung cho tất cả chúng ta. Chưa bao giờ trong dòng lịch sử của dân tộc lại xảy ra cảnh thương tâm như vậy, khi đất nước trên nguyên tắc đã chấm dứt chiến tranh từ gần bốn thập niên qua và khi thế giới đã tiến bộ vượt bậc từ vật chất văn minh khoa học tới giá trị nhân bản thì ngay trên quê hương yêu dấu của chúng ta, vào thế kỷ thứ 21 vẫn, còn là một quốc gia chậm tiến nghèo đói nhất thế giới và nhục nhã nhất là giá trị của con người của phụ nữ đã bị hạ thấp tới hàng nô lệ lao động, nô lệ tình dục, và là món hàng trao đổi của các con buôn.”

Còn cô Anh Trinh thì cho rằng giới phụ nữ nghèo tại Việt Nam đã bị bỏ quên, và quyền làm người của họ không được nhà nước bảo vệ:

“Hầu như những người phụ nữ này bị bỏ quên, đã bị chà đạp lên nhân phẩm một cách bi đát và trắng trợn. Họ không thực sự được bảo vệ bởi nhà cầm quyền. Cụ thể là trong thời gia qua đã và đang có những người phụ nữ Việt Nam, những cô gái, bị rao bán cho ngoại quốc như là một món hàng.”

Và Tiến sĩ Như Ngọc thì nói là cô hy vọng nhiều người sẽ dùng những phương tiện truyền thông tân tiến để thông tin, trong nỗ lực chống lại tội ác tại Việt Nam:

“Phương tiện truyền thông đại chúng cũng như những phương tiện kỹ thuật như internet giúp người ta dễ dàng thấy được nhiều những bất công xảy ra cho phụ nữ khắp nơi. Chúng tôi cũng mong rằng, sẽ có càng nhiều những tiếng nói như vậy hơn nữa, để xua tan đi những bóng đêm của sự đàn áp tại Việt Nam.”

Nhiều nơi trên thế giới công nhận ngày 8 tháng 3 hàng năm là Ngày Phụ nữ, kể cả Việt Nam. Tuy nhiên, cô Anh Trinh có lời nhận định như sau về 'Ngày Phụ nữ Việt Nam':

“Mặc dù nhà cầm quyền Việt Nam cũng có ngày 8 tháng 3 để vinh danh phụ nữ, nhưng đó chỉ là cái trò hình thức để mà che đậy tội ác của họ đối với phụ nữ Việt Nam. Họ đã tiếp tay, trực tiếp hoặc gián tiếp, đứng trong đám người vô liêm sỉ để mua bán phụ nữ Việt Nam.”

Tiến sĩ Minh Thi cũng có cùng quan điểm và cho rằng mọi người Việt phải góp phần xây dựng một xã hội công bằng, nhân bản:

“Chúng tôi phải cùng với đồng bào trong nước tranh đấu cho những giá trị nhân bản và nhân quyền được phục hồi, lên tiếng cho những người đang bị bịt miệng để mở ra một cơ hội mới, góp sức cùng nhau xây dựng lại một xã hội công bằng, dân chủ và nhân bản, văn minh và lành mạnh.”

VOA Express

XS
SM
MD
LG