Đường dẫn truy cập

Úc ban hành luật cấm cưỡng bách hôn nhân nhân Quốc tế Phụ nữ


Thủ tướng Australia Julia Gillard.
Thủ tướng Australia Julia Gillard.
please wait

No media source currently available

0:00 0:07:57 0:00
Tải xuống

Chính giới Australia kỷ niệm trọng thể Ngày Phụ Nữ Quốc Tế, thứ Sáu ngày 8 tháng 3, trong khi công chúng Úc châu tiếp tục đánh dấu ngày quan trọng này vào cuối tuần với nhiều cuộc diễn hành tại các thành phố lớn.

Đối với cộng đồng người Việt, ngày Phụ nữ Quốc tế còn trùng hợp với ngày lễ Hai Bà Trưng – được chọn là ngày Phụ nữ Việt Nam, không những để vinh danh hai vị anh thư nước Việt, mà còn để đánh dấu vai trò của phụ nữ Việt Nam trong tiến trình tranh đấu cho bình đẳng phái tính và đóng góp lớn lao vào sự phát triển của đất nước.

Ngày 8 tháng 3 năm 1911 được coi là ngày Phụ nữ Quốc tế đầu tiên khi nữ giới tại bốn nước Châu Âu biểu tình đòi hỏi cải thiện thân phận phụ nữ. Tuy nhiên trước đó, vào cuối thế kỷ thứ 19 và đầu thế kỷ thứ 20 tại New Zealand và Australia, vai trò của phụ nữ đã được cải thiện về một phương diện quan trọng – đó là quyền đầu phiếu. Phụ nữ New Zealand đã dẫn đầu thế giới khi tranh đấu được quyền đầu phiếu vào năm 1893, tiếp theo là phụ nữ tại tiểu bang Nam Úc vào năm 1984 và toàn thể liên bang Australia vào năm 1902.

Trên một thế kỷ đã trôi qua và tuy rằng Australia là quốc gia công nghệ đã phát triển, nhưng không phải vì thế mà giới phụ nữ Australia không tiếp tục tranh đấu cho vấn đề bình đẳng phái tính trong sinh hoạt kinh tế và đời sống hàng ngày.

Trong bài diễn văn đọc trước lễ Kỷ niệm ngày Phụ nữ Quốc tế tại Sydney, nữ Thủ tướng Julia Gillard đã nhấn mạnh rằng – trái với chính sách và qui định của luật pháp - lương bổng phụ nữ Úc, trong thực tế, vẫn còn 17% thấp hơn lương bổng đồng nghiệp nam giới cùng làm một việc; và thành phần phụ nữ hãy còn ít hơn rất nhiều trong những hội đồng quản trị công ty, mặc dầu tại Australia hiện nay, nhân số nữ sinh viên tốt nghiệp đại học cao hơn nam sinh viên. Bà Julia Gillard nói:

"Ngày Phụ nữ Quốc yế đã xảy ra 102 năm trước đây. Đây là một cuộc tranh đấu lâu đời, nhưng mức độ hành hung và xâm phạm phụ nữ hãy còn quá cao, khoảng cách phái tính hãy còn quá rộng, những viên chức cao cấp nữ giới hãy còn quá ít – nên chúng ta không thể tiếp tục kiên nhẫn được, và đây là lúc mà chúng ta phải tiến bước.”

Tuy vậy, nữ giới tại Australia không còn phải tranh đấu trong những lãnh vực thiết yếu khác như blogger Tạ Phong Tần của Việt Nam hay nữ sinh vị thành niên Malala Yousafzai tại Pakistan. Malala, một nữ sinh 15 tuổi, đã bị nhóm khủng bố Al-Qaeda/Taliban mưu toan giết hại, vì em cổ súy cho phong trào học vấn của con gái tại một số quốc gia Hồi giáo. Malala là người trẻ nhất thế giới được đề cử Giải Nobel Hòa Bình.

Blogger Tạ Phong Tần
Blogger Tạ Phong Tần
​Trong khi đó, bà Tạ Phong Tần là một trong số chín phụ nữ trên toàn thế giới, được Bộ Ngoại Giao Mỹ bình chọn cho giải Phụ nữ Can đảm để vinh danh sự cam đảm và khả năng lãnh đạo kiệt xuất trong việc tranh đấu cho tự do dân chủ và nhân quyền.

Ngoại trưởng Mỹ, ông John Kerry và đệ nhất phu nhân Michele Obama đã phải trao giải thưởng cho Bà Tạ Phong Tần trong sự vắng mặt của blogger nổi tiếng này, vì bà Tạ Phong Tần đang bị giam cầm trong một nhà tù Việt Nam.

Sinh năm 1968 tại Đồng bằng sông Cửu Long, bà Tạ Phong Tần, nguyên là một nữ công an đảng viên đảng Cộng sản, đã được công luận trong và ngoài nước biết đến rất nhiều như là một blogger qua trang mạng ‘Công Lý và Sự Thật.’ Hồi cuối năm ngoái 2012, bà bị tuyên án 10 năm tù trong vụ án xét xử ba thành viên Câu lạc bộ Nhà báo Tự do cùng với blogger Điếu Cày và AnhbaSaiGon Phan Thanh Hải về tội danh gọi là “tuyên truyền chống nhà nước.”

Đây là một ‘tội danh’ không hề và không thể có trong hệ thống luật pháp của một quốc gia tự do dân chủ như Australia.

Trong lĩnh vực xã hội, Australia vẫn chưa thoát được tình trạng bạc đãi nữ giới: đó là vấn đề bạo hành trong gia đình (domestic violence) và xâm phạm tiết hạnh phụ nữ như hiếp dâm, mặc dầu mức độ vi phạm này không trầm trọng như tại nhiều nước khác.

Tại Liên Bang Nga, mỗi năm có khoảng 14 ngàn phụ nữ bị sát hại bởi người phối ngẫu.

Tại Ấn Độ, hàng ngàn vụ án mạng đã xảy ra hàng năm cho nữ giới, vì vấn đề ‘của hồi môn’ (dowry), một tục lệ lỗi thời của thời phong kiến xa xưa. Và gần đây, hồi tháng 12 năm 2012, cũng tại Ấn Độ, vụ hiếp dâm tập thể và thảm sát một nữ sinh viên 23 tuổi đã gây chấn động và sỉ nhục cho cả nước Ấn Độ. Nạn nhân này chỉ được biết qua một danh xưng mà dân chúng Ấn Độ đã bày tỏ sự ngưỡng mộ – đó là Nirbhaya tức là ‘Dũng Cảm.”

Em Malala được xuất viện Queen Elizabeth hôm 4/1/2013
Em Malala được xuất viện Queen Elizabeth hôm 4/1/2013
Nữ Thủ tướng Julia Gillard đã nhắc đến Nirbhaya của Ấn Độ và Malala của Pakistan như là những tấm gương sáng trong việc tranh đấu cho bình đẳng phái tính của nữ giới trên thế giới. Sau khi nhắc lại là thế giới hãy còn 13 triệu phụ nữ bị cưỡng bức làm nô lệ, bà Gillard nói tiếp:

"Nhưng với tư cách nữ Thủ tướng đầu tiên của Australia, tôi muốn làm thêm nhiều việc. Đó là lý do chúng ta đã thông qua luật mới cấm đoán nô lệ, hoặc tình trạng tương tự như luật Nô lệ và Buôn người mà toàn quyền liên bang đã ký lệnh ban hành ngày hôm qua.”

Australia không những đã có nữ Thủ tướng mà Toàn quyền liên bang cũng là một phụ nữ, bà Quentin Bryce.

Luật liên bang vừa được ban hành qui định trừng phạt những cuộc hôn nhân cưỡng ép giả mạo (forced marriage), tương tự như tình trạng nô lệ tình dục không những đối với kẻ phạm pháp mà còn đối với những ai che chở sự phạm pháp này. Australia ít khi có tình trạng hôn nhân cưỡng ép, nhưng Australia là một quốc gia di dân và tình trạng hôn nhân cưỡng ép này vẫn còn xảy ra trong một số cộng đồng di dân và đất nước cội nguồn của họ.

Có lẽ Việt Nam cần có luật lệ tương tự để đối phó với một tình trạng xã hội tồi tệ hiện nay: đó là ‘kỹ nghệ’ tổ chức mua bán tập thể những ‘cô dâu’ lấy chồng Đại Hàn hoặc Đài Loan.

Cũng trong dịp này, bà Julia Gillard loan báo một biện pháp mới mà chính phủ Australia sẽ áp dụng:

"Và hôm nay, tôi hãnh diện loan báo rằng toàn chính phủ sẽ không mua những dịch vụ và hàng hóa sản xuất từ những công ty bị nhơ bẩn vì sử dụng nhân công nô lệ hoặc có liên hệ với giới buôn người bất cứ nơi nào trên thế giới.”


Trong ngày Phụ nữ Quốc tế, trong khi nữ Thủ tướng Julia Gillard làm việc với các nhóm phụ nữ tại Sydney, thì Lãnh tụ Liên đảng Đối lập Tony Abbott sinh hoạt với các nhóm phụ nữ tại Melbourne.

Dân biểu Tony Abbott nói rằng Australia vinh danh đóng góp của ½ nhân dân Úc Đại Lợi và tạo cơ hội để nữ giới thực hiện tiềm năng phong phú của mình. Ông nói rằng một chính phủ bảo thủ tương lai sẽ cải thiện cơ hội nghỉ hộ sản (parental leave) để quân bình sinh hoạt chức nghiệp và đời sống gia đình.

Nhân ngày Phụ nữ Quốc tế, Tổ chức Giáo dục Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc UNESCO cũng đã phát động chương trình ‘Tin Tức Phụ Nữ’ gọi là ‘Women Make the News’ để phát động thảo luận về sự thăng tiến phụ nữ toàn cầu qua phương tiện truyền thông đại chúng.

Tại Australia, các tổ chức phụ nữ trong cộng đồng người Việt tổ chức lễ Kỷ niệm Hai Bà Trưng trong tuần này như là một phần trong sinh hoạt ngày Phụ nữ Quốc tế năm 2013.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG