Đường dẫn truy cập

Cái giả thứ ba


Cái giả thứ ba
Cái giả thứ ba

Cách đây mấy tháng, báo chí trong nước phát hiện và làm ầm ĩ vụ hai cán bộ cấp tỉnh lấy tiền của chính phủ để mua bằng dỏm ở ngoại quốc: ông Nguyễn Ngọc Ân, giám đốc Sở Văn hoá – Thể thao – Du lịch tỉnh Phú Thọ và ông Nguyễn Văn Ngọc, phó bí thư tỉnh uỷ Yên Bái. Trong bài “Lại chuyện bằng giả và bằng dỏm” đăng trên blog này ngày 2 tháng 8, sau khi nêu lên kinh nghiệm ở Mỹ và Pakistan, tôi đặt vấn đề: không biết bao giờ chính phủ Việt Nam mới công khai mở cuộc điều tra về tệ nạn mua hoặc làm bằng giả và bằng dỏm trong hàng ngũ cán bộ để thứ nhất, loại trừ những kẻ gian dối trong guồng máy lãnh đạo và thứ hai, lấy lại niềm tin của dân chúng?

Thì bây giờ đọc báo đã thấy chính quyền Việt Nam ra tay. Tiếc, họ chỉ ra tay với tầng lớp cán bộ thấp nhất trong guồng máy hành chính và chính trị trong nước: cán bộ cấp xã và phần nào, cấp huyện. Nói “phần nào” vì báo chí nhấn mạnh: đó chỉ là một số cán bộ thuộc “phòng ban của huyện”. Tức là không phải các cán bộ lãnh đạo.

Theo tờ báo mạng Dân Trí ngày 17 tháng 8, huyện uỷ Bố Trạch tỉnh Quảng Bình đã quyết định cách chức bí thư Đảng uỷ xã Hưng Trạch đối với ông Lê Anh Đáng vì tội sửa bằng trung cấp chuyên nghiệp từ ngành “Quản lý kinh tế” thành “Quản lý kinh tế và kế toán” và sửa hạng tốt nghiệp từ “Trung bình” thành “Khá”.

Nhưng ồn ào hơn là đợt truy quét bằng giả ở đồng bằng sông Cửu Long.

Theo bài “Loạn cán bộ xài bằng giả” đăng trên báo Tuổi Trẻ ngày 17.8, bà Nguyễn Thị Thuận, trưởng phòng khảo thí Sở Giáo dục – Đào tạo thành phố Cần Thơ cho biết có hàng trăm cán bộ cấp xã và phòng ban cấp huyện thuộc các tỉnh Sóc Trăng, An Giang, Cần Thơ và thành phố Hồ Chí Minh sử dụng bằng tốt nghiệp phổ thông giả. Cũng theo bài báo, giá một cái bằng tốt nghiệp phổ thông giả là 9,5 triệu đồng (khoảng gần 500 đô Mỹ). Thượng tá Đặng Thị Bền, trưởng phòng Công an PA83 tỉnh Sóc Trăng cho con số trên 100 vụ cán bộ sử dụng bằng giả có thể còn thấp hơn nhiều so với thực tế. Trong bài “Đừng lạ khi nhiều cán bộ xài bằng giả” đăng trên Đất Việt ngày 23 tháng 8, Tuyết Trịnh cung cấp một số liệu cụ thể hơn: Riêng tỉnh Long An đã phát hiện 111 cán bộ sử dụng văn bằng hay giấy chứng nhận tốt nghiệp Trung học Phổ thông “không hợp lệ”. Con số văn bằng giả bị phát hiện này ở các tỉnh Sóc Trăng, An Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ và thành phố Hồ Chí Minh là 200, trong đó, riêng tỉnh Sóc Trăng chiếm hơn một nửa.

Tuy nhiên, vấn đề nghiêm trọng hơn là có một số cán bộ sau khi bị nghi vấn, đã làm công văn xác minh giả để khẳng định đó là bằng thật chứ không phải bằng giả! Giả phôi bằng. Giả con dấu. Giả chữ ký. Nói cách khác, theo nội dung bài báo trên Tuổi Trẻ, ở đây có đến hai lần giả: bằng giả và công văn xác minh giả.

Theo tôi, thật ra, không phải chỉ có hai lần giả. Mà là ba. Hai cái giả đầu thuộc các cán bộ được bài báo nhắc. Cái giả thứ ba, quan trọng hơn nhưng không được đề cập, thuộc về chính sách của nhà nước: muốn đánh lừa dư luận.

Hầu như bất cứ ai quan tâm đến tình hình Việt Nam đều nhận thức được, như giáo sư Hoàng Tuỵ từng nêu lên trong bài viết “Gian, dỏm chẳng phải chuyện nhỏ!”, những gì được báo chí phanh phui thời gian gần đây chỉ là “phần nổi của tảng băng” và những cái “gian” và “dỏm” ấy là những “con vi rút ẩn mình đang gây ra những căn bệnh hiểm nghèo tàn phá dữ dội cơ thể xã hội ta nếu không lo chữa chạy.”

Việc “chữa chạy” ấy phải là nhiệm vụ của nhà nước.

Ở các nước khác, mỗi khi có những sự việc như vậy xảy ra, nhà nước tung ra ngay những biện pháp quyết liệt và toàn diện nhằm điều tra và ngăn chận. Ở Việt Nam, ngược lại, đến nay, nhà nước hoàn toàn im lặng. Chỉ có một số địa phương ở đồng bằng sông Cửu Long khởi động. Nhưng đối tượng của họ lại chỉ dừng lại ở các “cán bộ cơ sở”, tức cán bộ cấp xã và một số thuộc “phòng ban” cấp huyện”.

Người ta không thể không tự hỏi: Tại sao không mở rộng quy mô điều tra đến các cán bộ lãnh đạo thuộc cấp huyện, cấp tỉnh hoặc thuộc trung ương? Ở các cấp đó không có vấn đề gì ư? Không phải. Hai vụ mua bẳng dỏm được báo chí phát hiện và gây ồn ào trong dư luận vừa rồi đều thuộc cán bộ nòng cốt cấp tỉnh cơ mà!

Khi cái bằng dỏm của ông Nguyễn Ngọc Ân bị vạch trần, trong một cuộc phỏng vấn, ông Ân cho biết có hơn chục cán bộ khác cũng tham gia vào trò mua bằng dỏm như ông. Đó hẳn phải là những cán bộ ngang cấp. Tại sao không có cơ quan nào điều tra xem đó là những người nào? Tại sao tất cả đều im lặng?

Người dân có quyền được biết bao nhiêu người sử dụng bằng giả và bằng dỏm trong thành phần lãnh đạo của hơn 60 tỉnh và thành phố trong nước. Rồi trong các bộ và các cục thuộc trung ương? Các uỷ viên Trung ương đảng thường khoe khoang là họ có bằng này bằng nọ: Trong số đó có bao nhiêu cái bằng là thực? Rồi phải nhìn sang cả Quốc Hội nữa: Liệu có đại biểu nào từng mua bằng giả hoặc bằng dỏm hay không?

Chính những đối tượng ấy mới là những kẻ cần thanh sát bởi sự gian dối của họ mới thực sự là một hiểm hoạ cho đất nước. Bởi ở đây không phải chỉ là một sự gian dối mà là một sự bất lương, nó giúp cho những kẻ bất tài được đứng vào những vị trí mà họ không đáng có. Khi sự bất tài kết hợp với bất lương, không những guồng máy nhà nước bị vô hiệu hoá mà đạo lý xã hội cũng bị đảo lộn, không ai còn phân biệt được thật và giả, đúng và sai nữa, thậm chí, cái thật và cái đúng có khi bị xem là dấu hiệu của sự ngu xuẩn, và bị gạt ra bên lề.

Nhưng cho đến nay, rõ ràng là nhà nước Việt Nam hoàn toàn tránh né việc điều tra giới lãnh đạo quan trọng trong chính quyền. Thay vào đó, họ tập trung vào một số cán bộ cấp xã và cấp huyện ở những tỉnh lẻ heo hút tận đồng bằng sông Cửu Long. Để chứng tỏ là họ quyết tâm bài trừ nạn bằng giả và “sạch hoá” hàng ngũ cán bộ. Nhưng đó chỉ là một âm mưu đánh lừa dư luận. Bằng cách biến bệnh ung thư thành ghẻ lở và thay thế việc chữa trị thực sự bằng mấy thứ cây cỏ ngắt từ sau vườn.

Đó chỉ là một động tác giả. Cái giả thứ ba.

Nếu việc làm bằng giả và sau đó, làm công văn giả để xác minh cái bằng giả ấy của một số cán bộ xã ở Sóc Trăng chỉ là một hành động dại dột thì động tác giả của nhà nước để đánh lạc hướng dư luận là một sự thâm độc. Hai cái giả đầu chỉ nhằm lừa dối các cơ quan liên hệ. Cái giả sau nhằm đánh lừa cả nước.

Mà không phải chỉ trong vụ bằng giả và bằng dỏm mới có những động tác giả như thế.

Như trong việc chống tham nhũng, chẳng hạn. Cũng đầy những động tác giả. Lâu lâu bắt, phạt và làm ầm ĩ về chuyện một cảnh sát giao thông nhận hối lộ ngoài đường, một cán bộ phường xã hay huyện nhận tiền lót tay. Làm ra vẻ đầy công tâm và quyết tâm. Nhưng với những kẻ tham nhũng cả hàng trăm ngàn hay hàng triệu, thậm chí hàng chục triệu đô Mỹ thì lại ngoảnh mặt làm lơ.

Làm lơ cho đến khi các công ty và chính phủ nước ngoài lên tiếng tố cáo (như vụ Huỳnh Ngọc Sỹ) hoặc có màn đấu đá giữa các phe phái trong nội bộ Bộ chính trị (như vụ Bùi Tiến Dũng và dự án PMU-18).

Khi làm lơ trở thành một quốc sách, không những chúng ta mà cả con cháu của chúng ta cũng đều trở thành nạn nhân. Và tương lai cũng sẽ bị cầm tù.

* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Nguyễn Hưng Quốc

    Nhà phê bình văn học, nguyên chủ bút tạp chí Việt (1998-2001) và đồng chủ bút tờ báo mạng Tiền Vệ (http://tienve.org). Hiện là chủ nhiệm Ban Việt Học tại trường Đại Học Victoria, Úc. Đã xuất bản trên mười cuốn sách về văn học Việt Nam.

Đường dẫn liên quan

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG