Đường dẫn truy cập

Cái cúi đầu của Thủ tướng Suga và tương lai quan hệ Việt-Nhật


Hình ảnh Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide cúi đầu tưởng niệm trước lăng của cố lãnh tụ Hồ Chí Minh ở Hà Nội gợi ra những nhận định về mối quan hệ tương lai giữa Nhật và Việt Nam dưới thời của người tiền nhiệm của Thủ tướng Shinzo Abe.
Hình ảnh Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide cúi đầu tưởng niệm trước lăng của cố lãnh tụ Hồ Chí Minh ở Hà Nội gợi ra những nhận định về mối quan hệ tương lai giữa Nhật và Việt Nam dưới thời của người tiền nhiệm của Thủ tướng Shinzo Abe.

Hình ảnh Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide cúi đầu trước vòng hoa đặt tại lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ ở Hà Nội trong chuyến thăm vừa qua của ông đang được nhiều người Việt chia sẻ trên mạng xã hội. Một cử chỉ “kính cẩn” của tân thủ tướng Nhật Bản đối với cố lãnh tụ cùng những người lính đã hy sinh của Việt Nam và một thoả thuận quốc phòng vừa đạt được giữa hai nước sẽ là những dấu hiệu gì cho một mối quan hệ Việt-Nhật đang ngày càng gắn kết hơn vì những lợi ích chung, đặc biệt trước các xung đột trên biển với Trung Quốc.

Tân Thủ tướng Nhật Bản vừa kết thúc chuyến thăm chính thức Việt Nam trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông sau khi nhậm chức. Ngoài việc gặp các nguyên thủ hàng đầu của Việt Nam – gồm Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Tổng bí thư-Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân – ông Suga còn tới thăm nhà sàn và ao cá của cố Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Ba Bình, Hà Nội. Nhưng hình ảnh được nhiều người Việt chú ý và chia sẻ nhiều nhất trên mạng xã hội là việc người đứng đầu chính phủ Nhật Bản viếng thăm lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và cúi rạp người trước vòng hoa đặt bên ngoài lăng cũng như tại Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ ngay gần quảng trường Ba Đình.

“Không chỉ nói ‘Tôi yêu Việt Nam’ bằng tiếng Việt, viện trợ khẩn cấp cứu trợ cho nước ta, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide hôm qua đã vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh,” một người dùng Facebook có tên Lê Hồng Phong viết trong một đăng tải trên trang cá nhân với tựa đề “Không chỉ là một cái cúi đầu”. Trước khi tới Hà Nội, ông Suga đã gửi lời thăm hỏi nhân dân miền Trung Việt Nam về thiệt hại do mua lũ gây ra trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Phúc hôm 12/10.

Trong khi một số người cho rằng đây là một hành động cúi chào thông thường của người Nhật, thì một số người khác nhận xét hành động này của ông Suga, người lên thay ông Shinzo Abe làm thủ tướng Nhật hôm 18/9, “đúng tác phong trang trọng của người Nhật” và “cúi gập người 90 độ, bày tỏ sự tôn trọng và yêu mến của mình đối với vị lãnh tụ của dân tộc Việt Nam.”

Bức ảnh (Thủ tướng) Yoshihide Suga bày tỏ lòng kính trọng với (cố Chủ tịch) Hồ Chí Minh đang là xu hướng trên mạng Facebook Việt Nam hôm nay. Điều này cho thấy Nhật có thể sẵn sàng đi xa đến đâu để cải thiện mối quan hệ của họ với Việt Nam.
Khang Vu, ứng viên tiến sỹ của Đại học Boston


Thủ tướng Nhật sau đó cũng có động tác tương tự khi đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ trên đường Bắc Sơn, cách không xa lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, theo những hình ảnh mà Thông Tấn Xã Việt Nam đưa tin về các hoạt động của ông Suga tại Hà Nội chiều ngày 19/10.

“Bức ảnh (Thủ tướng) Yoshihide Suga bày tỏ lòng kính trọng với (cố Chủ tịch) Hồ Chí Minh đang là xu hướng trên mạng Facebook Việt Nam hôm nay,” Khang Vu, một ứng viên Tiến sỹ về an ninh Đông Á và vũ khí hạt nhân tại Đại học Boston nhận định trên một đăng tải trên trang Twitter cá nhân hôm 20/10. “Điều này cho thấy Nhật có thể sẵn sàng đi xa đến đâu để cải thiện mối quan hệ của họ với Việt Nam.”

Theo Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp, thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS có trụ sở ở Singapore, việc ông Suga đặt vòng hoa trước Đài tưởng niệm liệt sỹ trước lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, là điều “quan trọng nhất” trong chuỗi hoạt động của tân thủ tướng Nhật trong ngày 19/10. Theo nhận định của TS Hợp, hành động này là “một biểu tượng quan trọng” vì nguyên thủ Nhật Bản đã cúi đầu trước vong linh “những người Việt Nam đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh chống xâm lượnc” mà trong lịch sử quân đội Nhật đã từng xâm lược và sau đó phải rút khỏi Việt Nam sau Chiến tranh Thế giới lần thứ 2.

Trong chuyến thăm Việt Nam năm 2017, Nhật Hoàng Akihito cùng Hoàng hậu Michiko cũng đã tới đặt vòng hoa và viếng lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, và theo TS Hợp đây cũng là cũng là một biểu tượng quan trọng đóng góp vào sự phát triển mối quan hệ giữa Nhật Bản và Việt Nam.

Mối quan hệ giữa hai quốc gia, mà theo đánh giá của các chuyên gia là cùng có chung những mối quan ngại về Trung Quốc và cùng chia sẻ sự ủng hộ đối với tầm nhìn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, đã phát triển mạnh trong những năm gần đây, kể từ khi ông Shinzo Abe lên nắm chức thủ tướng Nhật nhiệm kỳ 2 vào năm 2012.

“Ông Suga theo đường lối của ông Abe là phát triển mối quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng với Việt Nam với ưu tiên cao nhất là cùng nhau giữ cho được an ninh và hoà bình ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, mà bây giờ được gọi là Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương,” TS Hợp nói.

Ông Suga đã chọn Việt Nam là điểm đến trước Indonesia trong chuyến công du đầu tiên của ông ra nước ngoài 1 tháng sau khi nhận chức thủ tướng Nhật Bản và theo nhận định của nhiều chuyên gia quốc tế, điều này phá vỡ truyền thống trước đây của các tân thủ tướng Nhật khi họ đều đi thăm Mỹ nhằm khẳng định tầm quan trọng mối quan hệ với đồng minh thân cận nhất của họ.

Giải thích lý do vì sao chọn Việt Nam là điểm đến đầu tiên của mình, ông Suga nói với phóng viên sau cuộc hội đàm với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hôm 19/10 rằng “Việt Nam là địa điểm thích hợp nhất” để ông gửi một thông điệp lần đầu ra thế giới rằng “Nhật Bản là một quốc gia Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, và sẽ góp phần cho hoà bình và thịnh vượng ở khu vực.”

Trước đó, Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế CSIS của Mỹ ở Washington và các chuyên gia khu vực nhận định rằng việc ông Suga chọn Việt Nam, thay vì đi thăm Mỹ, là để củng cố sự ủng hộ của Nhật đối với Đông Nam Á và phản ánh mong muốn của Tokyo trong việc đối trọng với ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh trong khu vực.

Truyền thông Nhật Bản cho biết ông Suga gọi Việt Nam là một “nền tảng” trong nỗ lực hiện thực hoá chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở đồng thời cam kết Nhật sẽ tiếp tục đóng góp vào “hoà bình và thịnh vượng trong khu vực” khi nói chuyện với các phóng viên sau cuộc họp với Thủ tướng Phúc tại Hà Nội hôm 19/10.

Trong một hoàn cảnh mà hiện nay Bắc Kinh càng kiên quyết hung hăng ở Biển Đông c ũng như biển Hoa Đông thì việc tìm kiếm người bạn có cùng một chí hướng nhằm ngăn chặn những việc làm không đúng với luật phát quốc tế thì đây là một cơ hội và dịp tốt để Nhật Bản và Việt Nam có thể đến gần với nhau hơn để giữ được hoà bình trong khu vực.
TS Hà Hoàng Hợp, Viện nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS


Ông Suga và Thủ tướng Phúc đã đạt được một thoả thuận về chuyển giao thiết bị quốc phòng trong chuyến công du vừa qua. Đây được coi là một bước phát triển lớn trong sự hợp tác an ninh quốc phòng giữa hai nước trong khi truyền thông Trung Quốc cho rằng thoả thuận này là “nhắm vào Trung Quốc và đưa ra tính hiệu về sự trợ giúp của Nhật Bản đối với Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ”.

Theo đánh giá của các chuyên gia quốc tế, những rủi ro và thách thức chung khi phải sống dưới cái bóng của Trung Quốc đã khiến Nhật Bản và Việt Nam tăng cường các mối quan hệ của họ. Đối với Hà Nội, Tokyo cung cấp một sự đối trọng với quyền lực ngày càng tăng của Bắc Kinh thông qua hợp tác an ninh, kinh tế và viện trợ phát triển. Còn đối với Nhật, một Việt Nam mạnh mẽ hơn sẽ giúp chống lại sự thống trị của Trung Quốc trên Biển Đông, do đó giảm bớt áp lực của Bắc Kinh đối với Nhật Bản ở biển Hoa Đông.

Trong các cuộc gặp với ông Phúc và ông Trọng, ông Suga đã nhắc tới vấn đề Biển Đông và nhất trí với các lãnh đạo cao nhất của Việt Nam “thắt chặt hợp tác trước những thách thức trong khu vực bao gồm cả vấn đề Biển Đông.”

Tăng cường hợp tác quốc phòng được coi là “điểm mấu chốt” trong chuyến thăm của ông Suga tới Việt Nam, chỉ vài ngày sau khi ba tàu Lực lượng Tự vệ trên biển của Nhật Bản cập cảng Cam Ranh, nơi từng là căn cứ hải quân của Mỹ trong Chiến tranh Việt Nam.

Sau khi Thủ tướng Abe, người có nhiều nỗ lực tăng cường sự hiện diện của Nhật Bản trong khu vực và mở rộng quan hệ với các quốc gia Đông Nam Á đặc biệt là Việt Nam, bất ngờ từ chức vì lý do sức khoẻ vào tháng trước, nhiều người đã lo ngại về phương hướng trong mối quan hệ giữa Nhật Bản với Việt Nam, đặc biệt nở rộ từ chính sách “hướng Nam” của ông Abe. Trong thời gian ông Abe nắm quyền, hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam và Nhật Bản bắt đầu phát triển vào năm 2015 khi ông Abe sửa điều 17 Hiến pháp để cho phép nền quốc phòng của Nhật phát triển đầy đủ. Với chính sách đó, Việt Nam đã trở thành quốc gia nhận tín dụng quốc phòng của cường quốc lớn thứ 3 trên thế giới.

Nhưng TS Hợp cho rằng ông Suga sẽ “theo đuổi chính sách của ông Abe” và thậm chí “sẽ mạnh mẽ hơn với Bắc Kinh.” Theo nhà nghiên cứu chính trị này, có những lý do để tin rằng quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản sẽ tiếp tục theo chiều hướng đi lên.

“Trong một hoàn cảnh mà hiện nay Bắc Kinh càng kiên quyết hung hăng ở Biển Đông c ũng như biển Hoa Đông thì việc tìm kiếm người bạn có cùng một chí hướng nhằm ngăn chặn những việc làm không đúng với luật phát quốc tế thì đây là một cơ hội và dịp tốt để Nhật Bản và Việt Nam có thể đến gần với nhau hơn để giữ được hoà bình trong khu vực.”

Theo TTXVN, chuyến thăm của Thủ tướng Suga tới Việt Nam "kết thúc tốt đẹp" với việc "hai bên tái khẳng định tầm quan trọng của bảo đảm hòa bình, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không, thượng tôn pháp luật tại Biển Đông, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 trong các hoạt động trên biển." Trong chuyến thăm này, vẫn theo TTXVN, Việt Nam và Nhật Bản "nhất trí cùng nhau phối hợp chặt chẽ đưa quan hệ Việt Nam – Nhật Bản lên tầm cao mới."

VOA Express

XS
SM
MD
LG