Đường dẫn truy cập

HRW kêu gọi Thủ tướng Nhật ‘đề cao nhân quyền’ khi thăm Việt Nam


Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga (phải) gặp Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tại Hà Nội vào ngày 19/10/2020.
Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga (phải) gặp Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tại Hà Nội vào ngày 19/10/2020.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) hôm 18/10 kêu gọi Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga “gây sức ép” với chính phủ Việt Nam trong chuyến công du đầu tiên của ông tới đây để Hà Nội “cải thiện hồ sơ nhân quyền”.

Thủ tướng Suga chính thức thăm Việt Nam kể từ ngày 19/10. Nghị trình làm việc của ông được cho biết sẽ xoay quanh hai lĩnh vực chính là hợp tác về kinh tế và quốc phòng. Truyền thông Nhật Bản nói Thủ tướng Suga dự kiến sẽ thúc đẩy các nỗ lực nhằm đạt được một “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở” nhằm chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.

Trước đó, vào ngày 16/10, tổ chức Theo dõi Nhân quyền có trụ sở ở New York, Mỹ, gửi một văn thư kêu gọi ông Suga “nêu quan ngại về tình trạng vi phạm các quyền dân sự và chính trị lan rộng khắp Việt Nam, trong đó có quyền tự do biểu đạt, nhóm họp ôn hòa và tự do đi lại” trong các cuộc gặp công khai cũng như riêng tư với các đối tác tại Việt Nam.

Văn thư của HRW nói Việt Nam là một trong những quốc gia có số tù nhân chính trị nhiều nhất Đông Nam Á, với hơn 130 tù nhân, trong đó có nhà báo – blogger Phạm Chí Dũng, nhà báo Nguyễn Tường Thuỵ, gia đình bà Cấn Thị Thêu và nhiều người khác.

Tổ chức nhân quyền quốc tế kêu gọi Thủ tướng Nhật lên tiếng thúc giục Việt Nam trả tự do cho tất cả các tù nhân chính trị và những người bị giam giữ vì đã thực hiện các quyền cơ bản của họ về tự do ngôn luận, lập hội, hội họp ôn hòa hoặc tôn giáo và tín ngưỡng, đồng thời sửa đổi bộ Luật Hình sự và Luật An ninh mạng để người dân được tự do thực hành các quyền dân chủ của mình mà không gặp nguy hiểm.

“Nhật Bản cần sử dụng đòn bẩy đáng kể với vị thế là nhà tài trợ lớn cho chính phủ Việt Nam và Indonesia để gây sức ép với cả hai quốc gia này nhằm chấm dứt vi phạm nhân quyền,” ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Ban Á châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, nói trong thông cáo hôm 18/10.

Theo đại diện của HRW, Thủ tướng Suga nên đặt vấn đề nhân quyền làm nền tảng trong chính sách ngoại giao của Nhật Bản, một điều mà ông Robertson nói rằng các vị tiền nhiệm của ông Suga “chưa từng làm được”.

Theo quan sát của VOA Việt Ngữ, các thông tin về chuyến thăm đăng trên trên Cổng thông tin điện tử của chính phủ cũng như báo chí Việt Nam không nhắc tới nhân quyền. Chưa rõ vấn đề này có được nêu trong các cuộc gặp riêng giữa ông Suga và các quan chức nước chủ nhà hay không.

Cộng đồng người Việt tại Nhật hôm 16/10 cũng đã gửi thỉnh nguyện thư tới Thủ tướng Suga, trong đó có đoạn kêu gọi nhà lãnh đạo này “mạnh dạn trình bày quan điểm của Nhật Bản rằng Việt Nam cần phải tăng cường cải thiện và giải quyết từ gốc rễ vấn đề nhân quyền”.

Hồi tháng Ba năm nay, khi đáp lại báo cáo nhân quyền của Mỹ, trong đó nói rằng Việt Nam “can thiệp đáng kể vào quyền tự do hội họp hòa bình [ôn hòa] và tự do lập hội”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nói rằng “tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người là chủ trương nhất quán” của chính quyền Hà Nội.

VOA Express

XS
SM
MD
LG