Các cuộc chiến tại Syria và Iraq đã đẩy số đơn xin tị nạn tại các nước công nghiệp hóa lên tới mức cao nhất từ 22 năm nay. Cơ quan tị nạn Liên Hiệp Quốc nhận thấy số đơn xin tị nạn trong năm 2014 tăng vọt so với năm trước đó. Từ trụ sở Cao Ủy tị nạn Liên Hiệp Quốc ở Geneva, thông tín viên Lisa Schlein gửi về bài tường thuật cho đài VOA.
Bản phúc trình về Xu hướng tị nạn năm 2014 của Cao ủy tị nạn Liên Hiệp Quốc UNHCR ước tính có 866.000 đơn xin tị nạn mới được nộp tại 44 trong số các nước giàu nhất thế giới. Con số này tăng 45% so với năm 2013. Cơ quan LHQ nói con số năm 2014 là con số cao nhất kể từ năm 1992, khi cuộc chiến ở Bosnia-Herzegovina buộc hàng trăm ngàn người bỏ nhà cửa đi lánh nạn.
Bản phúc trình nhận thấy gần 150.000 đơn xin, tức là cứ 1 trong 5 đơn xin tị nạn ở thế giới công nghiệp, là của người Syria, khiến nhóm người này trở thành nhóm xin tị nạn lớn nhất trong năm ngoái. Bản phúc trình nói người Iraq là nhóm người lớn thứ nhì, tiếp theo là Afghanistan, Serbia và Eritrea.
Các số liệu cho thấy Đức là nước nhận nhiều đơn nhất, với 173.000 đơn, 1/4 số đơn là của người Syria. Xếp hạng thứ hai là Hoa Kỳ với hơn 120.000 đơn xin tị nạn, phần lớn là từ Mexico và những nước ở Trung Mỹ.
Thổ Nhĩ Kỳ, Thụy Điển, và Italia nằm trong số còn lại của danh sách 5 nước đứng đầu về số đơn xin tị nạn.
Nữ phát ngôn viên của UNHCR Melissa Fleming cho biết Italia ghi nhận 63.700 đơn xin mới trong năm 2014, là mức cao kỷ lục. Bà nói những người xin tị nạn chủ yếu là từ Mali, Nigeria và Gambia.
Bà Fleming nói: “Phần lớn những thuyền nhân vượt Địa Trung Hải đều đến Italia. Nhưng, phần lớn những người đến được đất liền không ở lại Italia, mà đi tiếp đến các nước khác của châu Âu. Vì thế, dường như những người ở lại chủ yếu là từ 3 nước Phi châu mà tôi vừa kể. Những nhóm người lớn nhất là người Syria và Eritrea. Họ chiếm trên 50% số người đến bằng tàu thuyền. Thực ra họ còn đi tiếp, đại đa số đi tiếp đến các nước khác.”
Liên bang Nga không nằm trong bản phúc trình này. Nhưng UNHCR cho biết điều đáng chú ý là Nga nhận khoảng 265.400 đơn xin tị nạn tạm thời và 5800 đơn xin hưởng quy chế tị nạn của người Ukraine trong năm 2014.
Bà Fleming nói với đài VOA rằng những nước khác nên bắt chước sự hào phóng mà Đức và Thụy Điển đã chứng tỏ, nhất là đối với những người Syria xin tị nạn đang đè một gánh nặng lớn lên các nước láng giềng.
Bà Fleming cho biết: “Chúng ta có 3 triệu 900.000 người Syria tị nạn, nhiều người thường tin tưởng rằng cuộc chiến tranh này sẽ chấm dứt, rằng tình trạng của họ chỉ là tạm thời, rằng những lều trại chỉ là tạm thời, rằng con nhỏ của họ đang phải nghỉ học 1 hay 2 năm cũng chỉ là tạm thời, và họ sẽ trở về nước và xây dựng lại cuộc sống. Điều chúng ta đang thấy hiện nay là một xu hướng tiến đến sự vô vọng… Đây là lý do vì sao chúng ta thấy, và tin rằng con số người Syria vượt Địa Trung Hải để đến châu Âu ngày càng tăng.”
Trong khi các nước công nghiệp hóa chứng kiến số đơn xin tị nạn tăng cao trong năm ngoái, một số nước ghi nhận một sự sụt giảm, nổi bật nhất là Australia. Bản phúc trình cho biết con số ở Australia sụt 24 phần trăm, từ 11.700 trong năm 2013, xuống dưới mức 9.000 trong năm 2014.