Đường dẫn truy cập

Chuyện các IGs giám sát nội bộ và nhân viên hợp đồng làm ăn với chính phủ


Ông Daniel Levinson (ngoài cùng bên phải), tổng thanh tra của Bộ Y tế và Nhân dụng khổng lồ
Ông Daniel Levinson (ngoài cùng bên phải), tổng thanh tra của Bộ Y tế và Nhân dụng khổng lồ
Chính phủ Hoa Kỳ có một hệ thống vận hành giám sát hành động của các bộ và cơ quan, và cũng theo dõi các công ty thuộc khu vực tư nhân có hợp đồng với chính phủ. Mục đích là để chống tham nhũng, và làm cho các chương trình của chính phủ có hiệu năng và đạt được nhiều hiệu quả hơn.

Ông Daniel Levinson, tổng thanh tra của Bộ Y tế và Nhân dụng (HHS) khổng lồ, giám sát từng xu trong khoản tiền 940 tỷ đôla dành cho ngân sách của HHS.

Văn phòng của ông đặt ở bên trong HHS, nhưng rút cục ông làm việc cho Quốc hội và cho nhân dân Mỹ.

Ông và các đối tác tổng thanh tra ở mọi bộ của chính phủ Hoa Kỳ làm công tác truy lùng tham nhũng – và cũng kiểm tra xem các chương trình dành cho công chúng, cũng như các hoạt động nội bộ được điều hành như thế nào.

Ông Levinson nói: “Chúng tôi kiểm toán số tiền đi qua bộ. Chúng tôi điều tra mọi việc làm sai trái có thể phát hiện được nhờ sự cứu xét các số liệu đó, để xem liệu có thể có sự dính líu nào của hành vi tội phạm hay không, và nếu có, để truy tố những kẻ can dự vào hoạt động đó. Và thứ ba, chúng tôi xem xét liệu chúng tôi có thể cải thiện các chương trình, trong khi vận hành, và thông cáo cho cộng đồng cung ứng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe về việc làm thế nào để cung cấp các dịch vụ một cách tốt hơn.

Với hàng tỷ đôla tiền thuế của dân chúng Hoa Kỳ dành vào các chương trình chăm sóc sức khỏe, khả năng gian lận và tham nhũng thật là to lớn. Ông Levinson báo cáo rằng trong 5 năm vừa qua, các cuộc kiểm toán và điều tra của ông đã đưa đến gần 3.800 vụ cáo buộc tội phạm, gần hai ngàn vụ giải quyết dân sự, và thu hồi được 23,5 tỷ đôla.

Các vị tổng thanh tra, còn gọi tắt là IG được Tổng thống bổ nhiệm, và chịu trách nhiệm trước Quốc hội về các hoạt động của bộ hay cơ quan của mình. Họ cũng báo cáo cho các vị bộ trưởng hay trưởng cơ quan trong các lãnh vực công tác, nhưng không thuộc quyền các giới chức này.

Duy trì sự độc lập về quyền hạn đó là điều cấp thiết, theo nhận định của ông Michael Smallberg, thuộc tổ chức theo dõi hoạt động của chính phủ có tên là “Project on Government Oversight” tạm gọi là “Dự án Giám sát Chính phủ.”

Ông Smallberg nhận định: “Chúng tôi nghĩ rằng điều lý tưởng là phải có một mối quan hệ đối kháng giữa tổng thanh tra và trưởng cơ quan. Không phải đối nghịch nhau, không công khai chống đối nhau, nhưng phải có một khoảng cách lành mạnh giữa hai bên.”

Một thí dụ sống động của sự phân biệt đó diễn ra khi Quốc hội, đáp lại vụ khủng hoảng tài chính năm 2008, đã thành lập Chương trình Cứu nguy Tài sản có vấn đề, còn gọi tắt là TARP. Vị tổng thanh tra giám sát TARP, ông Neil Barofski, đã công khai chỉ trích Bộ trưởng Tài chính Tim Geithner, và nói rằng việc thực thi chương trình là thiên vị Wall Street thay vì dân chúng.

Ông Barofski nói: “Cách duy nhất mà TARP được thông qua, cách duy nhất chương trình này có được đủ số phiếu ở Quốc hội để trở thành luật, là những lời hứa hẹn của Bộ tài chính và Tổng thống rằng đây sẽ là một chương trình không những chỉ giúp các ngân hàng lớn, mà còn giúp cho những sở hữu chủ nhà cửa đang gặp khó khăn. Khi Tổng thống Obama thông báo điều ông sắp làm, ông nói có tới bốn triệu người sẽ được ở lại trong căn nhà của mình nhờ chương trình này. Và đó là một thất bại hoàn toàn.”

Trong khi chương trình TARP cuối cùng cũng đem lại sự trợ giúp phần nào cho những người sở hữu nhà, ông Barofski cho rằng chương trình này chưa hề hoàn thành những lời hứa hẹn với Quốc hội. Các cuộc đấu tranh giữa ông và Bộ trưởng Geithner đã khiến ông phải từ chức vào tháng 3 năm 2011, nhưng chức vụ này vẫn còn - với một vị Tổng thanh tra mới.

VOA Express

XS
SM
MD
LG