Không khí ở thành phố của bạn tệ tới mức nào? Sứ quán Mỹ có lẽ sẽ trả lời cho câu hỏi đó trong nay mai. Theo tường thuật của thông tín viên Steve Baragona của đài VOA, Bộ Ngoại giao Mỹ định lắp đặt các thiết bị theo dõi chất lượng không khí tại các cơ sở ngoại giao và sẽ công bố các dữ liệu đó, với mục đích cung cấp những thông tin quan trọng cho nhân viên chính phủ Mỹ ở nước ngoài cũng như giúp cho dân chúng địa phương thực hiện những quyết định có ảnh hưởng tới sức khỏe của họ.
Các sứ quán ở Ấn Độ, Việt Nam và Mông Cổ sẽ là các sứ quán đầu tiên theo dõi và công bố các dữ liệu về chất lượng không khí.
Người đứng đầu Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ, bà Gina McCarthy, cho biết như thế tại một buổi lễ ở Washington hôm thứ tư để loan báo về chương trình mới.
"Những thông tin đó hết sức quan trọng. Có những người lớn tuổi không nên ra khỏi nhà để đi bộ trong những ngày nào đó. Nó đe dọa tới khả năng hô hấp của họ. Nó đe dọa tới khả năng tự bảo vệ của họ nếu họ có những vấn đề về tim mạch. Họ muốn biết chất lượng không khí ngoài trời như thế nào."
Ông Joshua Apte, giáo sư môn kỹ sư môi trường của Đại học Texas ở Austin, cho biết những thông tin đó thường là không có ở nhiều nơi trên thế giới.
Ông Apte không dính líu tới loan báo hôm thứ tư. Nhưng ông cho biết như sau khi đề cập tới một hệ thống qui mô lớn để theo dõi phẩm chất không khí toàn cầu.
"Có gần 2,000 trạm theo dõi ở Trung Quốc được nối mạng nhưng chỉ có khoảng 30 trạm ở Ấn Độ, là nước có một số dân tương đương và có những vấn đề ô nhiễm tương tự như vậy."
Giáo sư Apte nói rằng trên toàn lục địa Phi Châu chỉ có một vài thành phố có trạm theo dõi chất lượng không khí.
Tại buổi lễ ở Washington, Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry nói rằng việc biết được chất lượng không khí là một việc rất quan trọng. Ông cho biết sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh cách nay vài năm đã bắt đầu công bố những dữ liệu về chất lượng không khí. Các kết quả cho thấy không khí ở thủ đô của Trung Quốc thường là không thỏa mãn các tiêu chuẩn an toàn về sức khỏe.
"Chuyện đó không dễ dàng. Nước chủ nhà không thích chuyện đó. Nhưng chúng tôi đã làm."
Các giới chức chính phủ Trung Quốc trước đây cảm thấy tức giận đối với hành động của Mỹ. Nhưng Ngoại trưởng Kerry nói rằng những dữ liệu công khai đó đã góp phần mang lại một sự thay đổi thái độ.
"Tháng 3 năm ngoái, Thủ tướng Lý Khắc Cường “tuyên chiến”, đó là nguyên văn của ông ấy, với nạn ô nhiễm. Vị thị trưởng của thành phố Bắc Kinh, ông Vương An Thuận, đã nói đúng khi ông cho rằng đây là “một vấn đề sinh tử.” Và năm 2014, Quốc hội Trung Quốc đã cập nhất hóa bộ luật về bảo vệ môi trường lần đầu tiên trong vòng 25 năm."
Giám đốc Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ, bà Gina McCarthy, cho biết cách nay không lâu nạn ô nhiễm không khí đã hoành hành ở nhiều thành phố của Mỹ, và quốc gia này vẫn còn chật vật để đối phó với vấn đề này. Nhưng bà nói thêm rằng Hoa Kỳ sẵn sàng chia sẻ những bài học để giúp cho các thành phố trên thế giới làm sạch bầu không khí.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, ô nhiễm không khí ngoài trời giết chết 3 triệu 700 ngàn người trên thế giới trong năm 2012.