Chính phủ Lào đã gặp phải sự chỉ trích kịch liệt của các chính phủ trong khu vực và các nhà bảo vệ môi trường vì làm ngơ những mối quan tâm của họ và xúc tiến kế hoạch xây thêm một đập thủy điện trên sông Mekong. Các cộng đồng địa phương chia sẻ những mối quan tâm đó, nhưng không phải mọi người ai nấy đều chống đối dự án xây đập Don Sahong.
Tại các cộng đồng bị cô lập trong vùng Bốn Ngàn Đảo trên sông Mekong ở miền nam nước Lào, câu chuyện về dự án 600 triệu đô la để xây đập Don Sahong đã tạo ra nhiều sự hứng thú trong một khu vực hẻo lánh thường được gắn liền với những chuyến du hành mạo hiểm.
Việc chính phủ định xây một con đập trên dòng chảy chính của con sông và một nhà máy thủy điện có công suất 260 megawatt đã làm nhiều người đua nhau xây dựng những cơ sở sẽ lệ thuộc nhiều vào một nguồn cung ứng điện ổn định và một hệ thống cấp nước được nâng cấp. Trong vài năm qua, giá đất ở đây đã tăng gần gấp đôi vì nhiều người rủ nhau tới đầu tư.
Một số cư dân địa phương phản đối dự án này. Những người khác thì cho rằng đập thủy điện sẽ cải thiện cuộc sống của họ và họ đã được chính quyền hứa hẹn bồi thường nếu phải di dời.
Tuy nhiên, như ký giả du lịch Anna Fenton đã ghi nhận trong một chuyến viếng thăm hồi gần đây, trở ngại lớn nhất vẫn là sự thiếu thốn thông tin về con đập và tác động của nó đối với nguồn cá và môi trường xung quanh. Bà nói:
"Vấn đề chính dường như là người dân địa phương có vẻ như không biết rõ về con đập. Một số người nói với tôi là họ nghĩ rằng nó chỉ bao gồm Thác Khone, một khu vực tương đối tách biệt. Những người khác dường như nghĩ rằng nó bao gồm cả vùng Bốn Ngàn Đảo, là nơi rộng nhất của sông Mekong. Chừng nào mà vấn đề đó còn chưa được làm rõ thì chừng đó chúng ta vẫn còn rất khó để nói là con đập này có ý nghĩa như thế nào."
Phổ biến thông điệp đó cho công chúng là một việc khó khăn.
Tại Lào, việc chỉ trích đảng Cộng sản đương quyền là một việc không được chấp nhận. Những người phản đối dự án xây đập nói rằng những ý kiến phản biện đã đàn áp thêm nữa cách nay hai năm, khi ông Sombath Somphone, một nhà hoạt động cho quyền đất đai được nhiều người biết tiếng, bị mất tích sau khi bị cảnh sát chặn xe.
Một nhóm các nước Tây phương và các tổ chức bảo vệ môi trường, có tên Thân hữu Sông Mekong, đã hối thúc chính phủ Lào hoãn lại quyết định khởi công để chờ nghiên cứu thêm. Tại một hội nghị mới đây ở Pakse, gần Don Sahong, tổ chức này nói rằng tiến trình tham vấn sáu tháng mới kết thúc hồi gần đây là không thỏa đáng.
Ông Tek Vannara của Diễn đàn NGO ở Campuchia nói rằng tại một nước mà đảng Cộng sản nắm giữ độc quyền cai trị như nước Lào, sự thiếu thốn việc tham khảo ý kiến là một việc tất nhiên. Mặc dù vậy, vì con đập có những tác động rộng lớn hơn nhiều, cho nên các chính phủ Campuchia và Việt Nam, các tổ chức xã hội dân sự và những người Lào ở nước ngoài đã đồng loạt lên tiếng đòi hỏi là phải có những cuộc nghiên cứu đầy đủ hơn trước khi xúc tiến dự án. Ông Vannara cho biết:
"Đối với người dân nước Lào, vì tình hình chính trị nên họ không thể lên tiếng bày tỏ sự quan tâm của mình, nhưng trên trường quốc tế chúng tôi cũng liên kết với những người Lào sinh sống ở nước ngoài và đa số những người này không tán đồng dự án Don Sahong."
Ông Vannara cũng nói rằng 60 triệu người trực tiếp lệ thuộc vào sông Mekong và 300 triệu người sinh sống ở lưu vực của sông này có quyền quan tâm tới vấn đề nguồn cá và sự thay đổi có thể có đối với mô thức thiên di và đẻ trứng của các loại cá.
Ở ngay mạn bắc thị trấn Don Det, sông Mekong chia ra thành nhiều kênh chính và những hòn đảo. Kênh giữa hai đảo Don Sadam và Don Sahong, nơi con đập được xây, có lẽ là kênh sâu nhất. Và các nhà khoa học nói rằng kênh này là tuyến đường duy nhất cho các loài cá thiên di trong mùa khô.
Ông Vannara cho biết còn có những mối quan tâm về loài cá heo Irrawaddy có nguy cơ bị tuyệt chủng:
"Tôi nghĩ rằng con đập trên dòng chính sẽ ảnh hưởng tới cá heo, nhất là cá heo ở Stung Treng ở biên giới Miên-Lào, và cũng ảnh hưởng tới cá heo ở Kratie, vì chất lượng nước trong thời gian xây đập; và trong tương lai, sự giao động của mực nước sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới những con cá heo."
Các nhà khoa học độc lập cũng muốn biết chi tiết của một kế hoạch nhằm khơi sâu một kênh ở kế bên để tạo ra một tuyến thay thế cho cá thiên di. Ông Peter Degen, cố vấn kỹ thuật của Ủy ban Sông Mekong, nói rằng quyết định xây đập có tính chất chính trị và công việc của ông chỉ giới hạn trong việc trợ giúp kỹ thuật. Nhưng ông nói thêm rằng công ty thực hiện dự án phải cung cấp thêm thông tin chi tiết về dự án này:
"Có những đánh giá môi trường và đánh giá tác động xã hội, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề cần phải giải quyết để có thể cải thiện thiết kế trong trường hợp họ muốn xúc tiến dự án."
Chính phủ ở Vientiane chưa phúc đáp lời kêu gọi mới nhất đòi họ hoãn lại. Nhưng họ nhất mực cho rằng họ có quyền xúc tiến dự án Don Sahong sau khi tiến trình tham vấn sáu tháng đã hoàn tất. Họ cũng cho biết họ hài lòng với những sự bảo đảm mà họ nhận được từ First Corporation Berhad Malaysia, công ty thực hiện dự án.