Trong lúc các nhà lãnh đạo thế giới nhóm họp tại Paris để cố gắng định ra một phản ứng chung trước mối đe dọa của những phần tử chủ chiến Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Syria, có sự căng thẳng âm ỉ về những chính sách khác nhau trong việc trả tiền chuộc. Trong tháng vừa qua, nhóm chủ chiến này đã chặt đầu hai người Mỹ và một người Anh. Cả hai nước đều từ chối trả tiền chuộc và hiện không rõ một số nước châu Âu khác giải quyết vấn đề này ra sao.
Trong video mới nhất của nhóm chủ chiến Nhà nước Hồi giáo ở Syria đăng lên Internet hôm Chủ nhật, một con tin người Anh – Alan Henning - bị đe dọa sẽ bị chặt đầu. Trước đó không lâu, chính video này chiếu cảnh hành quyết David Haines, cũng là công tác viên cứu trợ người Anh.
Diễn biến ảm đạm này làm nền cho hội nghị An ninh Iraq tại Paris hôm thứ Hai. Trong một cuộc phỏng vấn, Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Laurent Fabius được yêu cầu đáp lại những tuyên bố nói rằng Pháp có trả tiền chuộc cho các tổ chức khủng bố.
Ông Fabius phủ nhận những lời cáo buộc Pháp đã trả tiền chuộc. Ông nói thêm ông có thể xác nhận rằng Pháp không trả tiền chuộc.
Nhưng các nhà phân tích nói rằng bằng chứng lại cho thấy khác. Truyền thông Pháp nói nhà nước đã trả 34 triệu USD tiền chuộc để đổi lấy việc phóng thích bốn con tin người Pháp bị bắt cóc ở Niger hồi năm 2010 bởi nhóm al-Qaeda ở Vùng Maghreb Hồi giáo. Ông Ian Bond, Giám đốc Chính sách Đối ngoại tại Trung tâm Cải cách châu Âu, cho biết:
"Những gì chúng ta đã thấy với nhóm al-Qaeda ở Vùng Maghreb Hồi giáo là họ đã làm ăn rất tốt bằng cách bắt cóc khách du lịch phương Tây ở những nơi như Niger và Mali và sau đó lấy tiền chuộc từ các chính phủ ở châu Âu. Đó là một hiện tượng rất tiêu cực."
Trong thực tế, hầu hết các nước phương Tây đều từng trả tiền chuộc, theo ông Thomas Hegghammer của Tổ chức Nghiên cứu Quốc phòng Na Uy ở Oslo.
"Không có nước nào là vô tội cả. Nhưng tôi nghĩ rằng giờ thì rõ là một số nước châu Âu vẫn làm điều đó nhiều hơn."
Nạn nhân mới nhất của nhóm Nhà nước Hồi giáo, David Haines người Anh, bị bắt giữ cùng với một đồng nghiệp người Italia - người đã được phóng thích hồi đầu năm nay. Tin tức nói rằng một khoản tiền chuộc đã được trả mặc dù chính phủ Italia không bình luận gì. Chính phủ Anh nói họ sẽ tiếp tục từ chối trả tiền chuộc. Ông Andrew Silke, Giám đốc ngành Nghiên cứu Khủng bố tại Đại học East London, nói:
"Thái độ của Vương quốc Anh về vấn đề này là, nếu họ trả tiền chuộc thì họ đơn giản chỉ sẽ khuyến khích các nhóm khủng bố trên toàn thế giới bắt công dân Anh bắt làm con tin, và khiến thêm nhiều sinh mạng người dân gặp nguy hiểm."
Mỹ nói rằng họ cũng từ chối trả tiền chuộc. Tháng trước, nhà báo Mỹ James Foley bị chặt đầu sau khi bị những kẻ chủ chiến ở Syria bắt giữ. Tòa báo GlobalPost nơi anh làm việc cho biết nhóm Nhà nước Hồi giáo đòi 132 triệu USD mới thả Foley. Vài ngày sau đó, nhà báo đồng nghiệp người Mỹ Steven Sotloff cũng chịu chung số phận. Bà Hannah Stuart, một nhà phân tích khủng bố tại viện nghiên cứu Hội Henry Jackson ở London, cho biết:
"Lý tưởng nhất là có được một sự đồng thuận quốc tế, có lẽ là những nền dân chủ tự do phương Tây, những đối tượng của hoạt động bắt cóc con tin, có thể đồng ý không trả tiền chuộc. Nhưng lại gặp phải vấn đề chủ quyền và không thể bảo các chính phủ khác phải làm thế nào để bảo vệ công dân của họ một cách tốt nhất."
Một ước tính năm 2012 của Bộ Tài chính Mỹ cho rằng các tổ chức khủng bố đã thu được khoảng 120 triệu USD nhờ những khoản tiền chuộc trong tám năm trước. Washington lập luận rằng dù trả tiền chuộc có thể cứu được một mạng sống, nó chỉ tiếp tay thêm cho hoạt động kinh doanh bắt cóc này- với hậu quả khủng khiếp.