Đường dẫn truy cập

Láng giềng lo ngại về hành động gây hấn của Trung Quốc


Thành phố Tam Sa được thiết lập trên một hòn đảo mà Việt Nam và Ðài Loan cùng tuyên bố chủ quyền.
Thành phố Tam Sa được thiết lập trên một hòn đảo mà Việt Nam và Ðài Loan cùng tuyên bố chủ quyền.
Việc Trung Quốc tổ chức tua du lịch, đưa du khách ra thăm thành phố Tam Sa và Đảo Tây Sa trong quần đảo Hoàng Sa, đã gây lo ngại cho nhiều nước Á Châu.

Bản tin hôm nay của báo The Globe and Mail nói rằng mặc dù tua du lịch ra Hoàng Sa được phía Trung Quốc miêu tả như một chuyến du lịch thường tình đưa du khách ra tắm nắng trên một hòn đảo ở Biển Đông, nhưng đối với Việt Nam, sự hiện diện của các du khách Trung Quốc đầu tiên tại quần đảo Hoàng Sa đươc coi như một hành động “xâm phạm trắng trợn chủ quyền của Việt Nam”.

Bộ Ngoại giao Việt Nam đã lên tiếng phản đối, và ra thông cáo tuyên bố “chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán” đối với các quần đảo trong Biển Đông.

Tua du lịch có tính khiêu khích của Trung Quốc, được sự khuyến khích của nhà nước ở Bắc Kinh và được truyền thông nhà nước Trung Quốc ca ngợi, chỉ là một cách để Trung Quốc thách thức quyết tâm của các nước láng giềng trong mấy ngày gần đây.

Nhật Bản, Ấn Độ, Philippines và Malaysia mới đây cũng khiếu nại về những hành động xâm nhập lãnh thổ của họ, mà các nước này nói nằm bên ngoài quyền tài phán của Trung Quốc.

Trên tờ Hoàn Cầu Thời Báo, một nhật báo nổi tiếng về quan điểm dân tộc chủ nghĩa, hôm 28 tháng Tư, một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên Cứu Đông Nam Á của trường Đại học Jinan viết: “những ai muốn bóp méo hành động của Trung Quốc để gây rối không phải là những người thiết tha với luật pháp quốc tế và an ninh khu vực.”

Khi thuật lại tin này hôm 30 tháng Tư, tờ Công An Nhân Dân của Việt Nam miêu tả hành động của Trung Quốc là “vừa ăn cướp vừa la làng” và mạnh mẽ đả kích ý đồ “độc chiếm Biển Đông” của Trung Quốc.

Tờ Globe and Mail nói hành động gây hấn quyết liệt hơn của Trung Quốc đang gây quan ngại sâu rộng tại phần lớn Châu Á, và đặt ra những nghi vấn về điều mà nhà lãnh đạo mới của Trung Quốc, ông Tập Cận Bình, thực sự ám chỉ khi ông đề cập tới cao vọng muốn thực hiện cái gọi là “giấc mơ Trung Hoa.”

Ông Tập miêu tả cụm từ đó là nỗ lực hồi sinh đất nước ông, nhưng nhiều người khác liên kết cụm từ đó với việc xây dựng lực lượng quân sự nhằm củng cố vị thế của Trung Quốc trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng.

Hôm 15 tháng Tư, Ấn Độ nói một đơn vị quân đội Trung Quốc, được sự yểm trợ của máy bay trực thăng, đã lấn đất, tiến sâu tới 19 km từ đường ranh giới mặc nhiên giữa hai nước. Từ đó, đơn vị Trung Quốc đã dựng trại tại Thung lũng Depsang, phía bên kia đường ranh giới của Ấn Độ, được gọi là Lằn Ranh Kiểm soát, đã được thiết lập sau cuộc chiến giữa hai nước hồi năm 1962.

Về hướng Đông, Nhật Bản và Trung Quốc vẫn trong tình trạng căng thẳng liên quan tới vụ tranh chấp dài ngày về chủ quyền của 5 hòn đảo trong Biển Hoa Ðông.

8 tàu hải giám của Trung Quốc được sự yểm trợ của máy bay quân sự, đã tiến vào vùng biển nằm dưới quyền kiểm soát của Nhật Bản trong nỗ lực ngăn chận một đoàn tàu của giới hoạt động Nhật Bản, không cho cập bến các đảo mà Nhật Bản gọi là Senkaku, và Trung Quốc gọi là Điếu Ngư.

Nguồn: The Globe and Mail, International Herald Tribune

VOA Express

XS
SM
MD
LG