Đường dẫn truy cập

Các nhà lập pháp Hoa Kỳ chất vấn gay gắt về thỏa thuận hạt nhân với Iran


Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (phải) xuất hiện trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện ở Washington, ngày 23/7/2015.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (phải) xuất hiện trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện ở Washington, ngày 23/7/2015.

Những quan chức hàng đầu của chính quyền Obama hôm thứ Năm đã đối mặt với đợt chất vấn gay gắt của Thượng viện về thỏa thuận hạt nhân với Iran đạt được hồi đầu tháng này tại Vienna. Đó là buổi điều trần đầu tiên về thỏa thuận này, và Quốc hội sẽ phải bỏ phiếu chấp thuận hoặc bác bỏ vào giữa tháng 9.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry xuất hiện trong tư cách nhân chứng. Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Bob Corker nói rằng ông Kerry đã bị Iran “bịp.” Ông Kerry đáp lại: "Họ đã có những gì họ muốn... vấn đề là làm thế nào để kéo lùi chương trình của họ lại."

Trước đó, ông Kerry nói ông tin rằng thỏa thuận hạt nhân này sẽ làm cho thế giới an toàn hơn: "Chúng tôi tin rằng thỏa thuận mà chúng tôi vừa đạt được với các cường quốc thế giới là thỏa thuận mà sẽ ngăn chặn Iran có thể thủ đắc vũ khí hạt nhân."

Thỏa thuận này sẽ dỡ bỏ những biện pháp chế tài nhắm vào Iran, đổi lại Iran phải hạn chế chương trình hạt nhân của mình.

Ông Kerry ra điều trần cùng với Bộ trưởng Năng lượng Ernest Moniz và Bộ trưởng Tài chính Jack Lew. Các quan chức cao cấp này của chính quyền Obama, những kiến trúc sư chính của thỏa thuận hạt nhân, đã có những cuộc họp riêng tư với các nhà lập pháp về thỏa thuận hôm thứ Tư tại Washington.

Một ngày trước phiên điều trần, Chủ tịch Hạ viện John Boehner tuyên bố phe Cộng hòa, đang kiểm soát cả hai viện Quốc hội, sẽ không từ bất cứ nỗ lực nào để bác bỏ thỏa thuận.

"Bởi vì một thỏa thuận tồi đe dọa sự an toàn của người dân Mỹ, chúng tôi sẽ làm mọi thứ có thể để ngăn chặn nó," ông Boehner nói.

Nếu thỏa thuận này bị bác bỏ, Tổng thống Barack Obama đã hứa sẽ phủ quyết.

Để lật ngược quyền phủ quyết sẽ phải cần thế đa số hai phần ba ở cả hai viện Quốc hội, có nghĩa là nhiều thành viên trong phe Dân chủ của ông Obama sẽ phải bỏ phiếu cùng với phe Cộng hòa bác bỏ thỏa thuận.

Nhiều nhà lập pháp Dân chủ không khẳng định lập trường sau các cuộc họp kín hôm thứ Tư, nói rằng họ cần phải nghiên cứu thỏa thuận kỹ hơn trước khi đưa ra quyết định.

"Tôi nghĩ thỏa thuận này là một sự cải thiện vượt bậc so với hiện trạng từ ngày đầu tiên [thỏa thuận có hiệu lực] cho tới có lẽ 10 đến 15 năm sau,” Thượng nghị sĩ Dân chủ Tim Kaine nói. “Sau thời điểm đó câu hỏi của tôi là về khả năng của chúng ta phát hiện sự gian lận sau khi một số điều khoản bắt đầu hết hạn."

Những người chỉ trích thỏa thuận nói những thủ tục xác minh chưa đủ mạnh để đảm bảo Iran tuân thủ đúng thỏa thuận không phát triển vũ khí hạt nhân. Họ cũng bày tỏ lo ngại là việc dỡ bỏ những biện pháp trừng phạt sẽ giải phóng hàng tỉ đôla cho Iran mở rộng tài trợ những nhóm chủ chiến khắp vùng Trung Đông.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter tuần này đã hội kiến các quan chức Israel và Ả-rập Saudi để xoa dịu mối lo ngại của các nhà lãnh đạo ở đó lo sợ rằng thỏa thuận sẽ gây bất ổn cho vùng vốn đã nhiều biến động.

VOA Express

XS
SM
MD
LG