Đường dẫn truy cập

Các nhà báo quốc doanh cần làm gì khi bị công an tấn công?


Một phóng viên bị tấn công ở Hà Nội. (Ảnh minh họa)
Một phóng viên bị tấn công ở Hà Nội. (Ảnh minh họa)

Việt Nam vào buổi hoàng hôn của chế độ cũng hệt như thời hậu Lê. Đất nước hỗn mang, lòng người ly tán, kiêu binh cùng cướp giật nổi dậy hoành hành. Tư tưởng cố thủ trong vỏ bọc “không nghe, không thấy, không biết” của rất nhiều nhà báo có thẻ và phóng viên không thẻ đã và đang bị đòn tấn công hội đồng của nạn công an trị bóc gỡ trần trụi.

Trong vực thẳm nuốt sống mọi thứ, không có ai là ngoại lệ. Sẽ còn những nhà báo quốc doanh phải trải nghiệm trận đòn hung bạo của lớp kiêu binh công an, nếu họ tiếp tục cam chịu cái thân phận tủi nhục ấy.

Ngay sau khi một nhà báo quốc doanh là Trần Quang Thế của báo Tuổi Trẻ bị một nhóm công an của Đội cảnh sát hình sự công an huyện Đông Anh (Hà Nội) lao vào hành hung, một nhà báo quốc doanh khác là Nguyễn Trung Bảo đã phải than chua chát đến mức cay độc: “Trận đòn hôm nay với các nhà báo nên xảy ra nhiều hơn nữa, và sẽ tất yếu như vậy thôi. Để các nhà báo hiểu rằng thân phận của họ thật ra không khác gì những người xuống đường biểu tình chống Trung Quốc, chống Formosa... mà có những kẻ trong số họ đã bĩu môi cười khẩy với câu hỏi muôn thuở: ‘Làm vậy thì được gì?’”.

Vụ đánh nhà báo Trần Quang Thế xảy ra vào tháng 9/2016, ngay tại Thủ đô - nơi cả Bộ Chính trị và Bộ Công an ngự trị. Ngón đòn mà nhóm kiêu binh công an Đông Anh tung ra, dù chưa nặng nề như trường hợp một số nhà báo quốc doanh bị công an đánh bầm dập ở những địa phương khác, nhưng lại giống như một nỗi sỉ nhục vuốt mặt không kịp dành cho danh dự của toàn bộ báo giới nhà nước và Hội Nhà báo Việt Nam.

Hội nhà báo Việt Nam ‘bảo vệ’ phóng viên như thế nào?

Hai hiện tượng chính trị - xã hội có tính song trùng ở Việt Nam là: kể từ năm 2011 khi xuất hiện phong trào biểu tình chống Trung Quốc ở Hà Nội và Sài Gòn mà kéo theo là hàng loạt chiến dịch đàn áp thô bạo của chính quyền và công an nhắm vào giới đấu tranh dân chủ và nhân quyền, một số phóng viên nhà nước cũng bị trấn áp và bị đối xử theo cách côn đồ trong một số hoàn cảnh tác nghiệp.

Tháng 5/2012, hai nhà báo Nguyễn Ngọc Năm và Hán Phi Long của Đài tiếng nói Việt Nam (VOV) - cơ quan truyền thông đậm chất “lề đảng” - đã bị hành hung dã man. Hai nhà báo này xác nhận họ chính là người bị đánh trong clip được cho là ghi trong bối cảnh cưỡng chế tại Văn Giang khi làm tin liên quan vụ cưỡng chế đất tại huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Cho dù sau đó VOV đã phải lên tiếng yêu cầu Công an Hưng Yên giải thích lý do, nhưng vụ này mau chóng bị chìm xuồng. Còn Hội nhà báo Việt Nam - tổ chức mang danh xưng “bảo vệ quyền lợi cho nhà báo” - đã hoàn toàn “cấm khẩu”.

Vào đầu năm 2015, nhà báo Kim Quốc Hoa, tổng biên tập báo Người Cao Tuổi, đã bị khởi tố vì tờ báo này liên tục phơi bày các vụ việc tham nhũng. Tuy nhiên không một cơ quan có trách nhiệm nào đứng ra bảo vệ cho ông Hoa, trừ những tổ chức xã hội dân sự độc lập và các trang mạng “lề trái”.

Còn khi nhà báo Nguyễn Ngọc Quang của Đài Phát thanh truyền hình tỉnh Thái Nguyên bị côn đồ chém đến mức thương tật vào năm 2015 khi viết bài về tình trạng khai thác bừa bãi tại mỏ Núi Pháo, Thái Nguyên, mặc dù sau đó Bộ Thông tin Truyền thông có lên tiếng, nhưng lại dùng cách nói nước đôi. Còn Hội nhà báo Việt Nam chẳng thì lại cũng im hơi lặng tiếng.

Tham dự phiên tòa gọi là “công khai” tại huyện Thạnh Hóa, Long An ngày 15 và 16 tháng 9 năm 2015 xử những nông dân mất đất - những người đã bị bắt giam và bị truy tố bởi họ dám trưng biểu ngữ và hô “đả đảo đảng cộng sản” khi bị đền bù rẻ mạt và sau đó bị cưỡng chế quá thô bạo - phóng viên Hoàng Nam của báo Pháp Luật, chỉ vì chụp hình ngoài khuôn viên tòa án, đã bị công an và dân phòng lao đến khóa tay, tước điện thoại và bắt giữ một thời gian trước khi được thả ra. Nhưng sau đó, người ta vẫn thấy Hội nhà báo Việt Nam biệt vô âm tín.

Trước vụ nhà báo Trần Quang Thế của báo Tuổi Trẻ bị công an hành hung, phóng viên Đỗ Thanh Hải (báo VTC News) cũng đã bị một nhóm công an viên của xã Cư Pô (huyện Krông Puk) tấn công thô bạo đến mức phải nhập viện vào ngày 21/9/2016. Cũng chẳng thấy tăm hơi nào của Hội nhà báo Việt Nam…

Nạn công an trị không chừa ai. Sau khi đàn áp các blogger “lề dân’’, công an cũng chẳng buông tha giới phóng viên “lề phải”, thậm chí đánh cả phóng viên “lề đảng”.

Những vụ việc phóng viên nhà nước bị công an và côn đồ địa phương hành hung dã man đã tiếp thêm một tô điểm cay đắng cùng một trải nghiệm quá thấm thía đối với báo giới nhà nước về “nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”, đặc biệt với những nhà báo nào vẫn tâm niệm “còn đảng còn mình”.

Đã quá rõ là những cơ quan “quản lý” như Bộ Thông tin Truyền thông, Hội nhà báo Việt Nam cùng các cơ quan tuyên giáo đảng chẳng muốn làm bất cứ điều gì để bảo vệ nhà báo. Nếu không muốn nói ngược lại rằng các cơ quan này khư khư ôm giữ tư thế an toàn và bàn ghế cho giới lãnh đạo.

Một nhà báo giấu tên còn cho biết những hành xử ẩn lộ trong mấy năm gần đây của các cơ quan quản lý báo chí đã khiến cho giới phóng viên sinh nghi rằng có một mối quan hệ “đi đêm” nào đó giữa các nhóm lợi ích và các cơ quan chỉ đạo báo chí - như hiện tượng đã nhiều lần bị dư luận dị nghị trong quá khứ. Nhiều người cũng chưa thể quên việc một nhà báo đã tố cáo một quan chức tuyên giáo nhận “lại quả” lên đến vài chục ngàn USD xảy ra những năm về trước…

Tiền bạc có thể tạo ra truyền thông, nhưng cũng dễ làm cho báo chí phải ngậm miệng. Chưa bao giờ sự nghi ngờ của giới phóng viên lại lên cao như lúc này, khi họ liên tục nhận được các chỉ thị bất bình thường từ hệ thống tuyên giáo liên quan đến những “vùng kín” đắt đỏ, đặc biệt là dẫn chứng gần đây giữa vụ Tập đoàn Tôn Hoa Sen làm thép ở Cà Ná với một chỉ thị của Ban Tuyên giáo trung ương không cho báo chí đề cập đến vụ này.

Một nhà báo ở Sài Gòn than: “Việt Nam đang ‘tự do báo chí’ theo kiểu cách không giống ai. Một nền báo chí chỉ đạo tập trung hóa như vậy mà đòi thâm nhập vào cả Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc sao?”.

Trong khi đó, gần hết trong hơn 800 tờ báo nhà nước ở Việt Nam vẫn như đang hôn mê trong nỗi hổ thẹn từ tiềm thức đến vô thức, trong bối cảnh chưa bao giờ xã hội lại cần đến tiếng nói phản biện của báo chí như hiện tình.

Bất chấp một số bài viết lên án sự vô cảm của đồng loại, báo chí vẫn hiển hiện như một mặt trận vô cảm không thua sút. Những nội dung phổ biến mà độc giả trong nước được thưởng ngoạn trên báo chí chính thống vẫn rất thường là các tin tức giật gân, câu khách, hay nói như dân gian là logic “cướp giết hiếp”…

Không có lấy một lối thoát khả dĩ cho báo chí trong việc lên tiếng đánh thức lương tâm và khắc phục tính vô cảm tràn lan trong xã hội. Những phóng viên có tay nghề và có tâm huyết dần dần bỏ viết, rời khỏi báo, trong khi những nhà báo trẻ kế cận lại chưa thể kế thừa kinh nghiệm và phong cách của lớp đi trước. Còn lại, đại đa số hàng ngũ tổng biên tập mới chính là một dấu ấn đặc trưng cho “nhà báo quan chức” hoặc “trí thức cận thần” khép miệng trùm mền.

Tự đấu tranh như thế nào?

Vậy giới báo chí nhà nước phải làm gì để chống chọi với cái hiểm họa công an trị xúc phạm, đánh đấm và rất có thể còn bắt bớ họ?

Thật hiếm hoi, một tờ báo nhỏ như Văn Hóa Nghệ An vào tháng 8/2013 đã khơi dậy tinh thần phản kháng còn sót lại trong tâm khảm những người viết báo đối với nhóm lợi ích: “Nếu cần gì hãy cứ nói thẳng với Nhân dân. Nhân dân chưa bao giờ tiếc một cái gì, kể cả mạng sống vì Đất nước. Hãy minh bạch đối diện với Nhân dân, đừng nấp trong gấu áo của Nhân dân để phục kích, làm hại Nhân dân”.

Nhưng làm thế nào để không phải “nấp trong gấu áo của nhân dân”?

Nhà báo Nguyễn Trung Bảo chỉ nêu ra một kết luận gắn gọn: “Sẽ không có gì khác nếu họ không tự đấu tranh với bạo quyền, với chính mình”.

Nhưng tự đấu tranh như thế nào, trong khi đa số ban biên tập các báo nhà nước chỉ muốn ngoảnh mặt như thể không dính dáng gì đến những ngón đòn nghiệp vụ bẻ tay, đấm mặt, đá đít, còn Hội Nhà báo Việt Nam chỉ lo giữ ghế.

Rõ là chẳng có gì xán lạn. Rõ là bi kịch chỉ mới bắt đầu dành cho báo giới nhà nước. Rõ là giới báo chí quốc doanh có thể còn bị chụp cho cái mũ Chống người thi hành công vụ, Lợi dụng quyền tự do dân chủ, kể cả Tuyên truyền chống nhà nước xã hội chủ nghĩa… nếu cơ quan công an muốn.

Một trong số ít phương cách tự đấu tranh khả dĩ nhất chỉ còn là cách các nhà báo quốc doanh tự tập hợp và liên kết với nhau để trở thành những “hội không chính thức”, nhằm mục đích lên tiếng ngay lập tức và mạnh mẽ trên mạng xã hội và ra quốc tế, phản ứng với cơ quan công an ngay khi phóng viên bị công an tấn công. Cũng không thể chờ đến sự “cứu rỗi” của Hội Nhà báo Việt Nam hay bộ phận lãnh đạo kiên định bám ghế tại một số báo, giới phóng viên nhà nước, đặc biệt là những phóng viên chuyên trách tác nghiệp thường xuyên phải chịu rủi ro và đối mặt với công an, cần sẵn sàng để kết hợp với những luật sư đồng cảm nhằm kiện cơ quan công an hành hung phóng viên ra các tòa án liên quan.

Và nếu Luật về Hội được chính thức ban hành vào cuối năm 2016, đó sẽ là điều kiện đủ để những phóng viên bị coi là “nạn nhân của bạo hành công an” tự tập hợp với nhau, hình thành những nghiệp đoàn tự bảo vệ bản thân và gia đình, ngăn chặn phần nào thái độ và hành vi hung hãn của giới “công an nhân dân”.

* Bài viết của nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

  • 16x9 Image

    Phạm Chí Dũng

    Phạm Chí Dũng là nhà báo độc lập, tiến sĩ kinh tế sống và làm việc tại Sài Gòn, Việt Nam. Trước năm 2013, đã có thời gian 30 năm làm việc trong quân đội, chính quyền và khối đảng. Do viết bài chống tham nhũng, từng bị công an bắt vào năm 2012. Năm 2013, tuyên bố từ bỏ đảng Cộng sản Việt Nam. Năm 2014, cùng các cộng sự thành lập Hội nhà báo độc lập Việt Nam và giữ cương vị chủ tịch của tổ chức này. Cũng trong năm 2014, được Tổ chức phóng viên không biên giới vinh danh 'Anh hùng thông tin'. Các bài viết của Phạm Chí Dũng là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG