Đường dẫn truy cập

Các nhà báo Hong Kong kêu gọi công chúng ủng hộ chống lại bạo động


Nhân viên của tờ Minh Báo cùng cầm tờ báo có trang nhất đăng bài viết về vụ tấn công ông Lưu Tiến Đồ, cựu chủ biên tờ báo này
Nhân viên của tờ Minh Báo cùng cầm tờ báo có trang nhất đăng bài viết về vụ tấn công ông Lưu Tiến Đồ, cựu chủ biên tờ báo này
Kể từ khi xảy ra một cuộc tấn công tàn ác khiến một chủ biên nổi tiếng tại Hong Kong bị thương nặng, các ký giả kêu gọi cư dân thành phố này có lập trường chống bạo động.

Hôm thứ Sáu, các tổ chức ký giả bắt đầu một cuộc vận động lấy chữ ký để quy tụ sự ủng hộ cho tự do báo chí sau khi một trong những chủ biên có ảnh hưởng nhất tại thành phố này bị đâm nhiều lần.

Ông Lưu Tiến Đồ, cựu chủ biên tờ Minh Báo, nay đang ở trong tình trạng sức khỏe đã ổn định sau khi hai người đàn ông phục kích ông hồi sáng thứ Tư khiến ông bị thương nghiêm trọng với sáu vết thương do dao đâm ở chân và lưng.

Một tổ chức lỏng lẻo của các cựu nhân viên nhật báo này, có tên là Cựu nhân viên Minh Báo, đã tổ chức cuộc vận động này.

Bà Trần Kiện Giai, một thành viên của tổ chức vừa kể, nói rằng lấy chữ ký là một cách để gây áp lực đối với ngành hành pháp và cảnh sát nhằm giải quyết vụ án này và bảo vệ các nhà báo.

“Cho tới nay chúng ta không biết nội tình câu chuyện của ông Lưu. Chúng ta hy vọng công chúng sẽ quan tâm nhiều hơn tới báo chí và tình hình về tự do ngôn luận và tự do báo chí.”

Trong số những người ghé qua để ký bản kiến nghị này có Emily Li, một sinh viên khoa kinh doanh tại Trường Đại Học London.

Cô nói rằng cô rất tức giận. Cuộc tấn công ông Lưu thật ra là một cuộc tấn công vào tự do báo chí.

Cuộc tấn công ông Lưu đã gây kinh động nhiều người tại Hong Kong, một thành phố tại châu Á nổi tiếng về môi trường truyền thông sinh động. Vẫn chưa rõ động cơ thúc đẩy cuộc tấn công này và các hung thủ.

Cảnh sát chống tội phạm đã được đưa vào cuộc điều tra này, gợi ý có sự liên hệ giữa cuộc phục kích ông Lưu và các tổ chức tội phạm tại thành phố.

Dưới sự lãnh đạo của ông Lưu, tờ Minh Báo đã củng cố danh tiếng của nhật báo này là một nhật báo tấn công mạnh mẽ, nhưng tin tức về việc thay thế ông Lưu hồi tháng Giêng đã gây ra sự căm phẫn trong số các nhân viên, những người sợ rằng bên dưới việc cất chức ông Lưu là những động cơ chính trị.

Nhân viên nói rằng, ban quản trị Minh Báo đã cất chức ông Lưu bởi vì trong khi đưa tin, nhật báo này đã làm giới hữu trách Hoa Lục tức giận.

Ông Lưu Tiến Đồ bên ngoài văn phòng của ông ở Hong Kong, 13/1/2014
Ông Lưu Tiến Đồ bên ngoài văn phòng của ông ở Hong Kong, 13/1/2014
Kể từ khi xảy ra cuộc tấn công ông Lưu, cảnh sát đã duyệt kỹ lại những bài tường thuật nhạy cảm của Minh Báo trong năm ngoái, tìm kiếm manh mối về việc ai có thể có một động cơ để làm hại ông.

Ông Trần Quang Hòa, một doanh nhân nghỉ hưu, cũng đã ký vào kiến nghị này hôm thứ Sáu.

Ông nói rằng Minh Báo là một nhật báo quân bình tốt.

Ông nói rằng, không có bằng chứng, khó mà nhắm vào các chi tiết cụ thể trong phần tường thuật của tờ báo có thể khiến ông Lưu có một số kẻ thù. Ông nói thêm rằng việc tìm ra sự thật là tùy thuộc vào cảnh sát.

Thêm vào với công việc nhà báo, ông Lưu còn là một giáo sư khoa báo chí tại Trường đại học Hong Kong của Trung Quốc.

Hôm thứ Sáu, các sinh viên từ phân khoa này cũng mở bàn thu thập chữ ký.

Elle Lam là một sinh viên tại trường này.

“Các giáo sư nói với sinh viên rằng luật pháp có thể bảo vệ các nhà báo, nhưng thật ra, ông đã bị tấn công trên đường phố trước mắt mọi người. Chúng tôi sợ rằng các nhà báo bị đe dọa bởi bạo động.”

Đây không phải là lần đầu tiên nhà báo là nạn nhân của các cuộc tấn công bạo động tại Hong Kong. Trong một cuộc tấn công đặc biệt tàn nhẫn, các hung thủ đã chặt cánh tay của nhà báo Lương Thiện Vĩ năm 1996. Hung thủ không bị bắt.

Một cuộc tuần hành để ủng hộ tự do báo chí theo dự trù sẽ diễn ra vào ngày Chủ Nhật này.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG