Các nhà lãnh đạo Á Châu và các đối tác trong khu vực không đạt được mấy tiến bộ trong các vấn đề then chốt như tranh chấp Biển Đông và mậu dịch khi kết thúc cuộc họp thượng đỉnh ở thủ đô của Myanmar. Thông tín viên VOA Steve Herman tường trình từ Naypyitaw về ngày chót hội nghị thượng đỉnh Đông Á và ASEAN.
Không có thông báo nào quan trọng sau hai ngày họp bàn về nhiều vấn đề.
Một số thành viên của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á đã hy vọng có tiến bộ đáng kể về một bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông có tính cưỡng hành. Trung Quốc đòi chủ quyền toàn bộ vùng biển, và bác bỏ khẳng định chủ quyền của một số quốc gia ASEAN, trong đó có Philippines và Việt Nam.
Trung Quốc và các thành viên ASEAN sẽ theo đuổi một “đường lối song hành theo đó các cuộc tranh chấp cụ thể sẽ được giải quyết qua thương lượng và hội ý với các nước có liên quan trực tiếp.” Hoà bình và ổn định trong khu vực sẽ được Trung Quốc và các nước ASEAN “cùng tôn trọng.”
Người chủ trì hội nghị, Tổng thống Thein Sein của Myanmar, nói bộ quy tắc ứng xử vẫn còn trong nghị trình của ASEAN.
Ông Thein Sein nói: “Tất cả các nhà lãnh đạo hoan nghênh việc thực hiện sớm một bộ quy tắc ứng xử Biển Đông và tuyên bố năm 2015 sẽ là năm để hợp tác kết thúc sớm việc này.”
Cũng có những cuộc họp bàn ở hành lang về kế hoạch mới đây của Trung Quốc định hợp tác với 21 nước để thành lập một ngân hàng phát triển mới với 50 tỷ đôla. Một số chính phủ coi Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng cơ sở Á Châu như một đối thủ của Ngân hàng Phát triển Á Châu ADB.
Bên lề hội nghị thượng đỉnh, Chủ tịch ADB Takehiko Nakao nói với đài VOA rằng ngân hàng mới do Trung Quốc đứng đầu nên áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế về việc thâu tóm, bảo vệ môi trường và bảo vệ xã hội cho các dự án của họ.
Ông Nakao nói: “Còn quá sớm để bàn về những khái niệm cụ thể về hợp tác. Nhưng nếu ngân hàng được thành lập, chúng tôi sẵn sàng cứu xét việc hợp tác thích đáng.”
Hợp tác là khẩu hiệu liên tục tại ASEAN, mà giới chỉ trích cho là hiệp hội tìm cách che giấu mọi xung đột.
Tình trạng thiếu kịch tính – mà vì thế – những tin tức quan trọng, dường như đề ra một thách thức cho gần 1500 ký giả đã bị ngăn không cho đến gần các nhà lãnh đạo.
Một ký giả Indonesia có nhận xét: “Thật là buồn ngủ. Đúng vậy, như quý vị thấy, chúng tôi chẳng làm gì được ở đây bởi vì tất cả mọi thứ, chúng tôi đều không tường thuật được. Mọi sự trở nên nhàm chán.”
Tuy nhiên, đối với các nhà lãnh đạo, giá trị của các cuộc họp thượng đỉnh này không phải nằm trong các thông tư hay các thông cáo báo chí, mà là cơ hội để gặp mặt nhau, cả bạn bè và láng giềng, cũng như những người xa lạ hơn về mặt quan hệ và địa lý.