Đường dẫn truy cập

Nguồn tin: Các công ty Singapore và Việt Nam đang đàm phán về cáp quang mới dưới biển


Một nhân viên sửa chữa tuyến cáp quang ngầm dưới biển của Việt Nam bị đứt hồi giữa tháng 6 năm nay.
Một nhân viên sửa chữa tuyến cáp quang ngầm dưới biển của Việt Nam bị đứt hồi giữa tháng 6 năm nay.

Công ty quản lý tài sản Keppel của Singapore và tập đoàn Sovico Group của Việt Nam đang thảo luận về kế hoạch xây dựng tuyến cáp quang mới ngầm dưới biển, vốn sẽ thúc đẩy ngành công nghiệp trung tâm dữ liệu của khu vực, theo những người biết về các cuộc thảo luận cho biết.

Các quốc gia Đông Nam Á có vị trí là một ngã ba chính của các tuyến cáp kết nối Châu Á với Châu Âu và đang tìm cách mở rộng mạng lưới của họ để đáp ứng nhu cầu bùng nổ về các dịch vụ AI và trung tâm dữ liệu. Riêng Việt Nam có kế hoạch sẽ có 10 tuyến cáp ngầm mới vào năm 2030.

Cáp biển ngầm là tâm điểm của cuộc chiến công nghệ Mỹ-Trung, khi hai cường quốc này đang cạnh tranh để giành các hợp đồng, đặc biệt là ở Châu Á, nhằm xây dựng và duy trì cơ sở hạ tầng chiến lược truyền tải hầu hết dữ liệu internet, bao gồm cả thông tin nhạy cảm.

Năm người trực tiếp tham gia hoặc được thông báo về một một kế hoạch đang được thảo luận cho biết rằng một tuyến cáp sẽ được lắp đặt để kết nối trực tiếp giữa Việt Nam và Singapore.

Theo một nguồn tin biết trực tiếp về các cuộc đàm phán, chi phí sẽ là 150 triệu USD.

Sovico ủng hộ phương án này, nhưng các cuộc đàm phán với Keppel về tuyến cáp trực tiếp đang còn diễn ra và vẫn chưa đạt được thỏa thuận nào, theo hai nguồn tin biết trực tiếp cho biết.

Họ nói thêm rằng Keppel muốn một kế hoạch cáp tham vọng hơn liên quan đến một nhóm các nhà đầu tư.

Ba nguồn tin cho biết rằng theo kế hoạch đó, tuyến cáp kết nối đến Việt Nam do Sovico phát triển sẽ là nhánh của một tuyến cáp dài hơn, trong đó một người nói rằng tuyến cáp này sẽ chạy từ Singapore đến Nhật Bản với các tuyến cáp kết nối đến các quốc gia dọc tuyến đường.

Các nguồn tin từ chối nêu tên vì thông tin mà họ đưa ra không được phép công khai.

Sovico, một tập đoàn hoạt động trong các lĩnh vực bao gồm hàng không và ngân hàng, gần đây đã công bố kế hoạch phát triển trung tâm dữ liệu. Công ty không trả lời yêu cầu bình luận.

Keppel vào tháng 11 đã đồng ý mua một cơ sở trung tâm dữ liệu hỗ trợ AI tại Nhật Bản. Singapore là nơi tập trung lớn các trung tâm dữ liệu và cáp biển ngầm, nhưng quốc đảo nhỏ này đã gần như bão hòa khả năng sử dụng dữ liệu của mình.

Người phát ngôn của Keppel từ chối trả lời các câu hỏi của Reuters về hai kế hoạch cáp quang và nói rằng: "Chúng tôi không bình luận về những đồn đoán".

Một giám đốc điều hành của Sovico đã đề cập đến kế hoạch cáp của công ty với Keppel vào cuối tháng trước trong một cuộc họp nội bộ với Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính và các công ty khác tham gia vào nền kinh tế số, theo một trong những người tham gia cuộc họp nói với Reuters.

Văn phòng chính phủ Việt Nam và Bộ ngoại giao đã không trả lời yêu cầu bình luận.

Cạnh tranh Mỹ-Trung

Theo các kế hoạch sơ bộ, chưa có quyết định nào được đưa ra về việc ai sẽ xây dựng bất kỳ tuyến cáp nào, nhưng hai người biết về các cuộc đàm phán cho biết các nhà thầu Trung Quốc sẽ không tham gia vào liên kết trực tiếp có thể có giữa Việt Nam và Singapore.

Hai người biết trực tiếp về các cuộc đàm phán nói với Reuters rằng Sovico đã được các quan chức Hoa Kỳ thông báo về những rủi ro bị cáo buộc liên quan đến việc lựa chọn các nhà thầu Trung Quốc cho các tuyến cáp.

Các quan chức và cố vấn Hoa Kỳ đã tổ chức nhiều cuộc họp để thông báo với các quan chức Việt Nam và Singapore trong những tháng gần đây nhằm ngăn cản họ sử dụng HMN Technologies. Theo tin độc quyền của Reuters hồi tháng 9, đây là một phần của chiến dịch toàn cầu nhằm kiềm chế sự trỗi dậy của nhà thầu Trung Quốc.

Hai dự án này tách biệt với các khoản đầu tư khả dĩ được các công ty Việt Nam công bố trước đó về 4 tuyến cáp ngầm mới, trong đó, theo các thông tin công khai, 2 tuyến sẽ do NEC của Nhật Bản xây dựng và một tuyến do HMN Tech của Trung Quốc xây dựng để kết nối Việt Nam với các tuyến cáp quốc tế hiện có.

Tuyến thứ tư được công bố vào tháng 4 bởi công ty viễn thông nhà nước Việt Nam là Viettel và Singtel của Singapore, vốn sẽ kết nối trực tiếp Việt Nam với Singapore theo một kế hoạch sơ bộ. Không có hợp đồng xây dựng nào được công bố.

Với dân số gần 100 triệu người, Việt Nam là một thị trường lớn cho các nền tảng trực tuyến, nhưng hiện chỉ được kết nối với cơ sở hạ tầng internet toàn cầu thông qua năm nhánh ngầm đến các tuyến cáp quốc tế.

Các chuyên gia trong ngành coi kế hoạch tăng gấp ba số lượng cáp của Việt Nam là một động lực có thể thúc đẩy cơ hội trở thành một trung tâm dữ liệu thay thế trong khu vực, bất chấp các vấn đề về nguồn cung cấp điện và các quy định nghiêm ngặt về dữ liệu.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG