Bà Aung San Suu Kyi đã nói với những người ủng hộ và các nhà báo tại Rangoon rằng khi nhìn lại năm được tự do vừa qua bà thấy là có nhiều sự kiện quan trọng, có những hoạt động tích cực, và trong một chừng mực nào đó, là đáng khích lệ.
Bà Suu Kyi nói rằng Liên minh Toàn quốc Đấu tranh cho Dân chủ của bà đã từng kêu gọi mở các cuộc thảo luận ôn hòa với chính phủ do quân đội hậu thuẫn trong hơn 20 năm, và nêu lên cuộc đối thoại trực tiếp mới đây là dấu hiệu tiến bộ.
Nhà lãnh đạo của Liên minh Toàn quốc Đấu tranh cho Dân chủ nói bà hoan nghênh việc chính phủ phóng thích 200 tù nhân chính trị hồi tháng Mười, nhưng những người còn bị giam giữ cũng phải được trả tự do.
Tin cho hay, Miến Điện có thể sẽ thả thêm các tù nhân chính trị vào ngày thứ Hai, nhưng tới lúc chiều tối, bà Aung San Suu Kyi cho biết không có dấu hiệu nào cho thấy có ai được phóng thích.
Bà Suu Kyi nói có tin đồn là các tù nhân chính trị quan trọng sẽ được phóng thích hôm thứ Hai. Nhưng tất cả vẫn chỉ là tin đồn, vì không có thông tin cụ thể nào về có ai được phóng thích cả.
Ủy Hội Nhân Quyền của Miến Điện công bố một lá thư hôm Chủ Nhật trên báo chí do nhà nước quản lý nói rằng chỉ có 300 tù nhân chính trị còn bị giam giữ và hối thúc phóng thích họ.
Bà Aung San Suu Kyi nói người ta có thể xác nhận ít nhất cũng còn 525 người bị giam giữ, mặc dầu các tổ chức nhân quyền cho biết có khoảng 1 ngàn 7 trăm người bị tù.
Chính phủ không chịu thừa nhận là có tù nhân chính trị mà gán cho họ là những kẻ phạm pháp liên quan tới chính trị.
Nhân vật được trao tặng Giải Nobel Hòa Bình này nói rằng những khó khăn nhất cho tương lai của Miến Điện là thiết lập một nền pháp trị và bảo vệ nhân quyền.
Bà Suu Kyi nói rằng nếu không có đường lối pháp trị, thì không thể chắc được sẽ không có tù nhân chính trị trong tương lai. Và, cũng như vậy, công cuộc đầu tư và những cơ hội kinh tế cần phải được bảo vệ bằng đường lối pháp trị. Không có những bảo đảm như vậy thì không thể đoan chắc rằng tiến bộ sẽ bền vững.
Bà Aung San Suu Kyi cho hay trong nay mai đảng Liên minh Toàn quốc Đấu tranh cho Dân chủ sẽ quyết định xem có đăng ký với tư cách một đảng chính trị và tham gia những cuộc bầu cử sắp tới hay không. Tuần trước, sau khi thương thuyết với đảng này, chính phủ đã sửa đổi luật lệ bầu cử và đăng ký để cho phép đảng này tham gia.
Nếu đảng này đưa các ứng cử viên tham gia bầu cử, họ sẽ tạo tín nhiệm cho chính phủ của Tổng thống Thein Sein khi chính phủ này tìm cách vận động sự ủng hộ cho việc đứng ra tổ chức hội nghị thượng đỉnh của khối ASEAN vào năm 2014. ASEAN sẽ chính thức quyết định về nỗ lực của Miến Điện tại hội nghị diễn ra trong tuần này ở Bali, Indonesia.
Khi được hỏi là bà có ủng hộ cho nỗ lực này của chính phủ Miến Điện hay không, thì bà Suu Kyi đã trả lời một cách gián tiếp rằng, điều bà quan tâm hơn vai trò chủ tịch luân phiên của khối ASEAN là đời sống của nhân dân Miến Điện phải được cải thiện một cách rõ ràng.
Bà Aung San Suu Kyi bị giam giữ tại nhà trong hầu hết hai thập niên vừa qua, nhưng đã được phóng thích sau cuộc bầu cử gây nhiều tranh cãi hồi năm ngoái.
Cuộc bầu cử toàn quốc bị nhiều người lên án là một trò giả dối, chỉ để củng cố quyền cai trị của quân đội được ngụy trang dưới hình thức dân chủ.
Hiến pháp Miến Điện bảo đảm cho quân đội một phần tư trong tổng số ghế đại biểu của quốc hội và đảng do quân đội hậu thuẫn đã thắng giữa lúc có tin về gian lận bầu cử tràn lan và cử tri bị đe dọa khắp nơi.
Liên minh Toàn quốc Đấu tranh cho Dân chủ đã tẩy chay cuộc bầu cử vừa kể vì những luật lệ bất công, trong đó cấm bà Aung San Suu Kyi không được tham gia tranh cử.
Liên minh Toàn quốc Đấu tranh cho Dân chủ đã thắng trong cuộc bầu cử lần trước của Miến Điện diễn ra năm 1990, nhưng phe quân đội đã không chịu trao quyền lại cho đảng thắng cử.
Nhà lãnh đạo tranh đấu cho dân chủ tại Miến Điện, bà Aung San Suu Kyi, đã nêu lên các biện pháp tích cực để tiến tới dân chủ do chính phủ được phe quân đội hậu thuẫn đưa ra. Theo tường thuật của thông tín viên đài VOA, Daniel Schearf, gởi về từ Bangkok, trong bài diễn văn đánh dấu một năm được chấm dứt tình trạng quản thúc tại gia, nhân vật được trao tặng giải Nobel Hòa Bình của Miến Điện đã ca ngợi cuộc đối thoại và kêu gọi thiết lập đường lối pháp trị.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1