Đường dẫn truy cập

Buổi gây quĩ tài trợ pháp lý cho người Việt đang tị nạn Cộng Sản tại Thái Lan


Tỉnh Mae Hong Son, phía bắc Thái Lan.
Tỉnh Mae Hong Son, phía bắc Thái Lan.
Người Hoa Kỳ có câu nói rất nổi tiếng là “Freedom is not free’, tức là "Tự do không miễn phí", mà phải trả giá bằng sự tranh đấu, bằng sự hy sinh xương máu. Hơn ai hết những người Việt yêu chuộng Tự Do đang sống tại hải ngoại hiểu rõ ý nghĩa của câu nói này. Họ đã phải trả giá bằng chính sinh mạng của họ khi vuợt biên, vượt biển tìm tự do, sau biến cố tháng Tư, 1975. Rất nhiều người đã bỏ thây trong rừng sâu nước độc. Không ít người đã làm mồi cho cá ngoài đại dương.

Hơn 37 năm trôi qua, có lẽ thế giới nghĩ rằng ở Việt Nam vấn đề vượt biên đi tìm tự do không còn nữa. Trên thực tế, ít ai biết vẫn còn nhiều nguời Việt Nam liều mình bỏ nước ra đi chỉ vì muốn được những quyền Tự Do căn bản của con người. Đó là một sự kiện đáng tiếc đang xảy ra. Nhiều người Việt đã và đang trốn qua Thái Lan xin tị nạn vì lý do tôn giáo và chính trị. Có lẽ chỉ có những người Việt tị nạn Cộng sản mới thông cảm được lý do bỏ nước của những đồng hương này.

Tối Chủ nhật ngày 22 tháng 7, năm 2012 một buổi gây quĩ Tài Trợ Pháp Lý cho các đồng hương đang tị nạn tại Thái Lan, được tổ chức tại Houston với gần cả ngàn người tham dự. Ông Nguyễn Quởn, một thành viên trong ban tổ chức chia sẻ lý do ông cùng thân hữu hưởng ứng lời kêu gọi của tổ chức BPSOS đứng ra tổ chức buổi gây quỹ tài trợ pháp lý này tại Houston:

“Chúng tôi chỉ nghĩ tới chuyện duy nhất là vấn đề pháp lý, làm thế nào để đồng bào chúng ta có được quy chế tị nạn do Cao Ủy Liên Hiệp Quốc tại Thái Lan cấp cho. Muốn có được quy chế tị nạn đó thì điều cần nhất là phải có luật sư để sửa soạn hồ sơ.”

Ông cho biết hiện nay người Việt đang tị nạn tại Thái Lan gồm các nạn nhân giáo dân công giáo Cồn Dầu, những người Hmong theo đạo Tin Lành và các nhà tranh đấu cho dân chủ:

“Sau đợt Cồn Dầu thứ nhất chúng ta lại có đợt Cồn Dầu thứ hai và song song đó chúng ta lại có một số người Hmong, người ta đi đạo Tin Lành bị đàn áp ở vùng cao nguyên Việt Nam. Rồi thêm một số những anh em tù tội chính trị ở Việt Nam, sau khi ra tù thì bỏ trốn hoặc là những người đang bị truy lùng thì cũng đều trốn qua bên Thái Lan.”

Ông cũng nói thêm là đang có khoảng 800 người Việt tị nạn tại Thái Lan. Họ sống lén lút và đời sống của họ rất là khó khăn vì bị coi là những người cư trú bất hợp pháp:

“Rất là khổ! Về pháp lý thì họ vẫn là những người cư ngụ bất hợp pháp. Vì vậy vấn đề miếng cơm manh áo thì cũng rất là khó khăn. Họ cũng phải đi làm chui, có trường hợp họ đi làm cả tuần, cả tháng mà không được đồng nào, nếu người Thái Lan, người địa phương, biết là những người này cư trú bất hợp pháp thì họ không trả lương. Đó là hoàn cảnh rất là tội nghiệp.”

Ông giải thích rằng nếu họ được hưởng quy chế tị nạn chính trị thì Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc có thể giúp đỡ họ một phần về vấn đề ăn ở, thuốc men:

“Tuy nhiên nếu như chúng ta giúp họ được qui chế tị nạn thì về phía Cao Ủy Liên Hiệp Quốc sẽ giúp cho họ một phần, tôi xin nhắc lại là một phần chứ không phải tất cả, các vấn đề ăn uống và thuốc men cũng như trẻ em có quyền cắp sách tới trường đi học, nếu họ có qui chế tị nạn, mặc dù về phương diện di trú họ vẫn còn bất hợp pháp."

Hiện diện trong buổi gây quỹ có nhiều đồng hương đã từng trải qua các khó khăn trong thời đi tìm tự do sau biến cố 1975. Ông Nguyễn Văn Bằng, một cựu quân nhân trong quân lực Việt Nam Cộng Hòa, đến Mỹ tị nạn từ 1975, nói là ông đến để ủng hộ cho các đồng bào tị nạn đang ở Thái Lan:

“Ngày hôm nay ở đây họ có tổ chức gây quỹ pháp lý giúp cho đồng bào ta đang kẹt bên Thái Lan trong tương lai có cơ hôi đi định cư các nước khác. Vì lý do đó chúng tôi có mặt để tham dự.”

Ông Trần Thanh Tùng là người điều hợp các hoạt động giúp đỡ giáo dân Cồn Dầu khi họ trốn qua được Thái Lan, chia sẻ tình trạng của các giáo dân Công Giáo Cồn Dầu tại Thái Lan như sau:

“Trong số 83 giáo dân Cồn Dầu của chúng tôi ở Thái Lan và Mã Lai thì có 53 người đã được cấp qui chế tị nạn. Họ là những người đầu tiên vượt thoát sau trận đàn áp tại Cồn Dầu vào tháng 5 năm 2010, và họ đã dược chấp qui chế tị nạn. Còn 30 người khác là những anh chị em giáo dân Cồn Dầu đã bị kết án và bỏ tù hơn 1 năm và được thả ra họ chịu không nổi cho nên cuối cùng họ cũng phải vượt thoát...”

Ông cho rằng sự gia tăng đàn áp người dân của nhà nước làm cho nhiều người phải rời bỏ nơi chôn nhau cắt rốn để đi tìm tự do:

“Cái lý do mà tôi thấy đơn giản nhất là cái sự đàn áp. Cộng Sản Việt Nam gia tăng đàn áp tự do Tôn giáo, gia tăng đàn áp chính trị cho nên số người tị nạn gia tăng.”

Trong khi đó, anh Nguyễn Hữu Hải là một giáo dân Cồn Dầu vửa cùng vợ con đến định cư tại tiểu bang North Carolina, sau hơn 2 năm tị nạn tại Thái Lan, chia sẻ niềm vui của anh:

“Tôi thấy đời sống bên này, trước tiên cho tôi một cái không có gì quý bằng là hôm nay con thực sự tự do, thoát được chế độ Cộng Sản vô thần.”

Một giáo dân Cồn Dầu khác là Cô Nguyễn Thị Như Huỳnh vừa đến định cư tại tiểu bang Tennessy được 1 tháng, cho biết là sau vụ đám tang Cụ bà Maria Đặng Thị Tân vào tháng 5 năm 2010 tại Cồn Dầu, mẹ cô bị bắt còn cô thì bị công an đánh đập nên cô tìm cách trốn khỏi Việt Nam :

“Con tham gia đám tang của Cụ Maria Đặng thị Tân và là thành viên trong ca đoàn, đi hát lễ thì bị công an đàn áp và đã bắt mẹ con là Nguyễn Thị Thế, giam tù 6 tháng và sau đó bị án tù treo 9 tháng. Khi tham gia đám tang thì con bị đánh và bị bắt nhưng con đã thoát được thì con có sự hoảng sợ và bắt đầu trốn chạy.”

Hơn 37 năm đã trôi qua kể từ biến cố tháng Tư 1975, nhưng đến nay vẫn có những người Việt yêu chuộng tự do phải bỏ nước ra đi. Trước cao trao đòi hỏi Nhân Quyền trên thế giới nhà nước Việt Nam lại càng gia tăng đàn áp các tiếng nói Tự Do Dân Chủ. Những giáo dân Công Giáo Cồn Dầu, những người dân tộc Hmong theo Tin Lành và những nhà Dân chủ đã và đang trả giá rất đắt cho sự Tự Do của họ và họ đang trông chờ sự hỗ trợ của đồng bào hải ngoại. Quả vậy, “ Freedom is not Free’ như những người Hoa Kỳ thường nói.

Nguyễn Phục Hưng, Tường trình từ Houston, Texas.

VOA Express

XS
SM
MD
LG