Đường dẫn truy cập

Bùng nổ tranh cãi pháp lý khi Trump bỏ DACA


Những người được hưởng lợi nhờ chương trình DACA tham dự một sự kiện của các nhà lập pháp Đảng Dân chủ kêu gọi phe Cộng hòa xúc tiến luật di trú ở Điện Capitol, ngày 6 tháng 9, 2017.
Những người được hưởng lợi nhờ chương trình DACA tham dự một sự kiện của các nhà lập pháp Đảng Dân chủ kêu gọi phe Cộng hòa xúc tiến luật di trú ở Điện Capitol, ngày 6 tháng 9, 2017.

Quyết định của chính quyền Tổng thống Donald Trump bãi bỏ một chính sách thời Tổng thống Barack Obama trì hoãn trục xuất và cấp giấy phép lao động những di dân trẻ tuổi không giấy tờ được đưa đến Mỹ từ nhỏ, một lần nữa thu hút sự chú ý tới khía cạnh pháp lý của một trong những vấn đề di trú gây nhiều tranh cãi nhất giữa Đảng Dân chủ và Cộng hòa.

Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions hôm 5/9 loan báo chương trình Hành động Trì hoãn cho Người đến Mỹ lúc nhỏ, hay DACA, sẽ chấm dứt trong vòng sáu tháng để cho Quốc hội thời gian soạn thảo một đạo luật di trú giải quyết tình cảnh của gần 800,000 di dân trẻ tuổi này mà đại đa số có gốc gác từ Mexico.

Tổng thống Trump đã bị một số bang gây áp lực kiện lên tòa án liên bang nếu chính quyền ông không chấm dứt DACA. Trước đó khi vận động tranh cử, ông từng tuyên bố rằng chương trình này là sự ân xá “bất hợp pháp” của nhánh hành pháp.

Từ khi được ban hành, sắc lệnh của ông Obama đã gặp chỉ trích là vi hiến và rằng chỉ có Quốc hội mới có thẩm quyền ban hành luật về di trú. Họ nói rằng chương trình này có cơ sở pháp lý bấp bênh và sẽ không vượt qua những thách thức pháp lý khi bị đưa ra tòa án.

Nhưng hơn 100 giáo sư và giảng viên luật ở Mỹ tháng 8 vừa qua đã viết thư cho ông Trump khẳng định DACA là hợp pháp. “Theo quan điểm của chúng tôi, không có nghi ngờ gì về việc DACA 2012 là sự thực hành hợp pháp thẩm quyền truy tố. Kết luận của chúng tôi dựa trên nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực này và nghiên cứu kỹ lưỡng Hiến pháp Hoa Kỳ, luật hành chính, những đạo luật di trú, những quy định của liên bang và án lệ,” họ viết.

Thẩm quyền truy tố (prosecutorial discretion) là thẩm quyền của một cơ quan hay một viên chức thuộc nhánh hành pháp quyết định đưa ra cáo buộc nào hoặc theo đuổi từng trường hợp ra sao. “Thay vì cấp tư cách pháp lý, DACA chỉ trì hoãn hành động chấp pháp đối với những những di dân mà đã hội đủ những điều kiện nhất định và cho phép họ làm việc hợp pháp trong thời gian [hai năm],” Eric Holder, một cựu bộ trưởng tư pháp thời Obama viết trong một bài bình luận đăng trên báo The Washington Post hôm thứ Năm, lưu ý thêm rằng hình thức trì hoãn hành động đã được chính thức công nhận thuộc thẩm quyền của nhánh tư pháp kể từ thời Tổng thống Cộng hòa Ronald Reagan.

Luật sư Nguyễn Hoàng Duyên, một luật sư tại California có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực di trú, giải thích thêm:

“Sắc luật hành pháp của [Tổng thống Obama] không có khả năng sửa đổi luật di trú của Mỹ mà chỉ nói rằng trong 12 triệu người [di dân bất hợp pháp] đó thì mình trì hoãn mấy đứa nhỏ lại cho mấy đứa nhỏ không bị trục xuất liền bây giờ. Mà nếu không bị trục xuất liền bây giờ thì tạo cơ hội cho nó nên người tốt bằng cách cấp bằng để nó đi làm, để nó đi học, để làm được những việc tốt. Mục đích của DACA là như thế.”

Dù khẳng định sắc luật DACA là “hoàn toàn hợp hiến,” luật sư Duyên lưu ý rằng một giải pháp lâu dài để tạo điều kiện cho những di dân này trở thành thường trú nhân hoặc công dân Mỹ không thuộc thẩm quyền của Tổng thống mà là của Quốc hội.

Sau loan báo DACA bị hủy bỏ hôm 5/9, hai thượng nghị sĩ Dick Durbin của Đảng Dân chủ và Lindsey Graham của Đảng Cộng hòa đã kêu gọi Quốc hội nhanh chóng xúc tiến một dự luật lưỡng đảng mà sẽ cấp tư cách pháp lý cho những người đang được hưởng lợi từ chương trình DACA.

Dự luật có tên là DREAM cùng nhiều phiên bản của nó nhắm mục tiêu này đã không thông qua được Quốc hội kể từ năm 2011, và đó chính là nguyên nhân thúc đẩy Tổng thống Obama quyết định ban hành sắc lệnh DACA, dù DACA khác với dự luật DREAM ở chỗ nó không cung cấp một ngả đường hướng tới việc trở thành thường trú nhân hợp pháp hay nhập quốc tịch.

Thông qua một đạo luật DREAM trong tương lai gần có thể là một điều khó khăn. Quốc hội đang chuẩn bị đương đầu với một tháng làm việc bận rộn đầy những luật cần phải thông qua, như dự luật tăng trần nợ, cấp ngân quỹ cho chính phủ, cải tổ luật thuế, và ổn định các thị trường bảo hiểm y tế.

Nhưng quyết định của Tổng thống Trump bãi bỏ DACA càng khiến sự chú ý tập trung nhiều hơn vào số phận của hàng trăm ngàn người trẻ tuổi, những người có nguy cơ bị trục xuất nếu một đạo luật không được thông qua trong thời gian sáu tháng tới và ông Trump vẫn giữ nguyên quyết định bãi bỏ.

“Nếu mà Quốc hội hiểu rằng là sự hiện diện của một thế hệ trẻ như vậy thật sự làm phong phú thêm cho nước Mỹ, làm tăng thêm kinh tế, làm tăng thêm việc làm thì Quốc hội phải ngồi xuống và phải thảo luận cho thật lẹ,” luật sư Duyên nói.

VOA Express

XS
SM
MD
LG