Chính quyền Tổng thống Donald Trump ngày 5/9 tuyên bố chính thức hủy bỏ Chương trình Hoãn trục xuất những người nhập cảnh Mỹ bất hợp pháp từ khi còn nhỏ, gọi tắt là DACA, vốn có từ năm 2012 dưới thời Tổng thống Barrack Obama. Với quyết định của ông Trump, ít nhất 800.000 di dân không giấy tờ do cha mẹ đưa sang Mỹ bất hợp pháp sẽ bị ảnh hưởng và đứng trước nguy cơ bị trục xuất.
DACA là gì?
Để hiểu hơn về Chương trình DACA, cần phải quay lại với cuộc tranh cãi trong chính giới Hoa Kỳ trong suốt 15 năm từ thập niên 1990 cho tới giữa những năm 2000. Trong giai đoạn đó một lượng lớn gia đình bao gồm vợ và con của các lao động bất hợp pháp, chủ yếu người Mexico, đã vượt biên giới sang Mỹ để đoàn tụ với người thân của họ. Về cơ bản những người này hoàn toàn không có cơ hội trở thành công dân hợp pháp, thường trú nhân hay thậm chí là có giấy phép lao động hoặc giấy phép lái xe theo luật pháp Hoa Kỳ lúc đó.
Những đứa trẻ trong các gia đình ấy được bố mẹ đem tới Mỹ, trên thực tế, tự chúng hoàn toàn không biết là mình đang cư trú bất hợp pháp và chỉ cho tới khi đến tuổi vị thành niên, khi không thể đăng ký thi bằng lái xe hay nộp hồ sơ xin những khoản tài trợ học phí tại các trường cao đẳng và đại học vì không có số an sinh xã hội, chúng mới nhận ra thực trạng của mình.
Điều gì sẽ xảy ra với những đứa trẻ này, khi từ nhỏ chúng đã được đi học tại các trường học của nước Mỹ, thông thạo tiếng Anh, quen thuộc với cuộc sống và văn hóa như những đứa trẻ bản địa nhưng trong tương lai lại không thể có được một công việc hợp pháp để nuôi sống bản thân và ổn định cuộc sống? Liệu những đứa trẻ ấy có trở về quốc gia nơi chúng đã được sinh ra nhưng lại hầu như không biết tí gì về cuộc sống ở đó, hay chúng sẽ tiếp tục cuộc sống bất hợp pháp tại Mỹ như bố mẹ của chúng?
Một cuộc điều tra vào tháng 8 mới đây của chuyên gia chính trị - xã hội Tom Wong thuộc đại học tổng hợp California ở San Diego chỉ ra rằng có tới 25% những người có xuất thân là trẻ di cư bất hợp pháp hiện có con là công dân Mỹ và 73% có một người thân có thể là con cái, vợ chồng hoặc anh chị em ruột là công dân Mỹ.
Dự luật Dream Act
Đứng trước thực tế này, năm 2001, hai thượng nghị sĩ Orrin Hatch và Maria Cantwell giới thiệu dự luật Dream Act, theo đó, những di dân đến Mỹ từ khi còn nhỏ tuổi sẽ được phép nộp đơn xin cư trú hợp pháp với giấy phép lao động và thậm chí trở thành công dân Mỹ. Tuy nhiên, dự luật dự trù sẽ giúp 11 triệu di dân được hợp pháp hóa tình trạng cư trú tại Mỹ, không được đủ 60 phiếu thuận tại Thượng viện để chính thức được trở thành luật để ban hành và áp dụng.
DACA ra đời
Để tìm một giải pháp và cũng là lối thoát cho hàng triệu người nhập cư không giấy tờ tới Mỹ từ nhỏ có cơ hội được ở lại, làm việc hợp pháp, đóng góp chung vào lực lượng lao động của nước Mỹ, tháng 6 năm 2012, Tổng thống Barrack Obama ra sắc lệnh mở ra chương trình DACA, tạm thời bảo vệ những di dân này khỏi bị trục xuất. Những di dân trẻ tuổi không giấy tờ, nếu hội đủ một số điều kiện như tốt nghiệp trung học tại Mỹ, chưa từng vi phạm pháp luật… có thể nộp đơn xin giấy phép lao động trong hai năm để cư trú và làm việc hợp pháp tại Hoa Kỳ và phải xin gia hạn sau mỗi hai năm như thế.
Luật sư di trú Khanh Phạm gần chục năm kinh nghiệm, hiện đang làm việc tại Texas, giải thích thêm về tính chất của sắc lệnh về DACA do cựu Tổng thống Obama ban hành:
“Chương trình bảo vệ chống trục xuất đối với trẻ em nhập cư bất hợp pháp tại Mỹ của ông Obama chỉ là một cái sắc lệnh thôi. Vì thế ông không cần phải thông qua quốc hội và cũng không cần phải đi qua con đường bình thường. Đây là sắc lệnh được quyết định trực tiếp bởi Tổng thống đối với người nhập cư.”
Theo số liệu ước tính năm 2014 của Viện nghiên cứu chính sách di dân, trong số gần 400.000 người nhập cư trẻ tuổi được thống kê, do nhiều lý do như sống trong các gia đình có thu nhập thấp và mặc cảm về tình trạng bất hợp pháp của bản thân, rất nhiều người đã bỏ học ở bậc trung học, chỉ khoảng 5% số người này có bằng đại học và khoảng 20% khác đang đăng ký học cao đẳng mà thôi.
Trong khi đó, điều tra của chuyên gia Wong trong tháng 8 vừa qua cho thấy chương trình DACA đã giúp những lao động xuất thân là dân nhập cư bất hợp pháp từ nhỏ tăng thu nhập tới 80% từ khoảng 20.000 lên 36.000 đô la/năm. 65% số lao động được khảo sát sở hữu xe mới và 16% mua được nhà riêng. 5% những người này có cơ sở kinh doanh riêng.
Tới 60% những người thuộc đối tượng của chương trình DACA là trên 25 tuổi, có nghĩa là họ đã gia nhập lực lượng lao động Mỹ từ trước khi DACA ra đời. Với chương trình này, họ có thể tìm được công ăn việc làm phù hợp với trình độ học vấn và các kỹ năng đã được đào tạo. 61% số người tham gia cuộc thăm dò cho biết tìm được công việc phù hợp với chuyên môn và mong muốn của mình.
DACA kết thúc
Việc Tổng thống Donald Trump chấm dứt chương trình DACA được xem là một phần trong nỗ lực thực hiện lời cam kết của ông khi tranh cử về việc cải tổ di trú Hoa Kỳ.
Luật sư di trú Khanh Phạm:
“Cái này là một sự hứa hẹn của ông đối với những người bầu cho ông ý. Bởi trong cuộc chạy đua vào Nhà trắng thì ông ý đã nói ông ý sẽ cắt đứt chương trình này vì ông ý nghĩ những người ở đây bất hợp pháp thì ông muốn trục xuất những người đó. Ông cho rằng những người này thường làm những điều vi phạm, tạo ra sự không an toàn cho xã hội nên ông ý muốn trục xuất. Nhưng theo ý kiến của tôi thì hầu hết họ đều là những người lao động, lao động tích cực và cực khổ, đóng thuế và những người vi phạm pháp luật (trong số họ) thì rất ít. Ông Trump làm là để ông ý giữ lời hứa với mong muốn tạo uy tín trong nhiệm kỳ 4 năm tiếp theo sau này thôi.”
Với DACA bị xóa sổ ngày 5/9/17, giới hữu trách không tiếp nhận các đơn mới nữa. Tuy nhiên, với những người đang được hưởng lợi từ DACA, các giới chức cho biết giấy phép làm việc của họ sẽ tiếp tục có hiệu lực đến ngày hết hạn; các đơn xin DACA đã nộp trước ngày 5/9/17 sẽ được xử lý; những ai hết hạn diện DACA trước ngày 5/3/18 có một tháng để xin giấy làm việc 2 năm và những giấy xin gia hạn sẽ được xem xét.
Nếu Quốc hội không thông qua được một luật nào bảo vệ những người theo diện DACA thì gần 300 ngàn người sẽ bắt đầu mất tình trạng hợp lệ và đối mặt với nguy cơ trục xuất trong năm 2018 và hơn 320 ngàn người nữa sẽ bị mất tình trạng hợp lệ trước tháng 8 năm 2019.