Brazil đang lâm vào rối loạn chính trị chờ đợi phản ứng của Tổng thống Dilma Rousseff về việc khởi động thủ tục luận tội bà ta, trong khi chưa đầy bốn tháng nữa là Thế vận hội khai mạc ở Rio de Janeiro.
Thượng viện có thể bỏ phiếu vào đầu tháng 5 để tiến hành luận tội nhà lãnh đạo cánh tả 68 tuổi này, và nếu việc đó xảy ra, bà ta sẽ bị buộc phải từ nhiệm lên tới 180 ngày trong khi một phiên xét xử luận tội được tiến hành. Chỉ cần một đa số quá bán ở Thượng viện để tiến hành xét xử và truyền thông Brazil cho hay 45 trong số 81 thượng nghị sĩ ủng hộ xét xử.
Phó Tổng thống Michel Temer, người từng là đồng minh của bà Rousseff nhưng giờ bị bà cáo buộc là kẻ phản bội, sẽ đảm nhiệm chức vụ tổng thống nếu bà Rousseff bị đình chỉ. Nhưng ông ta bị nêu tên trong vụ tham nhũng khổng lồ của Brazil tập trung vào công ty dầu khí nhà nước Petrobas và ông ta cũng đã chấp thuận một số thủ thuật che giấu thâm thủng ngân sách của chính phủ vốn là trọng tâm của vụ luận tội bà Rousseff.
Suốt sáu giờ biểu quyết huyên náo hôm Chủ nhật, hạ viện của Quốc hội Brazil, Viện Đại biểu, đã biểu quyết với tỉ lệ áp đảo 367-137 để bắt đầu quá trình luận tội.
Pháo hoa thắp sáng bầu trời đêm ở Sao Paulo và Rio. Hàng trăm ngàn người biểu tình, kêu gọi lật đổ bà Rousseff cũng như ủng hộ bà, đã xuống đường ở những thành thị khắp cả nước trong những cuộc biểu tình ôn hòa.
"Luận tội!" là hàng tít lớn hôm thứ Hai trên tờ báo Folha de Sao Paulo. "Sắp cáo chung," một hàng tít của tờ O Globo nói. Tờ báo này nói thêm, "Dilma Rousseff hôm qua đã bắt đầu nói lời giã biệt nhiệm kỳ tổng thống của Brazil."
Bà Rousseff không đưa ra tuyên bố tức thời nào sau cuộc biểu quyết chống lại bà.
Công tác chuẩn bị Olympics tiếp tục
Ủy ban Olympic Quốc tế cho biết quá trình luận tội bà Rousseff sẽ không làm đình trệ công tác chuẩn bị dẫn đến Thế vận hội mùa hè, theo lịch khai mạc vào ngày 5 tháng 8. Ủy ban cho biết công tác chuẩn bị "bây giờ đã bước vào giai đoạn hoạt động rất cao, lúc mà những vấn đề chính trị kiểu này có ảnh hưởng ít hơn nhiều so với ở những giai đoạn khác của việc tổ chức Thế vận hội ".
Những cuộc khảo sát chính trị cho thấy tỉ lệ ủng hộ dành cho bà Rousseff đã tuột xuống mức một chữ số giữa những cáo buộc bà có dính líu trong những thủ thuật thao túng ngân sách vào năm 2014, trước khi bà tái đắc cử để che giấu tình hình kinh tế sa sút thấy rõ của đất nước, những chiến thuật mà những người ủng hộ bà nói rằng cũng đã được sử dụng bởi những nhà lãnh đạo khác của Brazil trong quá khứ.
Không lâu trước đây, Brazil từng được xem là một cường quốc kinh tế toàn cầu đang trỗi dậy, nhưng bây giờ nước này đang ở trung tâm của cuộc suy thoái kinh tế trầm trọng nhất kể từ những năm 1930, và nhiều người chỉ trích đổ lỗi cho bà Rousseff về tình trạng này. Những cuộc thăm dò dư luận cho thấy 60% người dân Brazil ủng hộ luận tội bà.
Bản thân bà Rousseff không bị cáo buộc tham nhũng, nhưng chính phủ của bà đã bị vấy bẩn bởi vụ bê bối tham nhũng tại Petrobas.
Congresso em Foco, một nhóm giám sát có tiếng ở Brazil, cho biết hơn 300 nhà lập pháp biểu quyết chống lại bà Rousseff hiện đang bị điều tra tham nhũng, gian lận hoặc những vi phạm bầu cử. Chủ tịch Viện Đại biểu Eduardo Cunha, người thứ hai trong hàng ngũ đảm nhiệm vai trò tổng thống, bị cáo buộc nhận 5 triệu đôla tiền hối lộ trong vụ Petrobas.
Tham nhũng tràn lan
Nhà phân tích Mỹ Latin Sean Burges của Đại học Quốc gia Australia nói với VOA rằng chính phủ của ông Luiz Inacio Lula da Silva và của bà Rousseff, người mà ông ta đích thân lựa chọn, đã thực hiện "những hành vi tham nhũng đáng kinh ngạc, nhưng không tệ hơn bất kỳ đảng nào từng nắm quyền ở Brazil."
Ông nói rằng "về tính chính danh, người nào cầm quyền ở Brazil sẽ có một khoảng thời gian khủng khiếp."
Hành động luận tội bà Rousseff là lần thứ hai trong vòng chưa đầy một phần tư thế kỷ Brazil mở thủ tục luận tội nhắm vào một nhà lãnh đạo. Năm 1992, tổng thống khi đó là ông Fernando Collor de Mello đã từ chức sau khi bị luận tội và trước khi Thượng viện thụ lý vụ việc mà trong đó ông ta bị cáo buộc gieo rắc ảnh hưởng.
Tại Hạ viện hôm Chủ nhật, 513 đại biểu đứng dậy công bố quyết định của mình trước micro, với những tiếng reo hò và đôi khi nhạo báng đáp lại từ những thành viên còn lại.
Phải mất năm tiếng đồng hồ mới đạt được đa số hai phần ba cần có, hoặc 342 người biểu quyết, để bắt đầu quá trình luận tội. Phe chống đối mà Rousseff hò reo cuồng liệt khi đạt tới con số thứ 342.
Jose Eduardo Cardozo, bộ trưởng tư pháp của bà Rousseff, mô tả cuộc biểu quyết là "một cuộc đảo chính chống lại dân chủ."
Lãnh đạo Đảng Công nhân đương quyền trong Hạ viện, Jose Guimaraes, nói, "Những kẻ âm mưu đảo chính đã thắng." Ông ta gọi đó là một "thất bại tạm thời" và cho biết điều đó không có nghĩa là cuộc chiến kết thúc.
"Cuộc chiến sẽ tiếp tục trên đường phố và trong Thượng viện," ông ta nói.
Bà Rousseff lần đầu tiên được bầu vào năm 2010, với Đảng Công nhân cánh tả giờ nắm quyền được13 năm qua.