Cuối tuần trước (15 tháng 3), chủ đầu tư công trình đường tránh thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, chính thức mở lại các quầy thu phí tại Trạm thu phí Bắc Thăng Long – Nội Bài, tái thu phí cho công trình họ đã đầu tư, cách đó khoảng… 40 cây số. Đầu tuần tới (25 tháng 3), Trạm thu phí Cai Lậy cũng sẽ mở cửa để chủ đầu tư công trình đường tránh thị xã Cai Lậy tiếp tục thu phí.
Cả hai công trình vừa kể có một số điểm chung: Buộc tất cả các phương tiện giao thông phải trả phí cho chủ đầu tư những tuyến đường tránh các khu vực đông dân cư, bất kể người điều khiển những phương tiên giao thông ấy có đi lại trên đường tránh hay không! Do bị cả dư luận lẫn công luận phản đối kịch liệt, hai trạm thu phí cho hai đường tránh này từng phải tạm ngưng hoạt động.
Ngoài dư luận và công luận, chính quyền các địa phương cũng không tán thành việc đặt trạm, thu phí cho các đường tránh. Năm ngoái, chính quyền thành phố Hà Nội từng yêu cầu Bộ Giao thông – Vận tải (Bộ GTVT) nghiên cứu, đề nghị Thủ tướng Việt Nam dẹp bỏ Trạm thu phí Bắc Thăng Long – Nội Bài vì không thể để chủ đầu tư công trình đường tránh Vĩnh Yên trấn lột dân chúng, doanh giới vô lý như vậy (1).
Cũng năm ngoái, do chủ đầu tư tuyến tránh thị xã Cai Lậy từng được Bộ GTVT cho phép… duy tu một đoạn ngắn trên quốc lộ 1, chính quyền tỉnh Tiền Giang đề nghị giảm tối đa mức phí mà Trạm thu phí Cai Lậy sẽ thu để lấy lại vốn duy tu và đặt một trạm thu phí riêng trên đường tránh để thu tiền những phương tiện giao thông sử dụng đường tránh song giải pháp đó không được chấp nhận (2).
***
Phát triển hệ thống giao thông theo hình thức BOT là dùng nguồn vốn ngoài ngân sách mở rộng hạ tầng giao thông, tạo tiền đề thăng tiến kinh tế - xã hội. Tuy nhiên tại Việt Nam, hệ thống công quyền thường chỉ chọn công lộ - xây dựng bằng công quỹ, giao cho các “nhà đầu tư” sửa chữa chút đỉnh rồi thu phí. Chất lượng một số công trình giao thông thật sự là mới, hình thành từ phương thức BOT thì như… mèo mửa.
Cho dù hết Thanh tra của chính phủ Việt Nam (3) đến Kiểm toán của nhà nước Việt Nam (4) cùng xác nhận, trong quá trình phát triển hệ thống giao thông bằng hình thức BOT, hệ thống công quyền đã hành xử hết sức bất thường: Liên tục thay đổi qui mô để các “nhà đầu tư” có cơ hội thu phí cao hơn và lâu hơn. Dễ dãi tới đáng ngờ khi cho phép các “nhà đầu tư” thực hiện dự án BOT ở một nơi rồi đặt trạm thu phí ở một nơi khác.
Đó là chưa kể, cả Kiểm toán lẫn Thanh tra đã vạch mặt, chỉ tên hàng loạt dự án đầu tư vào hạ tầng giao thông theo hình thức BOT có dấu hiệu phạm pháp: Không tổ chức đấu thầu mà chỉ định “nhà đầu tư”. Chọn “nhà đầu tư” không có vốn, không đủ năng lực thi công, thiếu kinh nghiệm và khả năng quản trị, tiền đổ vào các dự án chủ yếu là tiền vay ngân hàng, khiến cả hệ thống ngân hàng lẫn an ninh tài chính quốc gia bị biến thành “con tin”… Tuy nhiên đến nay, vẫn không có bất kỳ cá nhân nào bị truy cứu trách nhiệm!
***
Kết luận điều tra, Cáo trạng, Bản án vụ Phan Văn Vĩnh (Trung tướng, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát), Nguyễn Thanh Hóa (Thiếu tướng, Cục trưởng Cục Cảnh sát chống tội phạm công nghệ cao), đỡ đầu cho Nguyễn Văn Dương, Phan Sào Nam tổ chức đánh bạc qua Internet chỉ xác định, ông Dương dùng thủ thuật nâng khống vốn điều lệ của UIDC để trở thành “nhà đầu tư” dự án BOT Bắc Giang – Lạng Sơn, sau đó chuyển lợi nhuận thu được từ tổ chức đánh bạc qua Internet vào UIDC, vừa nhằm bù vào khoản vốn đã khai khống, vừa hợp thức hóa khoản tiền do tổ chức đánh bạc mà có (5)… rồi phạt ông Dương năm năm tù do “rửa tiền”. Hệ thống tư pháp Việt Nam không bận tâm, điều tra thêm, truy cứu trách nhiệm hình sự những cá nhân đã làm ngơ về năng lực tài chính của UIDC, giúp sức cho ông Dương “rửa tiền” qua dự án BOT Bắc Giang – Lạng Sơn.
Tương tự, trong qui hoạch nhân sự, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam vẫn sắp đặt ông Lê Ngọc Hoa làm “cán bộ chủ chốt”. Sau khi gia đình ông Hoa trở thành chủ sở hữu khoảng 10 triệu cổ phiếu của Cienco 4, ông Hoa – Tổng Giám đốc Cienco 4, chủ đầu tư dự án BOT cầu Bến Thủy (nằm trên quốc lộ 1, bắc qua sông Lam, nối Nghệ An với Hà Tĩnh) – được chọn làm Phó Chủ tịch tỉnh Nghệ An. Trước phản ứng dữ dội của dư luận và công luận, tháng 12 năm 2016, ông Đặng Quốc Khánh, Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh, rụt rè đề nghị chuyển hai trạm thu phí cho dự án BOT cầu Bến Thủy về đúng vị trí của dự án này và giảm 60% mức phí cho các phương tiện giao thông trong vùng, ông Hoa nổi xung, đăng đàn, mắng Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh “vớ vẩn” vì các trạm thu phí cho dự án cầu Bến Thủy nằm trên đất Nghệ An, không liên quan gì đến Hà Tĩnh (6)…
***
Năm ngoái, khi cả dư luận lẫn công luận đồng loạt lên tiếng phản đối sự tùy tiện, đòi làm rõ những dấu hiệu bất minh trong phê duyệt – lựa chọn nhà đầu tư các dự án giao thông được thực hiện theo hình thức BOT, nhiều viên chức hữu trách từ địa phương đến trung ương nhắc nhở hệ thống chính trị, hệ thống công quyền phải tích cực “tuyên truyền, thuyết phục nhân dân ủng hộ” 17 trạm thu phí đặt sai chỗ (7)!
Năm nay, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương bắt đầu hành động nhưng không phải là điều tra, truy cứu trách nhiệm những cá nhân liên quan đến việc phê duyệt – lựa chọn nhà đầu tư các dự án giao thông được thực hiện theo hình thức BOT vốn đầy dẫy những điểm phi lý, đáng ngờ. Hành động đầu tiên là sử dụng du đãng hành hung những người phản đối, đập phá phương tiện của họ (8).
Đối với những cá nhân cứng đầu, khó bảo, đã dùng du đãng dạy bảo nhưng vẫn khăng khăng đòi minh bạch, gây khó khăn cho hoạt động của các trạm thu phí như tài xế Hà Văn Nam thì dẫu cho Thanh tra của chính phủ Việt Nam, Kiểm toán của nhà nước Việt Nam đã từng xác định là cần xem xét lại sự tồn tại của các trạm thu phí này vẫn cương quyết tống vào tù (9).
Việc chính quyền thành phố Hà Nội từng đề nghị dẹp bỏ Trạm thu phí Bắc Thăng Long – Nội Bài là chuyện năm ngoái, nhiệm vụ năm nay của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền là phải giúp “nhà đầu tư” công trình giao thông theo hình thức BOT thu phí trở lại. Cảnh sát giao thông không đủ răn đe thì điều động thêm cảnh sát cơ động, các loại công an khác. Dùi cui chưa đủ để gây ngán ngại thì phát thêm cả AK cho cảnh sát mang (10)…
Sau khi an ninh đã được thắt chặt tại khu vực Trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài, ông Nguyễn Hữu Trí, Đại tá, Giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang, loan báo, lực lượng vũ trang của tỉnh này đã hoàn tất “phương án bảo đảm an ninh trật tự” cho Tram thu phí Cai Lậy khi trạm này hoạt động trở lại (11). Theo hướng này, các trạm thu phí cho những công trình giao thông được đầu tư theo hình thức BOT sẽ trở thành nơi thể hiện “sức mạnh chuyên chính vô sản” trên con đường “xây dựng chính phủ liêm chính”.
***
Hai từ “liêm chính” vốn không mới. Tuy nhiên do hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam không chuộng, ít dùng trong một thời gian dài nên “liêm chính” trở thành xa lạ với nhiều người Việt, đặc biệt là thế hệ trẻ. “Liêm chính” chỉ mới trở lại trên môi, miệng của những người cộng sản khi tình thế, nhân tâm buộc họ phải cam kết “tự chỉnh đốn”.
Song nghe vậy đừng… tưởng vậy! Ngữ nghĩa của “liêm chính” trên môi miệng những người cộng sản đã khác hẳn trước. Muốn biết “liêm chính” theo kiểu cộng sản ra sao, hãy nhìn các diễn biến liên quan đến những trạm thu phí cho những công trình giao thông được đầu tư theo hình thức BOT. Đó cũng là cách để giúp hiểu tường tận hơn về “minh bạch” theo kiểu cộng sản.
Chú thích
(2) https://news.zing.vn/tien-giang-de-xuat-2-phuong-an-thu-phi-tuyen-tranh-cai-lay-post875157.html
(3) https://nhadautu.vn/phat-hien-hang-loat-sai-pham-tai-cac-du-an-bt-bot-d5060.html
(5) https://vov.vn/phap-luat/trum-co-bac-nguyen-van-duong-rua-nghin-ty-qua-du-an-bot-the-nao-840308.vov
(6) http://soha.vn/tram-bot-tai-tinh-thai-binh-chung-ta-biet-la-bat-hop-ly-roi-20180727105308163.htm
(7) https://news.zing.vn/khoi-to-vu-dap-pha-oto-o-tram-bot-bac-hai-van-post918052.html
(8) https://www.tienphong.vn/phap-luat/tai-xe-ha-van-nam-bi-bat-de-dieu-tra-hanh-vi-gay-roi-1385019.tpo
(11) https://tuoitre.vn/0h-ngay-25-3-tram-bot-cai-lay-thu-phi-tro-lai-20190314100804003.htm