Đường dẫn truy cập

Thấy gì từ chuyện kẹt xe sau Tết


Xe cộ một buổi tối tháng 11 ở Sài Gòn, dọc sông Sài Gòn.
Xe cộ một buổi tối tháng 11 ở Sài Gòn, dọc sông Sài Gòn.

Có lẽ còn lâu dư luận mới nguội sau khi hình ảnh và những thông tin liên quan đến chuyện người – xe kẹt cứng trên nhiều con đường theo hướng từ đồng bằng sông Cửu Long đến TP.HCM, đặc biệt là tại “cửa” vào Sài Gòn, tràn lan cả trên mạng xã hội lẫn hệ thống truyền thông chính thức.

Đã có rất nhiều người so sánh tổng chiều dài cao tốc ở miền Bắc, miền Trung (khoảng 2.400 cây số), với tổng chiều dài cao tốc ở đồng bằng sông Cửu Long (vỏn vẹn 40 km), để chỉ ra sự chênh lệch rất lớn về tiện nghi hạ tầng của các khu vực. Miền Nam làm bao nhiêu nộp bấy nhiêu để nuôi các vùng, miền khác nhưng chỉ được hưởng sái (1).

Tất nhiên không phải tự nhiên mà thiên hạ đồng thanh cho rằng, TP.HCM nói riêng, đồng bằng sông Cửu Long và miền Nam Việt Nam nói chung bị xem là bò, không may rơi vào tay chủ bò là thứ vừa vô nhân, vừa thiển cận, chỉ biết vắt cho kiệt cả sức lẫn sữa bò mà không cho ăn, không cho nghỉ ngơi.

Đừng nghĩ thế, nói thế mà thêm… tội!

Cho dù kinh tế èo uột, hạ tầng miền Trung, đặc biệt là miền Bắc vẫn tốt hơn hẳn, dẫu ở miền Trung, miền Bắc, nhiều con đường ngốn hết ngàn tỉ này đến ngàn tỉ khác rồi để đó, thậm chí không thiếu những con đường làm xong chỉ để thả trâu, bò (2) nhưng ai dám bảo dân miền Trung, miền Bắc thoát kiếp làm… bò và được chủ bò nương tay?

Bế tắc về sinh kế, cư dân đồng bằng sông Cửu Long lũ lượt bỏ xứ, đổ về TP.HCM kiếm sống thì dân miền Trung, miền Bắc cũng thế, thậm chí họ còn lũ lượt thế chấp nhà cửa, ruộng vườn để được đi làm mướn bên ngoài Việt Nam, kể cả Lào, Trung Quốc. Miền Trung, miền Bắc đâu có thiếu những ngôi làng chỉ còn người già, trẻ con.

Ở đâu thì đầu tư vào hạ tầng, thực hiện dự án cũng nhân danh phát triển nhưng có nơi nào kinh tế - xã hội tạo ra cơm no, áo ấm, an lành cho số đông? Thực thi “công bằng” ở miền Nam thế nào thì màu sắc “dân chủ” ở miền Trung, diện mạo “văn minh” ở miền Bắc cũng thế. Dưới sự lãnh đạo “tài tình, sáng suốt” của đảng CSVN, làm gì có dân miền nào may mắn, hạnh phúc hơn dân những miền khác!

Chỉ bày tỏ sự bất bình, đòi đối xử công bằng, yêu cầu giảm chỉ tiêu đóng góp cho công khố đối với TP.HCM nói riêng, đồng bằng sông Cửu Long nói chung để có thể tái đầu tư vào hạ tầng, gia tăng phúc lợi công cộng giống như dặm nền để phát triển tốt hơn, như nhiều người vẫn nghĩ, vẫn nói trước nay là thêm… tội!

Từ cuối năm 2017 – thời điểm Quốc hội Việt Nam “nhất trí” thông qua “Nghị quyết về cơ chế đặc thù cho TP.HCM” – dẫu quyền hạn trong quản trị điều hành (tự quyết về chuyển đổi mục đích sử dụng đất, tự quyết về chủ trương đầu tư các dự án vốn thuộc thẩm quyền chính phủ, tự quyết về một số loại thuế - phí, được hưởng 100% số thu tăng thêm từ các khoản thu do điều chỉnh chính sách thu, được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán công sản,…) được nới rộng (3), có nhiều tiền hơn nhưng hệ thống chính trị, hệ thống công quyền TP.HCM đã làm được gì ngoài Quyết định xây dựng “Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch”, trị giá 1.508 tỉ đồng, tại Thủ Thiêm, Quyết định xây dựng “Quảng trường Hồ Chí Minh” (diện tích 27 héc ta, ngoài quảng trường, còn có Cột cờ tổ quốc, Công viên lưu niệm 63 tỉnh – thành phố, Nhà Trưng bày về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhà sàn và ao cá Bác Hồ), trị giá 2.000 tỉ, cũng tại Thủ Thiêm (4), San phẳng khu dân cư Lộc Hưng ở Tân Bình?..

Lấy gì bảo đảm giảm nghĩa vụ đóng góp, đầu tư mạnh mẽ hơn cho TP.HCM và đồng bằng sông Cửu Long sẽ giải quyết được các vấn nạn kinh tế - xã hội càng ngày càng trầm kha? Ai dám khẳng định công thổ, công sản sẽ được mua bán sòng phẳng, sử dụng hợp pháp, hợp lý, không có chấm mút, chia chác, những cao tốc sẽ được xây dựng không có hố, ổ, những trạm BOT tận thu như ở miền Trung, miền Bắc?..

***

Với những đặc điểm như đã biết của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam, sau tiến trình lựa chọn – quy hoạch – bổ nhiệm làm cán bộ chủ chốt vốn rất nhất quán từ trung ương đến địa phương, ai dám tin những đảng viên cộng sản ở TP.HCM và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, trí tuệ, tử tế, tự trọng, sạch sẽ hơn các đồng chí của họ ở miền Trung, miền Bắc?

Nếu nhìn những vấn nạn kinh tế - xã hội ở TP.HCM và đồng bằng sông Cửu Long hiện nay, trong đó có tình trạng kẹt cứng, không thể di chuyển, tiến chẳng được mà thoái cũng chẳng xong sau đợt nghỉ Tết âm lịch,… hoàn toàn chỉ vì đối xử chưa công bằng, đầu tư chưa hợp lý, giống như các cơ quan truyền thông chính thức đang biện giải (5) thì chỉ thêm… tội, một thứ tội tổ tông, chính mình dẫu không hề phạm tội nhưng vì lỗi của ông cha, nên mình mang, con mình mang, cháu mình mang!

Chú thích

(1) http://www.sggp.org.vn/i-ach-cao-toc-ve-mien-tay-553068.html

(2) https://vietnammoi.vn/duong-52-ti-dong-khong-bong-nguoi-bo-nhon-nho-dung-nam-tao-dang-157763.html

(3) https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Dau-tu/Nghi-quyet-54-2017-QH14-thi-diem-co-che-chinh-sach-dac-thu-phat-trien-Thanh-pho-Ho-Chi-Minh-367070.aspx

(4) http://vietnamnet.vn/vn/bat-dong-san/du-an/quang-truong-2000-ty-o-thu-thiem-ubnd-tp-hcm-kien-nghi-dat-ten-la-quang-truong-ho-chi-minh-482857.html

(5) https://tuoitre.vn/thao-nut-ket-xe-kinh-hoang-khong-the-cham-tre-them-nua-20190212075705822.htm

  • 16x9 Image

    Trân Văn

    Trân Văn là bút danh của một nhà báo có 28 năm làm việc ở nhiều vị trí khác nhau (Cộng tác viên, Phóng viên, Biên tập viên, Thư ký Tòa soạn) của một số đài truyền hình, đài phát thanh, nhật báo, tuần báo, báo điện tử tại Việt Nam và Hoa Kỳ. Các bài viết của Trân Văn là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG