Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jack Lew hôm thứ Tư cảnh báo không nên sử dụng thái quá các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với các nước khác để thay đổi hành vi của họ, ông nói rằng các biện pháp đó có thể gây hại đến vai trò của Mỹ trong nền kinh tế thế giới.
Mỹ đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với nước ngoài trong nhiều thập kỷ, gần đây nhất đã đạt thành công đưa Iran vào bàn đàm phán để ngăn chặn việc nước này phát triển loại vũ khí hạt nhân, trong khi không thành công trong việc lật ngược lại hành động của Nga giành lấy bán đảo Crimea của Ukraine. Các lệnh trừng phạt của Mỹ và châu Âu, cùng với giá dầu thế giới ở mức rất thấp, đã góp phần đẩy nền kinh tế Nga vào suy thoái, nhưng Moscow vẫn duy trì quyền kiểm soát Crimea.
Trong một bài phát biểu ở Washington tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, ông Lew đã có quan điểm chừng mực về tính hiệu quả của các biện pháp trừng phạt kinh tế.
"Không nên áp dụng các lệnh trừng phạt một cách vội vàng", ông Lew nói. "Chúng ta phải ý thức về nguy cơ là việc lạm dụng các biện pháp trừng phạt có thể làm suy yếu vai trò lãnh đạo của chúng ta trong nền kinh tế toàn cầu, cũng như làm suy yếu chính tính hiệu quả của các biện pháp trừng phạt".
Ông cho biết có nguy cơ là "khi có quá nhiều các lệnh trừng phạt cuối cùng sẽ đẩy hoạt động kinh doanh ra khỏi hệ thống tài chính của Mỹ". Ông Lew cho rằng điều đó "có thể trở nên nghiêm trọng hơn nếu có những nước thay thế Mỹ làm trung tâm của hoạt động tài chính, và có những đồng tiền khác thay thế đồng đôla Mỹ làm đồng tiền dự trữ ưu việt của thế giới, mà họ lại đảm nhận vai trò lớn hơn trong hệ thống tài chính toàn cầu".
"Không được phép cho rằng vai trò trung tâm của chúng ta là điều đương nhiên", ông cảnh báo. "Nếu luật pháp và các công ty nước ngoài cảm thấy rằng chúng ta sẽ triển khai các biện pháp trừng phạt mà không đủ lý lẽ biện minh hoặc vì những lý do không phù hợp - nhất là các biện pháp trừng phạt thứ cấp – thì chúng ta đừng có ngạc nhiên nếu như họ tìm cách để tránh tiến hành kinh doanh tại Mỹ hoặc bằng đôla Mỹ".
Các biện pháp trừng phạt nhằm vào Iran gắn với chương trình hạt nhân của nước này đã được nới lỏng, nhưng ông Lew cho biết Mỹ vẫn duy trì các lệnh trừng phạt khác đối với Tehran liên quan đến hỗ trợ chủ nghĩa khủng bố, thử nghiệm phi đạn và vi phạm nhân quyền.
"Vì mục tiêu của các biện pháp trừng phạt là để gây áp lực với những thành phần xấu để thay đổi chính sách của họ, chúng ta phải sẵn sàng giúp khắc phục sau khi các lệnh trừng phạt đi đến thành công", ông Lew nói. "Nếu chúng ta không làm những việc liên quan sau đó cho đến cùng, chúng ta gây xói mòn uy tín của chúng ta cũng như làm tổn hại khả năng của chúng ta về sử dụng các biện pháp trừng phạt nhằm thúc đẩy sự thay đổi chính sách. ... Vì Iran đã làm đúng phần của họ theo thỏa thuận, nên trách nhiệm của chúng ta là làm đúng phần của chúng ta về cả lời văn và tinh thần".