Đường dẫn truy cập

Mỹ và đồng minh muốn TQ chấp hành lệnh chế tài Bắc Triều Tiên


Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và chính khách cao cấp của Đảng Cộng sản Trung Quốc Lưu Vân Sơn tại Bình Nhưỡng, ngày 10/10/2015.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và chính khách cao cấp của Đảng Cộng sản Trung Quốc Lưu Vân Sơn tại Bình Nhưỡng, ngày 10/10/2015.

Trong lúc nhóm họp tại Washington vào ngày mai để tìm cách ứng phó với mối đe dọa hạt nhân của Bắc Triều Tiên, các nhà lãnh đạo Mỹ, Nhật và Nam Triều Tiên, theo dự liệu, sẽ thảo luận về việc Trung Quốc sẽ chấp hành lệnh chế tài Bắc Triều Tiên như thế nào. Thông tín viên Brian Padden của VOA gởi về bài tường thuật sau đây từ Seoul.

Tổng thống Barack Obama, Thủ tướng Shinzo Abe và Tổng thống Park Guen Hye sẽ tham dự cuộc họp bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Hạt nhân trong tuần này tại Washington.

Cuộc họp ba bên này là lần đầu tiên các nhà lãnh đạo Mỹ, Nhật và Nam Triều Tiên gặp gỡ nhau kể từ khi Liên Hiệp Quốc áp đặt các biện pháp chế tài mới đối với Bắc Triều Tiên vì vụ thử nghiệm hạt nhân lần thứ tư hồi tháng giêng.

Mỹ và các nước đồng minh muốn áp dụng các biện pháp chế tài nghiêm khắc để gây sức ép đòi Bắc Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân, nhưng một số người vẫn còn hoài nghi về mức độ cam kết của Trung Quốc đối với đường lối này.

Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Anthony Blinken phát biểu như sau.

"Có một mối quan hệ đặc thù giữa Trung Quốc và Bắc Triều Tiên về mặt kinh tế. Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc thật sự đặt vấn đề này làm trọng tâm và chúng tôi hy vọng sự hợp tác đó của Trung Quốc về vấn đề Bắc Triều Tiên sẽ tiếp tục."

Hoa Kỳ đã làm việc chặt chẽ với Trung Quốc để xác định những biện pháp chế tài mới của Liên Hiệp Quốc, trong đó có việc phải kiểm tra tất cả các loại hàng hoá của Bắc Triều Tiên và cấm hầu hết những hoạt động xuất khẩu khoáng sản mà Bắc Triều Tiên dùng để tài trợ cho chương trình vũ khí hạt nhân.

Vấn đề Bắc Kinh có chấp hành những biện pháp chế tài quốc tế này hay không được xem là hết sức quan trọng, bởi vì 90% hoạt động mậu dịch của Bắc Triều Tiên là với Trung Quốc hoặc thông qua Trung Quốc.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc cam kết ủng hộ các chế tài quốc tế, nhưng họ cũng tìm cách để hạn chế tác động của những sự trừng phạt.

Bắc Kinh nêu lên mối lo ngại là một số chế tài của Liên Hiệp Quốc có thể gây ra những tổn hại không cần thiết cho dân chúng Bắc Triều Tiên và tạo ra bất ổn cho khu vực, và Trung Quốc cho biết họ chỉ chấp hành những chế tài cụ thể nhắm vào khả năng sản xuất vũ khí của Bắc Triều Tiên mà thôi.

Về việc này, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói “Tin tưởng một cách mù quáng vào chế tài và gây sức ép thật ra không phải là một
đường lối có trách nhiệm đối với tương lai của bán đảo Triều Tiên.”

Mới đây Bắc Kinh đã điều đình để Bắc Triều Tiên được quyền sử dụng 4 chiếc tàu từng bị ghi tên vào sổ đen vì những hoạt động mua bán vũ khí trong quá khứ.

Tàu chở hàng Jin Teng của Bắc Triều Tiên bị chặn ở Philippines sau khi các cuộc thanh sát được thi hành theo các biện pháp chế tài mới dẫn tới việc phát hiện một số vi phạm về an toàn, ngày 4/3/2016.
Tàu chở hàng Jin Teng của Bắc Triều Tiên bị chặn ở Philippines sau khi các cuộc thanh sát được thi hành theo các biện pháp chế tài mới dẫn tới việc phát hiện một số vi phạm về an toàn, ngày 4/3/2016.

Kết quả là Philippines đã thả chiếc tàu Jin Teng của Bắc Triều Tiên mà họ bắt giam vào ngày 4 tháng 3.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng đề nghị áp dụng một đường lối song hành, theo đó cuộc đàm phán với Bắc Triều Tiên về một hòa ước sẽ diễn ra cùng lúc với các các cuộc thương thuyết về vấn đề phi hạt nhân hoá. Đề nghị này đi ngược với chủ trương của Mỹ và các nước đồng minh là chính phủ của ông Kim Jong Un phải ngưng chương trình hạt nhân trước khi tiến hành bất kỳ một cuộc đàm phán chính thức nào.

Tại hội nghị ở Washington trong tuần này, Tổng thống Nam Triều Tiên Park Guen Hye cũng sẽ họp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Bà Park Guen Hye đã xây dựng một mối quan hệ gần gũi với ông Tập Cận Bình và đã đến thăm Trung Quốc nhiều lần. Năm ngoái bà là đồng minh duy nhất của Mỹ đến dự các buổi lễ ở Bắc Kinh nhân dịp kỷ niệm 70 năm Thế chiến Thứ hai chấm dứt. Trong khi đó, ông Kim Jong Un đã không đến dự và chưa gặp gỡ nhà lãnh đạo Trung Quốc lần nào.

Lãnh tụ Kim Jong Un đến thanh sát một cuộc diễn tập quân sự tại một địa điểm bí mật ở Bắc Triều Tiên, ảnh do thông tấn xã Triều Tiên KCNA phát hành ngày 25/3/2016.
Lãnh tụ Kim Jong Un đến thanh sát một cuộc diễn tập quân sự tại một địa điểm bí mật ở Bắc Triều Tiên, ảnh do thông tấn xã Triều Tiên KCNA phát hành ngày 25/3/2016.

Mặc dầu vậy, mối quan hệ quân sự chặt chẽ của Seoul với Washington và sự ủng hộ của Nam Triều Tiên đối với kế hoạch bố trí hệ thống phòng thủ phi đạn THAAD của Mỹ đã gây căng thẳng cho các mối quan hệ giữa Nam Triều Tiên với Trung Quốc.

Về việc này, giáo sư Woo Su Keun, một chuyên gia về Bắc Triều Tiên của Đại học Đông Hoa ở Thượng Hải, cho biết như sau.

"Tuy Trung Quốc biết rõ lập trường của Nam Triều Tiên, nhưng Trung Quốc nghĩ rằng Nam Triều Tiên chỉ xem xét tới lập trường của mình mà thôi."

Ông Woo Su Keun nói rằng tuy Trung Quốc chưa có hành động xích lại gần hơn với đồng minh ương ngạnh của họ ở Bình Nhưỡng, nhưng Bắc Kinh cũng nhìn Seoul với đôi mắt có ít thiện cảm hơn và xem Nam Triều Tiên là “một nước chư hầu” của Mỹ.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG