Bộ trưởng Giáo dục Campuchia tuyên bố nỗ lực trong năm nay nhằm ngăn chặn các sinh viên năm cuối gian lận thi cử đã có hiệu quả tốt, và ông tin tưởng rằng kết quả thi sẽ tốt hơn so với niên khóa 2014. Nhiều học sinh cũng sẽ hy vọng như vậy, trong bối cảnh 60 phần trăm lớp năm ngoái thi rớt sau khi chính phủ áp dụng chính sách “không gian lận.”
88 ngàn học sinh năm cuối của Campuchia sẽ dự kỳ thi tốt nghiệp trong tuần này, và nhiều học sinh lo lắng rằng chính sách “không gian lận" của chính phủ sẽ làm tiêu tan cơ may chiếm được một chỗ vào đại học của mình.
Một số cầu xin thi đỗ tại các chùa chiền vào cuối tuần, và một em học sinh bi quan nói với báo Phnom Penh Post rằng em hy vọng các giám khảo sẽ cho phép học sinh gian lận “một cách không đáng kể, như xem câu trả lời của nhau.”
Trong trường hợp này, hy vọng của em đã bị dập tắt: chính sách sẽ được áp dụng một cách nghiêm ngặt.
Không thể tránh được việc một số học sinh thử thời vận: vài em bị bắt gặp lén đem vào những giấy tờ ghi chép sẵn và một học sinh lớp 11 tìm cách thi hộ cho người anh kém thông minh hơn đã bị bắt.
Dường như đã dẹp được phần lớn tình trạng gian lận lâu nay trong các kỳ thi ở đây.
Bộ trưởng Giáo dục Hang Chuon Naron là người đứng sau chính sách này, một phần chủ yếu trong nỗ lực cải cách giáo dục va đảm bảo hệ thống trước đây vẫn tưởng thưởng cho những vụ gian lận, được thay thế bằng một nền văn hóa xứng đáng có lợi cho những em chăm học.
Được bổ nhiệm cách đây 2 năm, Bộ trưởng Naron lấy làm lạc quan rằng tỷ lệ thi đậu sẽ cao hơn trong năm nay. Theo ông, một phần là nhờ học sinh chăm học hơn; nhưng những thay đổi khác cũng đã góp phần vào thành quả, trong đó có việc cải tiến đào tạo giáo viên.
Ông Hang Chuon Naron nói: “Chúng tôi đã thấy sự thay đổi trong thái độ của học sinh – nhất là chúng tôi đã nhận được các báo cáo của trường học rằng học sinh chăm chỉ hơn, và đi học thêm các lớp vào thứ bảy, chủ nhật theo đề nghị của giáo viên.”
Bộ trưởng Giáo dục Campuchia hy vọng dẹp bỏ gian lận thi cử sẽ là khởi điểm cho việc chỉnh sửa tình trạng bất cập về kỹ năng phát xuất từ hệ thống giáo dục của Campuchia, lâu nay đã nảy sinh ra một khối sinh viên tốt nghiệp thiếu các kỹ năng mà giới tuyển dụng cần đến.
“Như quý vị biết, chúng tôi vẫn còn những thiếu sót bởi vì một năm cố gắng chưa đủ, bởi vì một số bộ môn học tập cần đến ít nhất vài năm, 2 hay 3 năm. Nhưng ta sẽ thấy có thêm tiến bộ trong năm nay, so với năm ngoái, và tôi tin rằng đó là sự thay đổi tâm trạng của học sinh. Và nó hình thành những thói quen mới", ông Hang Chuon Naron cho biết thêm.
Những thay đổi khác gồm việc trả lương cao hơn cho giáo viên, và bảo đảm là các trường học cải thiện cơ sở và được quản lý tốt hơn.
Chỉnh sửa những khuyết điểm trong hệ thống giáo dục của Campuchia sẽ không phải là việc dễ dàng, nhưng theo Bộ trưởng Naron, điều hợp lý là bắt đầu bằng cách ngăn ngừa việc gian lận thi cử bởi vì điều đó không những cho thấy những thiếu sót trong hệ thống, mà còn buộc học sinh phải học hỏi.
Ông Hang Chuon Naron cho biết: “Tất cả việc chi tiêu – như chi tiêu dành cho sách giáo khoa, chi tiêu dành thêm cho các nguồn lực, ngay cả lương cao hơn cho giáo viên, nếu học sinh không chịu học, thì cũng không thể đạt được hiệu quả.”
Đối với khóa sinh năm 2015, bằng chứng chủ quan cho thấy phần lớn đã coi chính sách không gian lận là nghiêm túc và đã dành thêm giờ để học bài. Học sinh sẽ sớm nhận ra liệu các nỗ lực đó có đem lại hiệu quả hay không.
Kết quả thi sẽ có vào giữa tháng 9.